Cơ sở kháng chiến của những người Iran lưu vong trên đất Albania

Thứ Bảy, 29/02/2020, 15:24
Trong một thung lũng vùng nông thôn Albanie, một nhóm người Iran ly khai đã xây dựng một doanh trại được giám sát chặt chẽ và chưa có một người nước ngoài nào được đặt chân đến đó.


Đối với một số người này, nhóm OMPI (Tổ chức các chiến binh của nhân dân Iran) chính là hình ảnh một chính phủ trong tương lai của Iran, đối với một số người khác, đó chỉ là một nhóm khủng bố.

Từ khi thành lập đến nay, chưa một nhà báo nước ngoài nào được tới tham quan trại này. Nhưng sau vụ việc Mỹ tấn công và hạ sát viên tướng Iran đầy quyền uy Qassim Suleimani, mọi việc dường như đã thay đổi. OMPI đã đồng ý cho phép Patrick Kingsley cùng một số nhà báo của New York Times được vào tham quan doanh trại và thực hiện cuộc phỏng vấn với một số nhân vật do họ chỉ định.

Lối vào trại của nhóm OMPI được xây dựng ở Manez, Albania.

Đã từng bị coi như một tổ chức khủng bố

Những đồng minh có thế lực nhất của nhóm ly khai OMPI là Rudolph W. Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Mỹ và John R.Bolton, cựu Cố vấn an ninh quốc gia. Cả hai đã nhận những món tiền hàng trăm ngàn đô la để chuyển giao cho nhóm ly khai này và trên các diễn đàn, họ luôn giới thiệu nhóm chiến binh này như một lực lượng đối lập có tính hợp pháp nhất của Iran.

Sau hơn 3 giờ chờ đợi ở bên ngoài cổng khu doanh trại, các phóng viên của tờ New York Times cuối cùng cũng đã được phép vào tham quan, thực hiện các cuộc phỏng vấn, tham dự các buổi sinh hoạt nội bộ và quay phim chụp ảnh. Các nhà báo được phép nói chuyện riêng với một số người trong danh sách được ban lãnh đạo chọn lựa kỹ lưỡng trước đó.

Người đầu tiên trò chuyện với các nhà báo là Somayeh Mohammadi, 39 tuổi. Từ hơn 20 năm nay gia đình cô đã tuyên bố rằng OMPI giam giữ cô bằng bạo lực. "Đây là lựa chọn của tôi", Mohammadi khẳng định trong cuộc trò truyện riêng sau khi cấp trên của cô đã rời khỏi phòng: "Nếu muốn, tôi hoàn toàn có thể ra đi".

Dẫu rằng những người lãnh đạo của trại này cố tạo ra những ấn tượng cởi mở, tuy nhiên vẫn có những khoảng khắc rất lạ lùng dường như liên quan đến những bí mật cố gắng để che giấu đi. Các lãnh đạo cao cấp của OMPI đã tỏ ra rất lúng túng khi được hỏi về số phận của Massoud Radjavi, nhà lãnh đạo của nhóm và được xem là mất tích từ năm 2003.

Một cuộc biểu tình của những người ủng hộ OMPI mang theo những bức ảnh Massoud Radvijavi, thủ lĩnh của nhóm, người được xem là mất tích từ năm 2003.

"Ông ta ở đâu ư? chúng tôi không thể trả lời câu hỏi này", Ali Safavi, người giữ vai trò đại diện của nhóm ly khai ở Washington, sau một hồi im lặng khá dài chỉ có thể đưa ra một câu trả lời như vậy.

Thành lập năm 1965, OMPI được xem như một nhóm đối lập với chế độ của vua Pahlavi. Sau Cách mạng Hồi giáo 1979, nhóm đã nhận được sự ủng hộ rất rộng lớn và trở thành một lực lượng đối lập chủ yếu của chế độ thần quyền của Giáo chủ Khomeyni. Tuy nhiệm mức độ ủng hộ này đã giảm đi rõ rệt từ đầu những năm 1980 khi nhóm này trở nên ngày càng bạo lực.

Từ những năm 80, hệ tư tưởng của M. Radjavi và vợ của ông là Maryam trở thành hệ tư tưởng thống trị của nhóm. Để chứng tỏ sự trung thành với vợ chồng Radjavis, các thành viên được kêu gọi ly hôn với vợ hay chồng và khước từ mọi quan hệ yêu đương. Ở thời kỳ này nhóm đặt cơ sở ở Iraq, dưới sự bảo trợ của Saddam Hussein và có tên gọi là MEK.

Số phận của nhóm này đã hoàn toàn rẽ ngoặt theo một hướng khác sau khi quân Mỹ tiến vào xâm lược Iraq. Sau một thời gian lâm vào bế tắc, nhóm này đã tuyên bố từ bỏ vũ khí và đấu tranh bạo lực. Dù OMPI bị Mỹ xếp vào danh sách khủng bố từ 1997, tuy nhiên trên thực tế khi đó họ được Mỹ… bảo trợ.

Từ năm 2009, khi Mỹ kết thúc việc chuyển giao quyền lực cho Chính phủ Iraq, dưới áp lực của các chính trị gia thân Iran, nhà cầm quyền Iraq đã làm ngơ để các lực lượng dân quân liên tục tấn công và vây hãm nhóm này. 

Các nhà ngoại giao Mỹ và Liên Hợp Quốc bắt đầu tìm kiếm một đất nước an toàn để cho các thành viên của nhóm này đến cư trú. Nhóm OMPI cũng được Mỹ rút ra khỏi danh sách khủng bố vào năm 2012. Một năm sau thì nhóm này được Chính phủ Albania chấp nhận cho tị nạn, phía Albania hy vọng rằng sự hào hiệp của họ sẽ giúp cho họ nhận thêm được nhiều sự giúp đỡ hơn từ phía Mỹ.

Trung tâm kháng chiến của những kẻ lưu vong

OMPI đã mua rất nhiều đất đai tại một thung lũng nằm ở phía Tây, cách thủ đô Tirana của Albania 24km, và đã xây dựng một cơ sở giống như một doanh trại quân đội với sức chứa lên tới vài ngàn người. Theo con số mà nhóm đã công bố thì có tới 2.500 người đang sống ở trại này nhưng các nhà báo của New York Times thì tin rằng chỉ có khoảng 200 người đang sinh sống ở đó.

Một quán cafe ở Tirana, Albania, nơi những người Iran đã rời bỏ OMPI thường gặp gỡ nhau.

Có  vài chục người đã ra khỏi trại và sống độc lập tại Albania. Nhà báo Patrick Kingsley đã tìm gặp được hơn 10 người Iran lưu vong đã rời bỏ trại để sống độc lập ở bên ngoài.

Họ đều kể rằng ở trại thường xuyên phải chịu đựng những cuộc tẩy não, và quy định của OMPI là cấm tuyệt đối các quan hệ yêu đương, mọi tiếp xúc với gia đình đều bị hạn chế, những mối quan hệ bạn bè sẽ không được khuyến khích.

"Bạn sẽ quên dần mọi thứ và thay đổi tận gốc rễ con người của mình. Bạn chỉ còn biết đến những quy tắc. Bạn sẽ không còn là chính bạn, bạn chỉ còn là một cỗ máy", Abdulrahman Mohammadian, 60 tuổi, thành viên của nhóm từ năm 1988 và rời bỏ nhóm vào năm 2016, nói.

Đại diện của OMPI thì kiên quyết phủ nhận những lời tố cáo này và họ "phản pháo" lại rằng phần lớn những kẻ đào ngũ và lên tiếng chỉ trích kiểu như Mohammadian đều là những điệp viên được chính quyền Iran cài vào nhóm. Để gia tăng sức ảnh hưởng, OMPI ngày càng quan tâm tới việc sử dụng internet.

Trong trại có một phòng thu, tại đó các nhạc sĩ biên soạn các bài hát chống chế độ và quay các video clip để đưa lên các mạng xã hội tại Iran. Theo những người đã đào ngũ khỏi trại này cho biết, ở đây còn có những trung tâm công nghệ thông tin, "giống như những căn phòng ma", tại đây có nhiều thanh niên lập thành một đội quân tác chiến trên mạng, mỗi người có hàng chục tài khoản trên Facebook hay Twitter, hàng ngày viết hàng chục bài khác nhau để công kích Chính phủ Iran và kêu gọi quyên góp tài chính cho nhóm.

Năm ngoái mỗi khi W. Giuliani  và R.Bolton có bài phát biểu công khai, các thành viên của bộ phận này phải chia sẻ và đánh dấu "like" mỗi người ít nhất 10 lần từ những tài khoản khác nhau.

Nhóm nhà báo cũng được đưa đến một phòng tập thể thao trong trại. Ở đấy có một quán café nho nhỏ. Lúc đó đã là quá nửa đêm nhưng một nhóm phụ nữ vẫn đang kiên nhẫn ngồi đợi các nhà báo theo lệnh của ban lãnh đạo trại. Khi được hỏi về những "căn phòng ma", những người phụ nữ này đã phủ nhận và cười giễu cợt cái ý nghĩ "hoang tưởng" ấy.

Về những điều cấm đoán trong cuộc sống riêng tư tại đây, họ khẳng định rằng đó là điều cần thiết trong cuộc chiến đấu chống lại một đối thủ đáng sợ như giới cầm quyền Iran hiện nay. "Bạn không thể có một cuộc sống riêng tư khi bạn chiến đấu cho một lý tưởng". Shiva Zahedi đã khẳng định một cách dứt khoát như vậy.

Những đánh giá trái ngược

Sau khi rời khỏi trại của nhóm kháng chiến OMPI, Kingsley đã đến gặp ba cựu binh sĩ Mỹ đã từng làm nhiệm vụ giám sát trại của các thành viên OMPI trong cuộc chiến tranh Iraq. Đó là những cựu chiến binh Mỹ nằm trong danh sách mà OMPI gợi ý cho nhà báo Kingsley.

Những cựu binh này đều nhận xét tốt đẹp về OMPI và họ khẳng định rằng các thành viên phong trào này hoàn toàn được tự do lựa chọn việc ra đi hay ở lại đấu tranh cùng với nhóm. Quy tắc này đã được áp dụng ngay từ năm 2003 khi nhóm này còn nằm dưới sự bảo trợ của quân đội Mỹ. Trong thời gian giám sát trại của OMPI họ cũng chưa từng nhình thấy các dụng cụ tra tấn hay phòng giam giữ tù nhân nào cả.

Tuy nhiên nhiều nguồn tài liệu và nhiều nhân chứng khác lại hé lộ cho thấy những điều ngược lại. Đại úy Matthew Woodside, người chịu trách nhiệm giám sát các chế độ quân quản của Mỹ trong các trại của Iraq trong các năm 2004- 2005 không phải là người nằm trong danh sách mà nhóm OMPI đề nghị nhà báo Kingsley tìm gặp.

Woodside cho rằng binh lính Mỹ trên thực tế rất ít cơ hội thâm nhập được vào các tòa nhà của OMPI tại Iraq; cũng không có cơ hội tiếp cận được những thành viên bị giam giữ như tố cáo của những người thân của họ.

Rất khó khăn để đào thoát ra khỏi nhóm này, đặc biệt là đối với phụ nữ. Đã có hai phụ nữ phải tìm cách trốn khỏi trại của OMPI bằng việc chui vào trong thùng xe đông lạnh. "Tôi thấy tổ chức này rất tàn bạo và đáng sợ. Và tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng Chính phủ Mỹ đã thu xếp cho họ ở Albania", Woodside khẳng định.

Dương Thắng (Theo New York Times)
.
.
.