Chương trình xóa sổ cướp biển của Liên hợp quốc

Thứ Năm, 07/05/2015, 18:00
Tội phạm hàng hải đã và đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng tới người đi biển, giao thương quốc tế và sự ổn định khu vực.
Hơn 90% giao thương toàn cầu đều thông qua đường biển, do đó tội phạm hàng hải đã trở thành cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế. Tội phạm hàng hải không chỉ đơn thuần là hoạt động tội phạm nhằm vào tàu, thuyền hoặc cơ sở vật chất hàng hải, mà bao gồm các hoạt động tội phạm khác như buôn bán người, buôn bán vũ khí, ma túy, buôn lậu...

Do tính chất rộng lớn tự nhiên của biển, hoạt động tội phạm diễn ra rất phức tạp nên rất cần một phương án phối hợp toàn diện trên bình diện quốc tế nhằm giải quyết tình trạng trên. Phương pháp này bao gồm việc ngăn chặn hoạt động tội phạm đường biển, tăng cường năng lực thực thi pháp luật hàng hải trong nước và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tội phạm hàng hải trong đất liền.

Cướp biển là ác mộng với hàng hải quốc tế.

Chương trình phòng chống tội phạm hàng hải của Liên hợp quốc giúp các quốc gia tăng cường năng lực chiến đấu với tội phạm hàng hải. Chương trình này được thiết lập năm 2009 với tên gọi "Chương trình xóa sổ cướp biển" (CPP), nhằm đáp ứng nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên  hợp quốc, kêu gọi phản ứng quốc tế đối với hiểm họa cướp biển tại châu Phi.

Chương trình CPP đã đi đầu trong nỗ lực đưa ra các giải pháp hình sự đối với cướp biển tại vùng Ấn Độ Dương. CPP đóng vai trò trung tâm trong việc thành lập "Mô hình tố cáo cướp biển". Sự  phối hợp tham gia của các hạm đội hải quân quốc tế và các quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương giải quyết đáng kể loại tội phạm này. Trong lĩnh vực chống tội phạm hàng hải, CPP đã có sự phối hợp, lãnh đạo cấp vùng và cấp chiến lược, duy trì hỗ trợ năng lực truy tố và hỗ trợ trực tiếp trong vấn đề xử án tội phạm hàng hải.

Những quốc gia đầu tiên được hỗ trợ theo mô hình này là Kenya, Mauritius, Seychelles và Tanzania, bao gồm đào tạo thẩm phán, công tố viên, sỹ quan cai ngục, cảnh sát và cảnh sát biển; xây dựng tòa án và cơ sở vật chất nhà tù; cung cấp công cụ, thiết bị cho các cơ quan hành pháp và cải cách pháp lý.

Liên hợp quốc nỗ lực điều phối hợp tác đảm bảo an ninh hàng hải.

CPP đã thiết lập chương trình chuyển giao tội phạm, chương trình này giúp dẫn độ tội phạm về quê hương và thi hành án tại quê nhà, phù hợp với môi trường văn hóa, mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Sáng kiến này đi đôi với việc xây dựng và cải thiện cơ sở vật chất trại giam tại vùng Trung Nam bộ Somalia, Somaliland và Puntland, đào tạo, tư vấn cho cảnh sát trại giam và thực hiện các chương trình giáo dục, dạy nghề, và phục hồi nhân phẩm cho phạm nhân.

CPP cũng cho rằng giải pháp bền vững để chống nạn cướp biển đòi hỏi phải giải quyết được nguyên nhân gốc rễ và xây dựng cơ quan thực thi pháp luật hàng hải.

Giải cứu nạn nhân của tội phạm hàng hải cũng là nhiệm vụ hàng đầu của CPP. Chương trình hỗ trợ con tin đã ghi nhận nỗ lực quốc tế trong việc ủng hộ các con tin và gia đình họ. Chương trình này đã có những hỗ trợ về y tế đối với các con tin trong khi họ bị giam giữ,  cung cấp nguồn thông tin vô giá và liên hệ với gia đình, đại sứ quán, giải cứu thành công và đưa họ trở về quê hương an toàn.

CPP tiếp tục mở rộng hoạt động và liên kết với các quốc gia tại khu vực Ấn Độ dương để thảo luận về các phương pháp mới trong việc phòng chống tội phạm hàng hải trên quy mô lớn, bao gồm việc buôn bán các hoạt chất qua đường biển.

Đoàn Oanh
.
.
.