Chuyên án ma túy “Những thằng ngọng”, thành công là ở nghệ thuật diễn xuất!

Thứ Năm, 24/05/2012, 17:11
Nếu ai đó nói rằng nghề Cảnh sát chỉ cần đến sự nhanh nhẹn, thông minh, dũng cảm thôi thì tôi đồ rằng những yếu tố đó chưa đủ. Nghề Cảnh sát, đặc biệt là Cảnh sát hình sự và Cảnh sát ma túy cần phải có một tài nghệ khác đó là khả năng diễn xuất, nhập vai một cách khéo léo tài tình. Chuyên án ma túy “Những thằng ngọng” được các chiến sỹ Cảnh sát Phòng Ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá thành công vào đầu năm 2012 vừa qua minh chứng cho sự quan trọng của nghệ thuật diễn xuất của người cảnh sát trong việc phá án. Trung tá Phạm Sỹ Ngọc, Phó đội trưởng đội 3 Phòng Ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa thực sự là một người nghệ sỹ tài hoa, dũng cảm đóng một vai trò chủ chốt trong việc triệt phá thành công chuyên án ma túy “Những thằng ngọng”.

Chuyên án đặc biệt

Thanh Hóa là một tỉnh có địa bàn rộng, nằm trên tuyến đường giao thông Bắc-Nam lại có đường biên giới Việt-Lào nên từ lâu đã là điểm nóng về việc buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy. Tình trạng này khiến các chiến sỹ Công an Phòng Ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa phải đau đầu trong việc triệt phá những đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia và quốc tế. Bằng sự nỗ lực và đồng lòng của toàn bộ các anh em chiến sỹ công an, từ đầu năm 2012 đến nay, Phòng Ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá được 5 chuyên án ma túy.

Trong đó, chuyên án ma túy xuyên quốc gia “Những thằng ngọng” được đánh giá là một trong những chuyên án khá đặc biệt không phải bởi qui mô hay thủ đoạn hoạt động của đối tượng mà bởi cách phá án cực kỳ thông minh và rất “nghệ thuật” của các chiến sỹ Công an Phòng Ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa.

Bằng một giọng hào sảng và lối kể chuyện dí dỏm, say mê, Trung tá Phạm Sỹ Ngọc, Phó đội trưởng đội 3 Phòng ma túy công an tỉnh Thanh Hóa – người đã trực tiếp tham gia chuyên án 112 - “Những thằng ngọng” tường thuật lại cho tôi nghe chi tiết việc phá án.

Tháng 2/2012, trong một lần tuần tra, các chiến sỹ Cảnh sát cơ động Thanh Hóa phát hiện và bắt được một đối tượng người Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang vận chuyển 6 gam ma túy đá và chuyển giao hồ sơ cho Phòng Ma túy Công an tỉnh giải quyết. Ngay lập tức, phòng Điều tra tội phạm ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa lập chuyên án để truy xét các đối tượng có liên quan. Bằng sự khéo léo và cứng rắn, sau khi lấy lời khai của đối tượng vừa bị bắt các anh đã tìm ra được một đối tượng khác nằm trong đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy đá xuyên quốc gia này.

Đối tượng được xác định tên là Thành, quê ở Hà Tĩnh. Rất nhanh nhạy, sau khi liên lạc với Công an tỉnh Nghệ An để được cung cấp thông tin về đối tượng Thành, các chiến sỹ Công an đã nhận ra được một điều trùng lặp ở 2 đối tượng người Thanh Hóa và người Hà Tĩnh đó là tật nói ngọng. Trung tá Phạm Sỹ Ngọc giải thích rằng tật nói ngọng nghĩa là đối tượng nói trong khi giao tiếp không được tròn vành rõ chữ nên nếu nghe bình thường, không chú ý, chắc chắn sẽ không hiểu được nội dung giao tiếp của những người nói ngọng.

Nhận thấy đây là điểm đặc biệt của chuyên án 112, các chiến sỹ Công an Thanh Hóa quyết định đưa ra hướng tấn công “lấy độc trị độc” để tóm gọn đối tượng tên Thành ở Hà Tĩnh.

Để phá án, Công an cũng phải biết nói ngọng

“Điều quan trọng nhất khi triệt phá được đường dây buôn bán ma túy đó là phải đột nhập để trở thành một mắt xích của đường dây buôn bán ma túy đó để nắm rõ được qui trình hoạt động và đường đi nước bước của đối tượng.” – Trung tá Phạm Sỹ Ngọc cho hay. “Khi ta đã bắt được đối tượng đầu tiên người Thanh Hóa thì bước tiếp theo phải dùng đối tượng này để bắt đối tượng Thành ở Hà Tĩnh. Nhưng đặc điểm chung của các đối tượng đều là những tên có tật nói ngọng nên muốn đột nhập vào đường dây của chúng thì Công an cũng phải biết nói ngọng”.

Trung tá Phạm Sỹ Ngọc là người đảm nhiệm vai trò “nhập vai” trở thành đối tượng đã bị bắt ở Thanh Hóa để trò chuyện qua điện thoại với đối tượng Thành ở Hà Tĩnh nhằm “dụ” hắn ra Vinh bắt gọn. Để học được giọng nói ngọng, Trung tá Phạm Sỹ Ngọc phải lắng nghe rất kĩ càng giọng và cách nói của đối tượng đã bị bắt để bắt chước. Anh cũng yêu cầu đối tượng phải nói cho mình những từ lóng mà các đối tượng hay dùng để giao tiếp trao đổi trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Khi đã nắm được phong cách nói và giọng ngọng của đối tượng, Trung tá Phạm Sỹ Ngọc bắt đầu “nhập vai” và… “diễn”. Sự việc thành công ngoài mức tưởng tượng bởi đối tượng Thành không hề mảy may nghi ngờ đầu dây bên kia không phải là bạn hàng của mình. Chỉ 2 ngày sau khi bắt đối tượng người Nghi Sơn, Thanh Hóa, các chiến sỹ Cảnh sát ma túy Công an Thanh Hóa đã phối hợp với Công an thành phố Vinh tóm gọn đối tượng Thành trong khi hắn đang vận chuyển ma túy đá.

Sau khi lấy cung, khai thác thông tin từ đối tượng Thành, các chiến sỹ Công an Thanh Hóa tiếp tục phát hiện ra một đối tượng khác người Kiên Giang nằm trong đường dây buôn bán ma túy đá này. Điều đặc biệt là đối tượng người Kiên Giang cũng là một tên mắc tật nói ngọng. Tiếp tục sử dụng phương án cũ, Trung tá Ngọc lại giả giọng ngọng của đối tượng Thành để liên lạc, trao đổi qua điện thoại với đối tượng người Kiên Giang để dụ đối tượng ra Thanh Hóa trao đổi hàng.

Trung tá Phạm Sỹ Ngọc.

Lần này, việc nhập vai của Trung tá Sỹ càng trở nên khó khăn hơn bởi đối tượng là người trong Nam nên việc giả giọng “ngọng” cũng phải mang âm hưởng của người miền Nam. Đương nhiên Trung tá Ngọc cũng đã phải nghiên cứu kĩ càng để bắt chước được giọng ngọng đó. Việc nhập vai lần này lại diễn ra một cách thành công khi Trung tá Ngọc dụ được đối tượng đến Bưu điện tỉnh Thanh Hóa để trao đổi hàng.

Thực ra, cũng có lúc Trung tá Ngọc không hiểu được đối tượng đang nói gì bởi dẫu bắt chước được giọng ngọng nhưng anh cũng không hoàn toàn nghe được giọng ngọng, thế nên rất nhanh trí, anh khéo léo mượn cớ để trao đổi với đối tượng bằng tin nhắn. Khi đã nhận được tin “Tao đang ở trước cửa Bưu điện Thanh Hóa rồi. Mang tiền ra đi” thì lập tức các chiến sỹ Công an Thanh Hóa ập vào bắt gọn đối tượng. 

Sau khi bắt đối tượng ở Kiên Giang, Trung tá Ngọc lại tiếp tục giả giọng ngọng để dụ một đối tượng khác ở Hải Phòng ra Thanh Hóa để bắt – đối tượng nằm trong đường dây buôn bán ma túy ở Hải Phòng này cũng là một tên nói ngọng. Tuy nhiên hắn rất khôn ngoan, nhất định không chịu ra Thanh Hóa mà yêu cầu mang tiền vào địa phận của hắn ở Hải Phòng thì mới chịu giao hàng.

Trước tình thế ấy, các chiến sỹ Công an Thanh Hóa lập tức điều người lên mai phục theo dõi đối tượng ở Hải Phòng trong vòng suốt 4 ngày thế nhưng vẫn không bắt được bởi không xác định được đối tượng đang ở khu vực nào. Sau đó, các chiến sỹ Công an Thanh Hóa phải dùng đến việc hỗ trợ định vị để xác định được địa điểm của đối tượng. Cuối cùng, với sự kết hợp của các biện pháp kĩ thuật và biện pháp nghiệp vụ, các chiến sỹ Công an phòng ma túy đã bắt gọn đối tượng, triệt phá đường dây buôn bán ma túy đá xuyên quốc gia chỉ trong một thời gian ngắn.

Trung tá Phạm Sỹ Ngọc cho hay trong chuyên án này, việc giả giọng ngọng là một điều cực kỳ quan trọng. Đó là chìa khóa để mở các mắt xích trong chuyên án đồng thời cũng là cơ sở để tạo niềm tin với đối tượng. Chỉ cần sai sót rất nhỏ trong việc nói chuyện với đối tượng cũng khiến chúng nghi ngờ và khiến cho chuyên án bị đổ bể. Chính vì thế, Trung tá Ngọc đã phải nắm được một cách kĩ càng cách xưng hô của từng tên với đồng bọn, học những tiếng lóng mà chúng sử dụng trong khi giao tiếp với nhau, thậm chí học cả cách chửi thề của chúng.

Chính vì sự khéo léo và thông minh trong việc nhập vai ấy cùng với việc vận dụng những biện pháp nghiệp vụ và kĩ thuật khác một cách hoàn hảo, chuyên án “Những thằng ngọng” đã được triệt phá một cách thành công

Ngày 20/4/2012, tập thể cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa đã nhận được bằng khen của Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong việc phối hợp, điều tra, khám phá đường dây buôn bán ma túy lớn, bắt giữ 3 đối tượng, thu 30 bánh heroin tại xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vào ngày 6/4/2012 vừa qua.

Ma túy đá là một dạng ma túy tổng hợp. “Đá” không phải một chất ma túy mới, mà là một dạng kết tinh của các loại thuốc lắc như ketamin hay amphetamin, methamphetamin..., hoặc kết hợp mấy chất trên. Ma túy đá có hình dạng giống như đá hoặc dạng bột, tinh thể. (Ông Trần Hữu Viễn, Đội trưởng Đội đấu tranh chống tội phạm tiền chất và ma túy tổng hợp - Công an thành phố Hà Nội)

Hà Lạng
.
.
.