Có bao nhiêu người nhận hối lộ của doanh nhân Martin Belaunde?

Thứ Ba, 16/06/2015, 14:00
Dư luận tại Bolivia và Peru đều thực sự phân vân và đang bàn tán sau tuyên bố hôm 6/6 của Thứ trưởng Tư pháp Bolivia, khi ông Diego Jimenez khẳng định, Chính phủ Bolivia từ chối nhận khoản tiền thưởng trị giá 200.000 USD mà Chính phủ Peru đưa ra trước đó để bắt giữ doanh nhân Martin Belaunde. 

Theo ông Diego Jimenez, Chính phủ Bolivia không nhận tiền thưởng bởi họ có trách nhiệm bắt và dẫn độ doanh nhân Martin Belaunde sau khi bị chính quyền Lima kết tội tham nhũng và rửa tiền. Cũng theo Thứ trưởng Diego Jimenez, các cơ quan chức năng Bolivia vẫn đang tiếp tục điều tra xung quanh vụ bắt giữ, dẫn độ doanh nhân Martin Belaunde, bởi người này đã đào tẩu khỏi Bolivia với sự hỗ trợ của nhiều người.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Peru Jose Luis Perez cũng không tiết lộ ai đã thông báo nơi ẩn nấp của doanh nhân Martin Belaunde để cơ quan chức năng Bolivia bắt giữ. Theo giới truyền thông, tính đến nay đã có hơn 10 người bị bắt ở Bolivia vì có liên quan tới doanh nhân Martin Belaunde, trong đó có 2 thẩm phán thuộc Tòa Sơ thẩm La Paz.

Ngày 4/6, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về người tị nạn của Bolivia (Conare) Cesar Siles cho biết, có nhiều bằng chứng cho thấy thẩm phán Ricardo Chumacero và thẩm phán Ramiro Lopez, thuộc Tòa Sơ thẩm La Paz, đã nhận xe hơi và ít nhất 100.000 USD để yêu cầu Conare xem xét lại quyết định không cho doanh nhân Martin Belaunde xin tị nạn chính trị ở nước này hồi tháng 3/2015.

Những sắc diện của doanh nhân Martin Belaunde. 

Số tiền hối lộ này được doanh nhân Martin Belaunde chi sau khi ông bị quản thúc tại Bolivia chờ ngày bị dẫn độ về Peru để điều tra về những hành vi tham nhũng và rửa tiền. Cơ quan tư pháp Bolivia cũng đang điều tra, làm rõ thông tin nói rằng, doanh nhân Martin Belaunde đã chi 1 triệu USD cho một số người để họ giúp trốn khỏi nơi bị quản thúc ở thành phố Sucre và vượt biên sang Brazil. Và những luật sư bảo vệ quyền lợi cho doanh nhân Martin Belaunde tại Bolivia cũng dùng tiền mua chuộc một số nhân vật để tạo điều kiện cho thân chủ của họ bỏ trốn.

Theo thẩm phán Bolivia Ramiro Guerrero, nhiều khả năng doanh nhân Martin Belaunde đã trả số tiền kể trên để trốn sang Brazil. Vì thiếu tài liệu và chứng cứ để thẩm định những cáo buộc kể trên nên Chính phủ Bolivia tuyên bố, sẽ cử một phái đoàn sang Peru để điều tra, làm rõ thông tin cho rằng, một số nhân viên của ngành tư pháp nước này có liên quan tới vụ nhận hối lộ từ doanh nhân Martin Belaunde.

Giới truyền thông cho biết, tính đến nay mới có Bộ trưởng Nội vụ Bolivia Hugo Moldiz phải từ chức (26/5) sau khi doanh nhân Martin Belaunde đào tẩu thành công. Và Tổng thống Bolivia Evo Morales cũng đã chấp nhận đơn từ chức của ông Hugo Moldiz. Sau đó (30/5), Tòa án Bolivia đã tuyên phạt 3 năm tù đối với doanh nhân Rodrigo Quispe, người đã giúp doanh nhân Martin Belaunde đào tẩu, sau khi nhận khoản thù lao 5.000 USD. Những cảnh sát canh giữ doanh nhân Martin Belaunde và luật sự bảo vệ quyền lợi cho nhân vật này cũng bị tuyên phạt vì có liên quan tới vụ đào tẩu này.

Về phần mình, ngay sau khi nhận được tin báo, ngày 29/5, Bộ trưởng Nội vụ Peru Jose Luis Perez đã đích thân áp tải doanh nhân Martin Belaunde từ khu vực biên giới với Bolivia trên một chiếc trực thăng về sân bay quân sự ở thủ đô Lima. Bởi Tổng thống Bolivia Evo Morales, Bộ trưởng Quốc phòng Reymi Ferreira và Chánh văn phòng Nội các Carlos Romero đều có mặt tại lễ trao trả doanh nhân Martin Belaunde cho Chính phủ Peru.

Tổng thống Evo Morales từng tuyên bố, việc để doanh nhân Martin Belaunde trốn thoát là điều đáng hổ thẹn đối với đất nước Bolivia. Doanh nhân Martin Belaunde đã trốn sang Bolivia (từ tháng 12/2014) để xin tị nạn chính trị, sau khi bị chính quyền Lima kết tội tham nhũng, rửa tiền, nhưng đã bị Chính phủ Bolivia từ chối và bắt giữ.

Mặc dù bị chính quyền Lima kết tội tham nhũng và rửa tiền, nhưng cho tới nay ít người biết doanh nhân Martin Belaunde đã tham gia với những ai, trong lĩnh vực nào và liệu có liên quan tới những dự án khai thác khoáng sản và dầu khí trị giá hàng chục tỉ USD của Bộ Năng lượng và Khai khoáng Peru hay không? Tuy nhậm chức gần 4 năm (28/7/2011), nhưng Tổng thống Ollanta Humala đã phải thay tới 7 Thủ tướng. Và phe đối lập tại Peru cho rằng, Tổng thống Ollanta Humala muốn bao che cho doanh nhân Martin Belaunde bởi họ là bạn thân.

Nhiều người nói rằng, doanh nhân Martin Belaunde có công lớn trong việc ủng hộ và trợ giúp bạn trở thành Tổng thống thứ 49 của Peru. Và doanh nhân Martin Belaunde từng được Tổng thống Ollanta Humala cử làm cố vấn. Thủ tướng Peru Pedro Cateriano khẳng định, Chính phủ không có lỗi trong việc để doanh nhân Martin Belaunde trốn thoát, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc của phe đối lập cho rằng, Tổng thống Ollanta Humala muốn bao che cho kẻ phạm tội.

Nhiệm Bình
.
.
.