Chuẩn bị xét xử trùm buôn nội tạng người

Chủ Nhật, 14/01/2018, 15:41
Sau khi bị bắt tại đảo Cyprus, trùm buôn nội tạng người Moshe Harel đang chuẩn bị hầu tòa và sẽ phải trả giá cho những việc hắn đã làm.

"Vài ngày trước, nghi phạm với danh tính MH đã bị bắt tại Cyprus sau lệnh truy nã quốc tế", người phát ngôn cảnh sát Kosova, ông Baki Kelani cho biết hôm 7-1.

Theo giới truyền thông, Moshe Harel bị quyền truy nã hơn 10 năm qua với cáo buộc dụ dỗ người nghèo đến từ khu vực Đông Âu và Trung Á bán nội tạng. Nạn nhân của Moshe Harel được ông trùm này hứa mua nội tạng với giá 15.000 euro.

Và người nhận nội tạng chủ yếu đến từ Israel, sau khi trả cho Moshe Harel khoảng 100.000 euro để có thể thực hiện việc cấy ghép.

Ông trùm buôn người Israel Moshe Harel.

Theo cáo buộc của cảnh sát, Moshe Harel đứng đầu tổ chức chuyên cấy ghép thận bất hợp pháp tại Bệnh viện Medicus ở Pristina, Kosovo 10 năm trước (2008-2018).

Đường dây buôn nội tạng kể trên bị phát hiện năm 2008 sau khi một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ bị ngất ở sân bay Pristina vì cắt một quả thận để bán. Và khi cảnh sát đến khám xét Bệnh viện Medicus, họ đã làm rõ vụ bê bối của Moshe Harel.

Theo giới truyền thông, năm 2013, một phiên tòa do Liên minh châu Âu (EU) tổ chức tại Kosovo từng tuyên án 8 năm tù đối với 5 bác sĩ người Kosovo vì tội buôn bán nội tạng.

Và tại phiên tòa này, công tố viên đã tuyên bố, những người hiến nội tạng bị lấy đi các bộ phận cơ thể một cách trái phép, nhưng không được chăm sóc y tế đúng cách và bị đối xử quá tệ bạc.

Bản cáo trạng khi đó cũng nêu rõ, Moshe Harel là kẻ chủ mưu và đứng đầu đường dây buôn bán nội tạng bất hợp pháp này. Nhưng năm 2016, Tòa án Tối cao Kosovo đã phủ nhận phán quyết kể trên và yêu cầu tiến hành xét xử lại.

Và bác sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Yusuf Ecrin Sonmez, người được giới truyền thông Kosovo gọi là "Frankenstein của Thổ Nhĩ Kỳ" bị tình nghi thực hiện các ca cấy ghép tại Bệnh viện Medicus, đã bị truy nã nhưng hiện vẫn chưa bị bắt.

Về phần mình, gần 6 năm trước (26-5-2012), cảnh sát Israel từng bắt 10 người trong đường dây chuyên buôn bán nội tạng người. Giám đốc Bệnh viện Lutfi Dervishi và 6 người bị giam tại Pristina vì tội buôn lậu nội tạng.

Sau đó (13-5-2015), các công tố viên Israel còn khởi tố đường dây buôn bán nội tạng người xuyên quốc gia. 7 đối tượng bị bắt đã tổ chức hoặc tiến hành các ca cấy ghép tại Azerbaijan, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ và Kosovo cho người Israel và đường dây này tồn tại trong nhiều năm qua.

Trong số những người bị bắt đáng chú ý có Moshe Harel, đối tượng bị toà án do EU đứng đầu tại Kosovo xét xử năm 2013 vì tội buôn bán nội tạng người.

Được biết, tại phiên tòa hôm 13-5-2015, đại diện Bộ Tư pháp Israel tuyên bố, 7 đối tượng bị bắt đã vận hành một "doanh nghiệp thực sự về buôn bán nội tạng" trong nhiều năm và chúng đã lợi dụng khó khăn tài chính của những người hiến tạng và tình trạng sức khoẻ của người nhận để kiếm lợi khủng.

Trong số 7 bị cáo đáng chú ý có Zaki Shapira, người đứng đầu khoa cấy ghép tại Bệnh viện Beilinson gần Tel Aviv đã lợi dụng danh tiếng của mình để hỗ trợ việc tổ chức tìm kiếm những người có nhu cầu ghép tạng tiềm năng, và kiểm tra giấy tờ của người hiến tạng.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 ca ghép nội tạng được thực hiện trái phép trên thế giới, trong đó có sự tham gia của bọn tội phạm quốc tế.

Theo đó, 1 quả tim có thể được bán với giá khoảng 1,5 triệu USD trên thị trường chợ đen, tuyến tụy hoặc gan có giá gần 750.000 USD, 1 quả thận mua của nạn nhân chỉ với giá hơn 18.500 USD, nhưng được bán với giá khoảng 125.000 USD cho người có nhu cầu.

Giới truyền thông cho biết, 14 nước châu Âu, trong đó có Anh, Tây Ban Nha, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ... muốn ký một hiệp định quốc tế đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực chống buôn lậu nội tạng người.

Bởi theo dự luật của Hội đồng châu Âu, mọi hành động lấy nội tạng khỏi cơ thể con người, khi còn sống cũng như khi đã chết mà không có sự cho phép của người đó, đều là bất hợp pháp; đồng thời cấm kinh doanh từ hoạt động cấy ghép nội tạng.

Theo tiết lộ mới đây của tờ The Independent, những người tị nạn Bắc Phi không đủ tiền trả cho bọn buôn người thường có kết cục vô cùng bi thảm - bị mổ lấy nội tạng để bán trừ số tiền nợ chúng. Và kẻ buôn người Nuredein Wehabrebi Atta đã bị tòa kết án 5 năm tù giam vì có liên quan tới hoạt động vận chuyển người nhập cư bất hợp pháp.

Theo lời kể của  Nuredein Wehabrebi Atta, những người không đủ tiền trả cho chuyến vượt Địa Trung Hải thường bị bán cho các nhóm chuyên mổ lấy nội tạng với giá khoảng 15.000 euro/người.

Anh Phương
.
.
.