Cơ quan chuyên chống tham nhũng của Pháp

Thứ Tư, 29/03/2017, 14:16
Tổng thống Francois Hollande nhấn mạnh tới sự cần thiết phải thiết lập cơ quan chống tham nhũng mới để giúp người dân tin tưởng vào hệ thông tư pháp.


"Việc thành lập cơ quan này có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, giúp người dân Pháp tin tưởng vào các thủ tục hành chính, sự vận hành bên trong các thể chế Chính phủ, tin tưởng vào các công ty, các quan chức, cơ quan Chính phủ và hệ thống tư pháp", đó là sự khẳng định của Tổng thống Francois Hollande khi ông tới tham dự lễ thành lập và khai trương trụ sở cơ quan phòng chống tham nhũng mới tại Thủ đô Paris.

Tổng thống Francois Hollande còn nhấn mạnh tới sự cần thiết phải thiết lập cơ quan chống tham nhũng mới để giúp người dân tin tưởng vào hệ thông tư pháp.

Giới truyền thông cho rằng, sự có mặt của Tổng thống Francois Hollande, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Michel Sapin và Bộ trưởng Tư pháp Jean-Jacques Urvoas, chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng của Chính phủ Pháp.

Và đó cũng là thách thức không nhỏ đối với ông Charles Duchaine, người vừa được bổ nhiệm đứng đầu Cơ quan chuyên chống tham nhũng. Bởi theo quyết định, việc thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng mới nhằm kết nối với các cơ quan hành chính, chính quyền địa phương và các công ty tư nhân trong việc phát hiện và phòng chống tham nhũng.

Chính thức thành lập Cơ quan phòng chống tham nhũng tại Paris.

Và đây được coi là động thái nhằm xoa dịu sự bức xúc của dư luận, khi một số quan chức cấp cao của Chính phủ đương nhiệm và những ứng viên Tổng thống tiềm năng đều đang vướng vào các vụ bê bối liên quan tới tham nhũng.

Nhân vật đang được đề cập nhiều trong mấy ngày qua là Bộ trưởng Nội vụ Bruno Le Roux - phải từ chức sau khi bị cơ quan công tố điều tra xung quanh cáo buộc từng thuê 2 con gái trong độ tuổi vị thành niên làm trợ lý tại Quốc hội.

Ngày 21-3, ông Bruno Le Roux tuy từ chức sau khi chương trình Quotidien TV đăng tải thông tin trên nhưng vẫn khẳng định không làm gì sai trái. Bởi theo lý giải của ông Bruno Le Roux - quyết định từ chức vì không muốn cuộc điều tra các hợp đồng làm việc "phá hoại công việc của Chính phủ".

"Những việc đó được thực hiện một cách hiệu quả", ông Bruno Le Roux biện bạch và cố gắng tách biệt vụ bê bối của mình với vụ bê bối của ứng cử viên Tổng thống Francois Fillon. Bởi theo ông Bruno Le Roux, việc thuê 2 con gái làm việc ở Quốc hội trong 7 năm (từ năm 2009 đến năm 2016) không trái pháp luật, vì chúng được tuyển dụng với "các hợp đồng cụ thể và chính thức, tương ứng với công việc đã làm".

Theo giới truyền thông, ông Bruno Le Roux đưa ra tuyên bố kể trên sau khi các đồng minh của cựu Thủ tướng, ứng cử viên Tổng thống Francois Fillon cho rằng, việc bộ máy tư pháp không hành động trong trường hợp của Bộ trưởng Nội vụ cho thấy ông Francois Fillon là "nạn nhân" của sự thành kiến bất công.

Trong khi đó giới truyền thông đã đăng tải các hợp đồng thuê làm việc của 2 con gái ông Bruno Le Roux (đã được trả tổng cộng 55.000 euro).

Người đứng đầu Cơ quan phòng chống tham nhũng Charles Duchaine.

Ông Bruno Le Roux được coi là thân cận của Tổng thống Francois Hollande, nhưng lại bị coi là Bộ trưởng Nội vụ "đoản mệnh" nhất trong lịch sử hiện đại Pháp - phải ra đi sau khoảng 4 tháng tại vị.

Theo giới truyền thông, khi bổ nhiệm ông Bruno Le Roux làm Bộ trưởng Nội vụ, thay thế ông Bernard Carzeneuve (được cử làm Thủ tướng) tháng 12-2016, dư luận từng kêu ca việc nhân vật này đã ''làm đẹp'' lý lịch bản thân.

Sau tuyên bố hôm 21-3 của Thủ tướng Bernard Cazeneuve, chỉ vài giờ sau đó, ông Bruno Le Roux tuyên bố rời Bộ Nội vụ. Thủ tướng Bernard Cazeneuve đã triệu Bộ trưởng Nội vụ Bruno Le Roux đến để giải thích thông tin kể trên.

Văn phòng Tổng thống thông báo, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại, ông Matthias Fekl được cử thay thế vị trí của ông Bruno Le Roux, người từng đứng đầu nhóm của đảng Xã hội tại Hạ viện.

Trước đó, cựu Thủ tướng, ứng cử viên Tổng thống Francois Fillon cũng bị cuốn vào cuộc điều tra xung quanh cáo buộc sử dụng công quỹ lên đến hàng trăm nghìn euro để trả lương cho vợ và con trai trong nhiều năm cho các công việc "không tồn tại" trong Quốc hội.

Cựu Thủ tướng Francois Fillon không chứng minh được với các nhà điều tra về việc đã trả mức lương vượt quá 10.000 euro/tháng 10 năm trước (2007-2017) trong khi trên thực tế vợ ông không làm công việc đó.

Vụ bê bối được dư luận gọi với cái tên "Penelope-gate", đang khiến sự ủng hộ của công chúng đối với ông Francois Fillon bị giảm mạnh. Mấy ngày trước (20-3), Văn phòng công tố tài chính Pháp ở trung tâm Thủ đô Paris đã phải sơ tán do có cảnh báo bom và cảnh sát đã được triển khai để truy tìm thuốc nổ tại khu vực này.

Cảnh báo bom được đưa ra từ một cuộc điện thoại nặc danh. Và trong mấy tuần qua, Văn phòng công tố tài chính đã trở thành tâm điểm của một số vụ việc quan trọng, trong đó có các cuộc điều tra xung quanh cáo buộc sai phạm tài chính của ông Francois Fillon và bà Marine Le Pen.

Thiện Lân
.
.
.