Con đường hẹp và vành đai lửa

Thứ Ba, 01/09/2020, 07:30
Lệnh trừng phạt mà Chính phủ Mỹ vừa tuyên bố sẽ áp đặt với 11 doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong bức tranh toàn cảnh đầy sóng gió nhưng cũng chồng chéo rất nhiều lợi ích trong quan hệ hai nước.


Câu chuyện vẫn sẽ còn tiếp diễn. Và có lẽ, để nhìn nhận về lệnh trừng phạt mà Chính phủ Mỹ vừa tuyên bố sẽ áp đặt với 11 doanh nghiệp Trung Quốc ngày 28-8 từ nhiều khía cạnh nhất, không thể không đặt lệnh trừng phạt ấy vào cả một bức tranh toàn cảnh đầy sóng gió nhưng cũng chồng chéo rất nhiều lợi ích trong quan hệ Mỹ - Trung.

Sự đồng thuận bất ngờ

Bất ngờ, nhưng thực ra, cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Theo hãng tin Reuters, ngày 28-8, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa xác định thêm 11 công ty Trung Quốc do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, đặt nền tảng để áp dụng các biện pháp trừng phạt mới.

Ngoài "điểm nhấn" là Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC), cái tên cũng mới bị đưa vào danh sách trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ do tham gia xây dựng, cải tạo trái phép các đảo, đá và thực thể nhân tạo ở Biển Đông, trong 11 doanh nghiệp Trung Quốc đó còn có Tập đoàn Tam Hiệp (xây dựng và vận hành đập Tam Hiệp), Tập đoàn Sinochem (sản xuất và buôn bán hóa chất, phân bón bên cạnh thăm dò và sản xuất dầu), hay China Spacesat (nghiên cứu, chế tạo vệ tinh và các sản phẩm liên quan), những "quả đấm thép" của kinh tế quốc doanh Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Điều đáng chú ý là động thái này của Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra gần như ngay lập tức sau những hành động cứng rắn của Bộ Thương mại  với 24 doanh nghiệp Trung Quốc bị điểm mặt chỉ tên tuần trước đó. 

Và hơn cả, như chính các nguồn tin từ Lầu Năm Góc hé lộ với Reuters, các nhà lập pháp từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã cùng nhau tạo sức ép nhằm công bố danh sách 11 cái tên ngày 28-8 (cho dù hai đảng đang chống nhau dữ dội trước thềm chặng nước rút cuộc bầu cử tổng thống Mỹ).

Với đề đạt của Lầu Năm Góc, xem như 11 doanh nghiệp Trung Quốc đó đã bị đặt dưới một "lưỡi gươm Damocles". Những lệnh trừng phạt không nhất thiết sẽ sập ngay xuống, song lúc nào Tổng thống Mỹ (cho dù là một tổng thống đảng Dân chủ hay một tổng thống đảng Cộng hòa) cũng có thể ban bố việc đóng băng tất cả tài sản của những "can phạm" đó.

Điều đó, thực ra, có nghĩa là gì? Là kinh tế Trung Quốc lại tiếp tục bị đặt vào giữa một sợi dây thòng lọng mới sẵn sàng siết lại. Cũng có nghĩa là vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ luôn luôn được đảm bảo bằng các công cụ cần thiết trước địch thủ này. Kể cả các công cụ phi kinh tế.

Sri Lanka giao quyền điều hành cảng nước sâu ở Ấn Độ Dương cho Công ty Trung Quốc vào năm 2017.

Sau những lớp sóng Biển Đông

Những nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, khi lý giải về việc Bộ Thương mại Mỹ đưa ra danh sách trừng phạt 24 doanh nghiệp Trung Quốc, nhấn mạnh: "Rõ ràng, việc sử dụng các công ty nhà nước để bắt nạt và cưỡng ép nước khác không chỉ giới hạn ở Biển Đông. Đó là đặc điểm của chính sách đối ngoại Trung Quốc với toàn thế giới".

Họ nhận xét có điểm đúng, "ngoại giao chiến lang (sói dữ)" đã luôn là màu sắc chủ đạo trong mọi đường lối đối ngoại của Trung Quốc hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Trung Quốc cũng sử dụng một chiến lược khá tương đồng với chiến lược đối ngoại của nước Mỹ từ quá khứ: "Cây gậy và củ cà rốt".

Bên cạnh việc gây sức ép khắp những vùng "trọng địa", không phải Trung Quốc không cố thuyết phục các quốc gia nhỏ rằng họ thực sự là một cường quốc có trách nhiệm và sẵn sàng kiến tạo những lợi ích - giá trị chung, bằng những lời đề nghị (có vẻ) hấp dẫn.

"Vành đai - Con đường" là một lời đề nghị kiểu như vậy. Dự án sơ khởi của nó bao gồm tới cả 100 quốc gia đến từ khắp các châu lục, và Trung Quốc "hào phóng" tuyên bố sẽ dành khoảng 124 tỷ USD cho dự án. 

Đó là bước đi tiếp nối đề xuất thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), mà Bắc Kinh đưa ra năm 2014, với tham vọng trở thành đối thủ của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), hoặc bất cứ tổ chức tài chính quốc tế truyền thống nào.

Tuy nhiên, nếu AIIB lập tức bị nghi ngờ là phương tiện để bước đầu gợi ý với thế giới đưa đồng nhân dân tệ vào các rổ thanh toán quốc tế, thì "Vành đai - con đường" cũng bị không chỉ Mỹ mà cả những cường quốc kinh tế châu Á như Nhật Bản hay Ấn Độ nghi ngại. Điều họ lo ngại là việc các nước nhỏ, khi tham gia dự án, sẽ dễ dàng rơi vào "bẫy nợ" của Trung Quốc, từ đó để tuột quyền kiểm soát tình hình cũng như phải chấp nhận những đòi hỏi không dễ chấp nhận từ "chủ nợ".

Nước Mỹ đã nhìn thấy trước tất cả những biến chuyển, tham vọng, cục diện này kể từ đầu thế kỷ XXI, và lật đật "xoay trục". Cho đến hiện tại, tình hình càng lúc càng trở nên rõ ràng. Chẳng có lý do gì để họ không "đường đường chính chính" tác động vào bối cảnh địa chính trị, nhằm ngáng trở những tính toán của Trung Quốc.

Biển Đông và tự do hàng hải trên Biển Đông đã được lựa chọn làm "đột phá khẩu" để phất cao những lá cờ "bài Trung". Nhưng thực tế, kể cả Biển Đông cũng chỉ là một trong những nước cờ, bên cạnh thương chiến Mỹ - Trung hay các lệnh trừng phạt, nhằm áp đặt thế thượng phong của Washington lên Bắc Kinh.

CCCC tham gia xây dựng nhiều công trình dự án “Vành đai - Con đường”.

CCCC - quân tốt thí?

Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC) nằm trong "danh sách đen" của Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng Mỹ, không chỉ vì vai trò mũi nhọn của khu vực kinh tế quốc doanh Trung Quốc, mà chính là vì tính biểu tượng cho chiến lược ngoại giao mà nó mang theo.

Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá: CCCC và các công ty con đi đầu trong hoạt động bồi đắp và quân sự hóa trái phép thực thể nhân tạo trên Biển Đông. Không những vậy, CCCC còn được giao các dự án lớn trong "Vành đai- Con đường", nghĩa là trực tiếp thực thi chiến lược ngoại giao bẫy nợ.

"CCCC và các chân rết của nó đã dính líu tới các hoạt động tham nhũng, tàn phá môi trường và lạm dụng một danh sách rất dài các nước trên thế giới", một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ gay gắt trong cuộc họp báo ngày 26-8. Trước đó, năm 2009, CCCC cũng đã từng bị WB buộc tội gian lận trong đấu thầu đối với một hợp đồng đường cao tốc ở Philippines. 

Tại Malaysia, dự án đường sắt cao tốc phía Đông do CCCC làm tổng thầu bị nghi ngờ thổi giá và hối lộ dẫn tới đàm phán lại vào phút chót. Trên sông Mekong, CCCC có vai trò chủ chốt trong các kế hoạch nổ mìn và khơi dòng của Trung Quốc, vốn có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với các nước hạ nguồn.

Song, cũng chính vì tầm ảnh hưởng cũng như quy mô khổng lồ mà CCCC sở hữu, không ít quốc gia hiện đang "đau đầu" phán đoán cũng như chờ đợi các bước đi tiếp theo của Nhà Trắng, ở vấn đề này. 

Với việc dính dáng đến 923 dự án tại 127 quốc gia (theo số liệu của hãng tư vấn chính trị Eurasia Group), chỉ cần CCCC nhận lệnh trừng phạt, dự án "Vành đai - Con đường" sẽ bị tổn thương trầm trọng. Thiếu vốn, không thể giải ngân, hay không thể triển khai các công đoạn tiếp theo…, rất nhiều tiền của sẽ đóng băng. Hoặc tệ hơn, bốc hơi.

 Không chỉ vậy, từ sau khi những án phạt này chính thức được treo lơ lửng trên CCCC cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc kể tên, mọi ý tưởng "hợp tác làm ăn" với Trung Quốc cũng sẽ phải được cân nhắc hết sức kỹ càng, từ bất cứ quốc gia nào.

Nền kinh tế số 2 thế giới hiện đang lao đao sau hai năm "thương chiến", giờ lại phải đối diện những thách thức mới. Đương nhiên, những nền kinh tế vệ tinh của nó cũng khó lòng có thể "bình an".

Vậy câu chuyện có thể ngoặt sang một hướng khác không? Có. Nếu lập tức Trung Quốc thực hiện đầy đủ các cam kết mua hàng Mỹ như thỏa thuận "ngưng chiến" sơ bộ, và lại giấu kín những tham vọng cạnh tranh ngôi siêu cường số 1, có lẽ chiến lược ngoại giao Mỹ - Trung sẽ không nhiều màu sắc "diều hâu" như vậy nữa, sau bầu cử.

Vấn đề là, đã đi xa đến vậy, và đã lớn tiếng đòi hỏi Mỹ một "mối quan hệ nước lớn kiểu mới", Bắc Kinh thực ra cũng khó ăn khó nói.

Thế nên, trước khi có bất cứ động thái hạ nhiệt nào, tên lửa Trung Quốc lại được phóng thử trên Biển Đông. Để con đường trước mắt hẹp thêm, và lửa cháy gần thêm đến những vành đai…

Thiên Thư
.
.
.