Công an Lâm Đồng triệt xoá nhiều băng nhóm "tín dụng đen"

Thứ Tư, 17/04/2019, 17:40
Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và nắm chắc tình hình địa bàn và xây dựng kế hoạch đấu tranh trực diện, trong nửa cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Công an tỉnh Lâm Đồng đã triệt phá nhiều nhóm hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn…


“Tín dụng đen” thu lãi tới 180%/ năm

17 giờ ngày 5-1-2019, Công an huyện Đức Trọng tiếp nhận tin báo của bà Hoàng Thị Toàn, ngụ xã Tân Thành bị hai đối tượng đến nhà đòi nợ, sau đó chiếm đoạt 1 xe mô tô BKS: 49N6-8473 của bà. 

Qua công tác xác minh nhanh của trinh sát hình sự cho thấy vào tháng 8-2018, bà Toàn có vay của Nguyễn Minh Huy - chủ cửa hiệu cầm đồ Minh Huy ở số 68 Tân Hiệp, Tân Hội, Đức Trọng số tiền 12.200.000 đồng với lãi suất 5.000đồng/1.000.000đồng/ngày (tức 15%/tháng). 

Thời gian đầu, bà Toàn trả tiền đúng hẹn, nhưng từ đầu tháng 1-2019, do gặp khó khăn nên đã xin chủ nợ cho giãn thời gian vài hôm để bà phơi khô cà phê hạt đem bán mới có tiền trả cả vốn lẫn lãi.

Không đồng ý với lời thỉnh cầu của con nợ, chiều ngày 5-1-2019, Huy cho đàn em là Nguyễn Hồng Phi, sinh năm 1996 tại Đắk Lắk (tạm trú huyện Đức Trọng) và Giàng Ngọc Trọng, sinh năm 1987, ngụ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng mang theo 1 bình xịt hơi cay, 1 bình xịt sơn, 1 cây ống thép đến uy hiếp hai mẹ con bà Toàn buộc phải trả nợ. 

Thấy ngoài sân nhà bà Toàn có phơi nhiều cà phê hạt, hai đối tượng Phi lập tức lao ra dùng chân đá văng tung tóe và trong thời gian bà Toàn chạy ra năn nỉ thì Giàng Ngọc Trọng lấy chiếc xe mô tô chạy về tiệm cầm đồ cất giữ trái phép.

Nhận tin báo, Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đức Trọng đã cử một tổ trinh sát xuống ngay hiện trường ghi nhận vụ việc, lấy lời khai của nạn nhân và những người dân xung quanh. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác thu giữ tại tiệm cầm đồ của Huy nhiều sổ sách, giấy tờ ghi chép các giao dịch cho vay nặng lãi cùng nhiều loại tang vật khác có liên quan.

Tại cơ quan Công an, lúc đầu Huy cho rằng tiệm cầm đồ của hắn hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đến khi điều tra viên đưa ra các loại sổ sách liên quan đến việc cho vay nặng lãi thì Huy cùng đồng bọn mới nhận tội. 

Theo lời khai của Huy, đầu tháng 9-2018, hắn mở tiệm cầm đồ tại số 68 Tân Hiệp, Tân Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng để vừa hoạt động cầm đồ, vừa cho vay tiền dưới hình thức tín chấp, trả góp hàng ngày, hàng tuần với lãi suất 5.000đ/ 1 triệu/ ngày, tương ứng với 15%/tháng. 

Cho đến thời điểm bị bắt, Huy cùng đám đàm em đã thực hiện 375 giao dịch cho vay, trong đó đã hoàn tất 275 giao dịch với số tiền gốc cho vay là 2.425.500 đồng, tiền lãi thu được 485.100.000 đồng. Riêng 100 giao dịch khác Huy khai đang thực hiện với tổng số tiền gốc gần 2 tỷ đồng.

Một đối tượng hoạt động "tín dụng đen" mang chất thải đến tạt vào nhà con nợ.

Trước đó, Công an TP. Bảo Lộc đã khám phá 3 băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”. Cụ thể vào ngày 8-8-2018, đã triệu tập Nguyễn Trung Hoàn, sinh năm 1997, Đỗ Đức Thắng, sinh năm 1996 tại Chương Mỹ, Hà Nội (tạm trú TP. Bảo Lộc) lên trụ sở làm việc. 

Cũng trong thời điểm này, Công an TP. Bảo Lộc tiếp tục triệu tập 2 nhóm đối tượng gồm: hai vợ chồng Nguyễn Quốc Thành - Trần Tuyến Minh, sinh năm 1992 tại quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội cầm đầu và nhóm do Nguyễn Hoài Nam, sinh năm 1990 tại TP. Hà Nội cầm đầu cùng hai đàn em là Mai Nguyễn Hoài Việt, sinh năm 1988 tại TP. Đà Lạt và Tạ Trí Trung, sinh năm 1993 tại TP. Hà Nội.

Có lẽ do quá tự tin với cách sử dụng giang hồ uy hiếp khiến các con nợ sợ không giám tố cáo và khả năng cất giấu tang vật của mình nên thời gian đầu, những đối tượng trong các nhóm đều chối tội. Tuy nhiên qua điều tra Công an TP. Bảo Lộc đã thu giữ được 370 giấy giao kèo cho vay nợ, gần 400 giấy chứng minh nhân dân, 250 cuốn sổ hộ khẩu, hàng ngàn tờ quảng cáo, hàng trăm sổ sách ghi nợ với lãi suất lên đến 180%/năm. 

Ngoài ra với sự vận động khép léo, Công an TP. Bảo Lộc cũng đã mời được hàng chục nạn nhân sẵn sàng đứng ra tố cáo hành vi cho vay nặng lãi và việc dùng giang hồ khủng bố họ bằng hung khí, tạt chất bẩn, sơn vào nhà gây tâm lý hoang mang lo sợ, làm mất an ninh trật tự trong thôn xóm.

Biết không thể qua mặt được cơ quan Công an, các nhóm đối tượng đã khai nhận đã vào tỉnh Lâm Đồng, cấu kết với các đối tượng từng có tiền án, tiền sự tại địa phương thực hiện các hoạt động “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất 180%/năm, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.

Trong thời gian từ tháng 11-2018 đến tháng 1-2019, Công an TP. Đà Lạt đã phát hiện 3 băng nhóm, trong đó nổi cộm nhất là băng nhóm do Đỗ Thị Hải, sinh năm 1975 tại TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cầm đầu. Qua đấu tranh khai thác và chứng cứ thu thập được trong lúc khám xét nơi ở của Hải cho thấy chỉ trong vòng 1 năm, Hải đã thực hiện hàng trăm giao dịch cho vay với lãi suất giao động từ 60-180%/năm, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng…

Đó chỉ là ba trong nhiều vụ tín dụng đen đã bị Công an tỉnh Lâm Đồng triệt phá trong thời gian qua. Tính đến thời điểm cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện 60 vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. 

Tuy nhiên do nhiều nạn nhân không chịu hợp tác hoặc bỏ trốn đã khiến cho cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn trong công tác chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng. Đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố được 12 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 18 vụ và xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng 30 vụ.

Cơ quan Công an lấy lời khai đối tượng hoạt động "tín dụng đen".

Sẽ tập trung đánh mạnh các nhóm hoạt động “tín dụng đen” ở vùng sâu

Trung tá Lương Đình Chức, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là hành vi cho vay nặng lãi, huy động vốn với lãi suất cao trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp. 

Xét về quy mô, tính chất, mức độ và hậu quả, không những gây ảnh hưởng đến an ninh tài chính, gây thiệt hại lới về tài sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên diện rộng, đặc biệt là đời sống của người dân bị đảo lộn.

Để ngăn chặn sự bùng phát của hoạt động “tín dụng đen”, ngay từ những tháng đầu năm 2017, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các huyện, thị, thành phố tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, lên danh sách đối tượng cần theo dõi. 

Ngoài ra còn phải xuống tận làng, xã thực hiện các biện pháp tuyên truyền lồng ghép vào các buổi họp, lễ hội để bà con nhân dân nâng cao cảnh giác không sa vào cái bẫy “tín dụng đen”, vận động bà con sẵn sàng tố cáo khi phát hiện hành vi này đến cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp xử lý.

Một số đối tượng hoạt động "tín dụng đen" bị Công an tỉnh Lâm Đồng bắt giữ.

Trước đây, các đối tượng cho vay nặng lãi nhắm đến đám cờ bạc, trộm cắp, hút chích ma túy và chủ yếu do các đối tượng người địa phương tổ chức thực hiện với lãi suất vài ba chục phần trăm một năm. Trong vài ba năm trở lại đây có rất nhiều đối tượng từng có tiền án, tiền sự ở các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bắc Ninh vào xin giấy phép mở các cửa hiệu cầm đồ, công ty đòi nợ thuê và hỗ trợ vốn sản xuất. 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế cho thấy đây chỉ là những bức bình phong, còn thực tế chúng hoạt động theo kiểu “tín dụng đen”, xua quân tiếp cận những người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số... Những người này thường có nương, rẫy trồng cà phê hoặc cây ăn quả nhưng lại thường gặp khó khăn trong lúc giáp hạt. 

Mặt khác người dân nhận thức hạn chế nên dễ rơi vào cái bẫy của “tín dụng đen” biến tướng: Nhận tiền tiêu xài trước, đến khi thu hoạch thì trả bằng sản phẩm mà không biết được rằng sẽ phải chịu lãi suất “cắt cổ” và đến khi không trả được thì mất nương rẫy rồi tiếp tục phá rừng lấy đất trồng tỉa. Trường hợp không phá được rừng thì quay lại làm thuê cuốc mướn cho đám trùm “tín dụng đen”.

Theo Thượng tá Lê Thái - Trưởng Công an huyện Đức Trọng, để ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Công an huyện đã giao cho Đội Cảnh sát hình sự tiếp cận tất cả già làng, trưởng bản để thông tin các thủ đoạn hoạt động. 

Khi những người này thấu hiểu, hợp tác thì tiến hành bước tuyên truyền thực tế tiếp theo là đến từng hộ gia đình giải thích cho đồng bào hiểu tác hại của “tín dụng đen”, giúp họ nhận biết hoạt động này để không vì chút túng thiếu lúc giáp hạt mà vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi.

Mặc dù hoạt động “tín dụng đen” ở Lâm Đồng đã được kéo giảm đáng kể, nhưng theo Trung tá Lương Đình Chức thì không loại trừ khả năng các đối tượng chỉ tạm thời “nằm im thở khẽ” chờ cơ hội hoạt động lại. Chính vì vậy mà các đơn vị nghiệp vụ Công an Lâm Đồng phải luôn bám sát địa bàn nắm tình hình để có phương án sẵn sàng đấu tranh với loại tội phạm này.

Đức Cương
.
.
.