Chống tội phạm làm giả và sử dụng giấy tờ giả ở châu Á

Thứ Tư, 13/02/2019, 22:05
Trong nhiều năm qua, chính quyền các nước bày tỏ mối lo ngại Thái Lan là thị trường bùng nổ hộ chiếu giả mà họ tin rằng khách hàng là bọn tội phạm và khủng bố nguy hiểm như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).


Chính quyền Thái Lan cũng cũng công khai thừa nhận giấy tờ giả là "vấn đề quá lớn" ở nước này. Năm 2014, cảnh sát Thái Lan phát hiện 2 hành khách người Iran trên chuyến bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia sử dụng hộ chiếu châu Âu đánh cắp mà họ mua được tại khu nghỉ dưỡng Pattaya nổi tiếng nước này. 

Vào 4 năm trước đó, 2 người Pakistan và một phụ nữ Thái Lan bị bắt giữ do bị nghi ngờ làm hộ chiếu giả cho thành viên các nhóm liên kết với Al Qaeda - trong đó bao gồm những phần tử liên quan đến cuộc tấn công khủng bố liên hoàn tại thành phố Mumbai của Ấn Độ năm 2008 và vụ đánh bom tàu điện ngầm ở thành phố Madrid của Tây Ban Nha năm 2004. 

Theo các chuyên gia, bọn tội phạm dễ dàng hoạt động do Thái Lan không kiểm tra hộ chiếu bằng cách tham khảo cơ sở dữ liệu về (hàng chục triệu) hộ chiếu bị đánh mất hay đánh cắp của cơ quan cảnh sát hình sự quốc tế Interpol. 

Thiếu tướng cảnh sát Apichart Suriboonya, lãnh đạo chi nhánh Interpol ở Thái Lan, thừa nhận nếu trước đây chịu tham khảo cơ sở dữ liệu khổng lồ của cảnh sát quốc tế thì "chúng tôi sẽ biết ngay lập tức" việc sử dụng giấy tờ giả tại biên giới Thái Lan. 

Ngày 30-11-2010, một người đàn ông quốc tịch Pakistan 39 tuổi tên là Muhammed Ather "Tony" Butt cùng với bạn gái người Thái Lan Sirikalya Kitbamrung bị tống giam sau khi họ bị bắt giữ lúc đang cố vượt biên sang Lào từ tỉnh Nong Khai miền bắc Thái Lan. 

Cùng ngày, các đặc vụ Cục Điều tra Đặc biệt Thái Lan (DSI) bắt giữ tiếp người Pakistan thứ hai Zezan Azzan Butt, 27 tuổi, tại quận Rat Burana của thủ đô Bangkok. Và, cũng vào khoảng thời gian đó ở phía khác của Trái đất, cảnh sát Tây Ban Nha tiến hành đột kích một loạt các địa chỉ nhà ở Barcelona, bắt giữ 6 người Pakistan và một người Nigeria. 

Những hộ chiếu giả bị thu giữ tại Pattaya, Thái Lan.

Những vụ bắt giữ này là đỉnh cao của chiến dịch hợp tác quy mô triệt phá tội phạm làm giấy tờ giả gọi là "Alpha" giữa các nhà điều tra Thái Lan và Tây Ban Nha sau vụ phát hiện một thành viên tổ chức khủng bố ủng hộ Al Qaeda được coi là đã tiến hành vài cuộc tấn công ở thành phố Madrid của Tây Ban Nha - bao gồm vụ đánh bom tàu hỏa M-11 năm 2004 giết chết 191 người và làm bị thương 1.800 người khác - du hành với hộ chiếu giả. Sau đó, chính thông tin thu thập được từ nghi can này giúp dẫn đến vụ bắt giữ người Anh gốc Iran tên là Ahboor Rambarak Fath tại sân bay Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok của Thái Lan. 

Bị bắt sau khi xuống chuyến bay từ Tây Ban Nha, cảnh sát phát hiện Ahboor Fath mang theo trong túi 103 hộ chiếu châu Âu, Canada và Israel mà hắn khai nhận là để chuyển đến một "cơ sở nhỏ làm giả" giấy tờ. 

Vài giờ sau khi bắt giữ Ahboor Fath, nhóm sĩ quan DSI tiến hành lục soát căn hộ của hắn và tiếp tục tịch thu vài máy vi tính, máy scanner phân giải cao, máy in cùng với hơn 1.000 hộ chiếu đánh cắp, ảnh chụp chân dung và các trang dữ liệu giả dùng để làm giả hộ chiếu Trung Quốc và Israel cùng với nhiều con dấu thị thực. 

Theo tiết lộ của phó tổng giám đốc DSI Narat Savetnant, bọn tội phạm đánh cắp và làm giả hộ chiếu rồi sau đó đem bán cho các nhóm tội phạm quốc tế dính líu vào những vụ buôn lậu vũ khí, buôn người, đưa người  nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu và khủng bố. 

Ngoài ra, bọn chúng còn cung cấp hộ chiếu cho tổ chức khủng bố nguy hiểm Lashkar-e-Taiba - nhóm bị buộc tội âm mưu vụ đánh bom liên hoàn ở thành phố Mumbai (Ấn Độ) năm 2008 giết chết 164 người và làm bị thương hơn 300 người khác - và quân ly khai Hổ Tamil ở Sri Lanka. 

Tháng 6-2012, lực lượng DSI triệt phá thành công một tổ chức làm giấy tờ giả cực kỳ quy mô đã "sản xuất" khoảng 3.000 hộ chiếu và visa giả trong suốt 5 năm hoạt động bí mật. Người Thái Lan gốc Iran 45 tuổi Seyed Paknejad, người được cho là kẻ cầm đầu tổ chức làm giả giấy tờ này - đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ.

Theo đánh giá của tổng thư ký Interpol - Ronald Noble, sử dụng hộ chiếu giả để bay đến Mỹ và châu Âu rất khó bởi vì hai nơi này sử dụng phổ biến giấy tờ sinh trắc học và thường xuyên kiểm tra dấu vân tay và mống mắt. Nhưng, ở châu Á thị trường đen mua bán hộ chiếu rất phát triển do công tác kiểm tra an ninh ở các sân bay khá lỏng lẻo tạo điều kiện cho du khách dễ dàng sử dụng tên giả. 

Tại phần lớn các quốc gia châu Á, bao gồm Malaysia, được trang bị máy móc công nghệ cao - bao gồm các máy scanner dấu vân tay - nhưng công tác kiểm tra thường không được tiến hành một cách hệ thống. Giới chức Interpol cho biết các phần tử khủng bố rất thích sử dụng hộ chiếu giả, như là Ramzi Yousef - người bị buộc tội lập kế hoạch đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York năm 1993. 

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế Interpol đã thành lập cơ sở dữ liệu về các hộ chiếu bị mất cắp gọi là Giấy tờ du hành bị mất và đánh cắp (LSTD) nhằm giúp chính quyền các quốc gia tham khảo để nhanh chóng xác định xem hành khách đi máy bay có sử dụng hộ chiếu đánh cắp hay bị mất hay không. 

Theo số liệu thống kê của Interpol, 1 tỷ hành khách sử dụng máy bay trên toàn cầu trong năm 2013 nhưng hộ chiếu của họ không được kiểm tra với LSTD. Jessica Vaughan, nữ giám đốc nghiên cứu chính sách của Trung tâm nghiên cứu nhập cư (CIS) đặt trụ sở tại Mỹ, nhận định: "Chỉ có một số ít các quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, cẩn thận đối chiếu hộ chiếu hành khách đi máy bay với kho dữ liệu LSTD".

Trang Thuần
.
.
.