Chuyện chết đi sống lại đầy bí ẩn của Sa hoàng và nghi án tình tự với em gái

Thứ Hai, 09/01/2012, 10:38
Vị Sa hoàng từng đánh bại Napoleon đến giờ vẫn gây tranh cãi về việc ông có tư tình với em gái hay không, có đi chơi khắp nước Nga suốt mấy chục năm sau khi đã… băng hà? Alexsander I Pavlovich sinh năm 1777, lên ngôi năm 24 tuổi. Cuối năm 1825, Sa hoàng được tuyên bố là đã băng hà tại khu nghỉ dưỡng Tanganrog. Ngay sau thời điểm đó, nước Nga đã dậy lên những tin đồn rằng thực ra Sa hoàng vẫn sống, nhưng từ bỏ ngai vàng để bắt đầu một cuộc sống khác.

Bí ẩn chiếc quan tài

Càng nổi tiếng thì những gì liên quan đến đời tư, sự nghiệp và cái chết… tất cả những gì được xem là "thâm cung bí sử" lại càng hấp dẫn dư luận, trong đó cái chết của Hoàng đế nước Nga Alexander I cũng không phải là ngoại lệ.

Theo Đài tiếng nói nước Nga ngày 3/12/2010 và Bách khoa toàn thư Wikipedia thì Hoàng đế nước Nga Alexander I, tên thật là Alexander Pavlovich (sinh ngày 23/9/1777 và mất ngày 19/11/1825) là vị hoàng đế thứ 14 nước Nga, lên ngôi, trị vì từ ngày 23/3/1801 đến ngày 1/9/1825. Ông cũng là vua Ba Lan từ năm 1815-1825, người Nga đầu tiên làm Đại Công tước xứ Phần Lan và Litva.

Ông là con cả trong gia đình 4 anh chị em của Nga hoàng Pavel I và mẹ là Maria Feodorovna. Ông kế ngôi sau khi vua cha bị sát hại trong giai đoạn xảy ra chiến tranh với Napoleon và là vị vua của nhiều cải cách quan trọng, đặc biệt là cải cách chế độ tự do. Ông cũng là người có những quan điểm thiếu nhất quán, tuy nhiên trong thời gian trị vì ông đã dẫn dắt nước Nga chiến thắng đế quốc Ottoman, Thụy Điển và Pháp, chiếm được Phần Lan và một phần lãnh thổ Ba Lan.

Alexander I có thiện cảm với nước Pháp và cuộc cách mạng của người Ba Lan nhưng lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi người cha, đặc biệt là giáo lý kết hợp giữa tình yêu, chủ nghĩa nhân đạo với sự kinh thường. Sự lạ lùng về cá tính, quan điểm, phong tục tập quán và ảnh hưởng từ những người thân trong dòng tộc đã làm cho Nga hoàng Alexander I trở thành một nhân vật đặc biệt, không kém phần thú vị, làm tăng kẻ thù đối với hoàng gia và cả những gì liên quan đến cái chết bí ẩn của ông đến nay hậu thế vẫn chưa hiểu hết.

Thành tựu huy hoàng nhất của Alexsander I là đánh bại quân xâm lược Napoleon. Tuy nhiên vào những năm cuối trị vì, Sa hoàng ngày càng có nhiều sai lầm khiến vầng hào quang dần lu mờ, và bản thân ông luôn chán chường, đau khổ. Nhà vua nói nhiều đến mơ ước có một cuộc sống khác, thậm chí từng nói sẽ thoái vị vào năm 1825. Để thoát khỏi tâm trạng đen tối, tháng 9/1825, Sa hoàng cùng vợ đến tĩnh dưỡng tại thị trấn Taganrog. Ngày 19/11, đột nhiên có tin vua băng hà ở tuổi 48. Trước đó, Sa hoàng hoàn toàn khỏe mạnh, vì thế nên có tin đồn ông đã dựng nên cái chết của mình để sống ẩn dật dậy lên khắp nơi.

Những người tin vào giả thuyết này đưa ra rất nhiều bằng chứng khá thuyết phục. Thứ nhất, nếu chuyến nghỉ dưỡng của Sa hoàng không có mục đích đặc biệt gì thì tại sao chọn Taganrog, nơi một bên giáp thảo nguyên đầy gió cát, một bên giáp biển Azov nặng mùi uế khí? Theo thông báo, trước khi băng hà, nhà vua đột ngột mắc bệnh, nhưng tại sao trong 10 bác sĩ được mời đến chữa, chỉ hai người ký tên vào bệnh án?

Chuyện thi hài của Alexsander I cũng gây rất nhiều nghi ngờ. Hai ngày sau khi Sa hoàng mất, khi mọi người tham gia thủ tục ướp xác, khâm liệm, họ thấy khuôn mặt người chết đã bị hủy hoại hoàn toàn, không thể nhận ra. Sau đó, quan tài bị đóng kín suốt thời gian viếng, cấm mở lại. Chính vì vậy, người ta cho rằng nằm trong quan tài là một "vật thế thân". Thậm chí anh lính gác ở dinh thự Taganrog còn quả quyết vào đêm trước khi có tin Sa hoàng mất, anh nhìn thấy một người rất giống hoàng đế nhảy ra khỏi cửa sổ, biến vào đêm. Điều này càng được tin tưởng khi vào năm 1925, cuộc khai quật mộ Alexsander I cho thấy trong ngôi mộ hoàn toàn trống rỗng.

Sa hoàng xuất hiện nhiều năm sau khi chết?

10 năm sau ngày có thông báo Aleksandr I băng hà, tin đồn Sa hoàng vẫn sống lại rộ lên cùng với sự xuất hiện của một ông lão dáng dấp cao quý tự xưng là Fyodor Kuzmich, dung mạo giống Aleksandr I. Ông này còn có thói quen cho ngón tay cái vào giữa dây lưng hệt như Sa hoàng, đến mức một bác lính già kinh ngạc kêu lên: "Đây chính là Sa hoàng của chúng ta".

Khi cảnh sát hỏi thăm, Fyodor Kuzmich không chứng minh được nhân thân nên bị đày đi Siberi. Nhưng ngay trong cảnh lưu đày, ông vẫn được kính trọng. Fyodor rất am hiểu chính sự, thường đàm luận về đại giáo chủ Moscow Philaret, về chiến công đánh Napoleon của đại nguyên soái Kutuzov, nêu tên những người thân cận của Sa hoàng. Có thời gian, ông hay nhận được tiền và quà của một phụ nữ tên là Maria Fedorovna (cùng tên với thái hậu, mẹ của Alexsander I).

Ngoài ra, cô gái mồ côi mà Fyodor Kuzmich nuôi lại rất giống con của Aleksandr I với tình nhân. Khi người xung quanh muốn mai mối cho cô, ông dứt khoát từ chối, nói với cô rằng thân phận con cao quý, sau này phải cưới một quan chức trong quân đội, và sau này quả đúng như vậy. Cô gái được cha nuôi giới thiệu đến gặp các gia đình quý tộc và cả đương kim Sa hoàng.

Fyodor Kuzmich qua đời ngày 21/1/1864. Bia mộ ông ghi: "Nơi đây yên nghỉ - sự lựa chọn của thượng đế: Fyodor Kuzmich" ("Sự lựa chọn của thượng đế" chính là danh hiệu của Alexsander I  khi chiến thắng Napoleon). Biết ông mất, một bác sĩ từng chữa bệnh cho Alexsander I rơi nước mắt nói: "Sa hoàng thật sự đã băng hà". Vị bác sĩ này bao năm qua không bao giờ cầu nguyện cho Sa hoàng vào các ngày giỗ, mà chỉ làm việc đó vào ngày Fyodor Kuzmich chết.

Những người phủ nhận giả thuyết trên thì lập luận rằng, nếu quả thật Sa hoàng dựng màn kịch băng hà để ra đi, tại sao không giải quyết xong chuyện chọn người kế vị trước khi đi? Và để dựng màn kịch đó, ông phải có nhiều người thân cận giúp đỡ, trong đó có hoàng hậu. Nhưng những bức thư mà hoàng hậu viết cho người thân khi lâm cảnh góa bụa bộc lộ sự đau thương vô hạn, liệu bà có thể đóng kịch giỏi đến thế?

Một người cháu của Alexsander I là Nicolas Mikhailovich đã nghiên cứu kỹ tài liệu mật trong hoàng cung đã khẳng định, Sa hoàng thực sự qua đời năm 1825. Ông cũng khẳng định, ở tuổi xấp xỉ ngũ tuần, và với tính cách của Alexsander I, thật khó có chuyện nhà vua từ bỏ ngai vàng sống cuộc đời khổ cực trong dân gian. Vậy sự hiện diện của Fyodor Kuzmich thì sao? Theo Nicolas, đó là anh em cùng cha khác mẹ với Alexsander I, con riêng của Sa hoàng Pavel 1 với tình nhân.

Nghi án tư tình với em gái

Alexsander I được bà nội là nữ hoàng Ekaterina II cưới vợ cho từ lúc 16 tuổi. Hôn thê của ông là công chúa 14 tuổi của vương quốc Bazen. Vị vua nổi tiếng đa tình này lúc đầu cũng rất yêu vợ, nhưng sau đó nhanh chóng để trái tim mình loạn nhịp vì vô số bóng hồng khác. Thậm chí người Nga còn đặt ra nghi vấn, giữa Sa hoàng và em gái, công chúa Ekaterina nhan sắc tuyệt trần, phải chăng có tình cảm yêu đương?

Căn cứ của nghi ngờ này là sự thân mật thái quá giữa hai anh em. Họ thường ngồi trò chuyện với nhau thâu đêm suốt sáng, cử chỉ suồng sã hơn mức bình thường. Tuy cùng ở trong cung, gặp nhau liên tục nhưng họ vẫn viết thư cho nhau hằng ngày, và khi phải xa nhau thì thư từ càng thắm thiết.

Đây là những dòng thư Sa hoàng gửi em gái: "Người đáng yêu trong lòng anh, thần tình yêu trong lòng anh, em chính là sắc màu rực rỡ của thế kỷ, là vật xuất sắc trong thế giới tự nhiên…", "Cái mũi nhỏ ơi, người mà tôi yêu nhất, đang làm gì vậy. Anh muốn áp môi thơm lên cái mũi nhỏ của em...", "Anh điên lên mất vì em…", "Anh yêu em như người điên, anh mừng rỡ như kẻ điên mỗi khi nhìn thấy em. Anh như kẻ bôn ba khắp nơi chỉ ước được ở trong vòng tay em để thả lỏng mình một chút…". Liệu đây có giống lời lẽ của một người anh trai viết cho em gái?

Năm 1808 khi Napoleon quyết định ngỏ lời cầu hôn công chúa, Alexsander I  luôn cảm thấy khó chịu, và cản trở bằng cách nói rằng chỉ mẹ đẻ ra công chúa mới có quyền quyết định chuyện hôn nhân của con gái. Chính vì vậy mà thái hậu đã đưa ra nhiều điều kiện quá mức để từ chối. Sa hoàng sợ vua Pháp tiếp tục cầu hôn nữa nên lập tức gả em gái cho một vị quý tộc rất tầm thường. Ba năm sau, ông này chết, hai anh em tình cảm lại thân thiết như xưa.

Tuy nhiên, cũng như tất cả những chuyện thâm cung bí sử khác, mối tình loạn luân này có thật hay không vẫn là điều bí ẩn

Nam Phong (tổng hợp)
.
.
.