Cố quá, dễ "quá cố"

Chủ Nhật, 26/11/2017, 18:02
37 năm giữ chặt chiếc ghế Tổng thống Zimbabwe không chịu buông, đến khi tuổi già sức yếu lại tìm đủ mọi cách để cho vợ mình “nối ngai”, chính điều đó đã khiến Tổng thống Robert Mugabe bị các tướng lĩnh lật đổ.


Hãng tin CNN hôm 15-11 đưa tin, lực lượng quân đội ở quốc gia nghèo khó Zimbabwe đã tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mugabe vào chiều ngày 14-11 - người lãnh đạo duy nhất của Zimbabwe trong suốt 37 năm qua kể từ khi nước này giành được độc lập.

Theo đó, quân đội Zimbabwe đã triển khai hàng loạt xe tăng, xe bọc thép chiếm giữ các vị trí trọng yếu trên con đường tiến đến Văn phòng Chính phủ, Quốc hội và các tòa án ở trung tâm thủ đô Harare. Còn các binh sĩ thì tiến vào tiếp quản Đài Truyền hình trung ương (ZBC) và kiểm soát sân bay quốc tế của nước này.

Quân đội đang tiến hành một chiến dịch để nhắm vào mục tiêu là “bọn tội phạm” gần gũi với Tổng thống - những kẻ đang gây ra sự “khổ đau cả về kinh tế và xã hội” cho đất nước Zimbabwe.

Cuộc đảo chính ở Zimbabwe diễn ra sau một tuần hỗn loạn về chính trị, khi ông Mugabe hồi đầu tháng này đã bất ngờ phế truất “cánh tay phải” một thời của mình là Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa ra khỏi vị trí đương nhiệm.

Ông Mnangagwa là một người cực kỳ có uy tín và nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong quân đội Zimbabwe và được cho là sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của nước này.

Tuy nhiên, ông Mnangagwa đã bất ngờ bị phế truất, một động thái của Tổng thống Mugabe được cho là dùng để dọn đường cho vợ mình là bà Robert Grace mới 52 tuổi làm Tổng thống kế tiếp của Zimbabwe.

Điều đáng nói, ông Mnangagwa suốt gần 40 năm qua là bạn chí cốt, là anh em thân tín của ông Mugabe. Tuy nhiên, vì quyền lực, ông sẵn sàng đạp lên cả thân tín của mình.

Trước động thái đó của ông Mugabe, hôm 13-11, Tổng tư lệnh Quân đội Zimbabwe Constantino Chiwenga tuyên bố rằng, quân đội sẽ phải hành động để tiến tới chấm dứt các cuộc thanh trừng trong nội bộ.

Ông Mugabe năm nay 93 tuổi, là người đứng đầu đất nước Zimbabwe kể từ khi quốc gia này giành được độc lập từ thực dân Anh vào năm 1980. Trước đây, ông Mugabe luôn được người dân Zimbabwe và châu Phi tôn kính, coi là một vị anh hùng chống thực dân.

Tuy nhiên, sau đó, ông Mugabe bắt đầu củng cố quyền lực của mình bằng cách kết hợp chính sách điều hành đất nước hà khắc với buông lỏng cho tệ nạn tham nhũng và hối lộ hoành hành.

Chính sách này của ông Mugabe đã đẩy đất nước rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng trong hơn 10 năm trở lại đây, khi lạm phát siêu phi mã gia tăng khiến đồng tiền nước này có tỷ lệ hối đoái ở mức siêu tưởng: 35 triệu tỷ đô la Zimbabwe chỉ tương tương với 1 USD vào năm 2015. Với chính sách lãnh đạo độc đoán và không vì dân, Mugabe đã đẩy đất nước Zimbabwe từ chỗ là vựa lúa mì của châu Phi trở thành một đất nước nghèo đói và bất hạnh.

Điều này chính là nguyên nhân cơ bản và tất yếu dẫn đến cuộc đảo chính của quân đội nước này nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Tổng thống Mugabe. Còn nguyên nhân được cho là từ việc ông Mugabe phế truất Phó Tổng thống Mnangagwa chẳng qua chỉ là giọt nước tràn ly.

Trần Duy
.
.
.