Công bố hồ sơ JFK Có gì mới?

Thứ Hai, 13/11/2017, 11:15
Việc công bố các tài liệu bí mật một thời gian dài về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy (hồ sơ JFK) năm 1963 đã cung cấp thêm cơ sở cho những lý thuyết âm mưu xung quanh cái chết gây tranh cãi của cố Tổng thống Mỹ.


Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26-10 vừa qua đã cho công bố một loạt hồ sơ về vụ ám sát, nhưng vẫn còn một số hồ sơ bị giữ lại. Ông Trump cho biết có "nguy hiểm tiềm ẩn không thể đảo ngược" đối với an ninh quốc gia nếu ông cho phép tiết lộ tất cả hồ sơ. Ông giữ các tập tin còn lại thêm 6 tháng để Quốc hội đánh giá rủi ro an ninh, và cho công bố 2.891 hồ sơ để bảo đảm đúng thời hạn công bố thông tin.

Âm mưu ám sát thủ phạm

Ngày 22-11-1963, Tổng thống Kennedy bị bắn chết ở Dallas bởi tay súng đơn độc Lee Harvey Oswald. Tuy nhiên, một số đông công chúng chưa bao giờ tin những lời giải thích chính thức về vụ ám sát Kennedy. Họ trích dẫn các đoạn phim, các cuộc phỏng vấn và các thí nghiệm khoa học nhằm chứng minh Oswald, người bị bắn chết 2 ngày sau khi Kennedy bị ám sát, không hành động một mình.

Tổng thống John Kennedy và phu nhân trên chiếc xe đi qua thành phố Dallas ngày ông bị bắn chết.

Những hồ sơ được công bố hôm 26-10 cho thấy những gì xảy ra sau cái chết của Kennedy, trong đó có việc Giám đốc FBI khi đó là  Edgar Hoover đã bày tỏ sự thất vọng về việc Oswald bị hạ sát trong tay của Jack Ruby. Tài liệu cho biết, ông Hoover đã quát tháo ầm ĩ rằng vụ giết Oswald sẽ khiến công chúng nghi ngờ thuyết âm mưu.

Hoover nói: "Không có gì khác ngoài trường hợp của Oswald, ngoại trừ việc hắn đã chết. Điều mà tôi  và Phó Tổng chưởng lý Katzenbach quan tâm, là cần ban hành cái gì đó để có thể thuyết phục công chúng rằng Oswald là sát thủ thực sự".

Theo ông Hoover thì FBI đã nhận được một cuộc gọi từ Văn phòng Dallas cho biết người gọi là một phần tử của tổ chức "được tổ chức để giết Oswald".

Hoover nói rằng ông đã chuyển lời cảnh báo đó cho Cảnh sát Dallas và được đảm bảo rằng Oswald sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, ngày hôm sau Oswald đã bị bắn chết bởi Jack Ruby.

Hoover nói: "Oswald đã bị giết sau khi cảnh báo của chúng tôi đã gửi đến Sở Cảnh sát Dallas là điều không thể tha thứ", "Rất có thể, tôi sợ rằng nhiều nhà đấu tranh dân quyền sẽ công kích như địa ngục, vì hắn ta đã bị còng tay và không có vũ khí. Có một số người trong xã hội của chúng ta sẽ phản đối vì quyền dân sự của họ đã bị vi phạm - đó là họ ".

Tổng thống Johnson bị nghi ngờ

Vì vậy, Hoover gợi ý "thay vì Ủy ban của Tổng thống, chúng ta có thể làm điều đó bằng một báo cáo của Bộ Tư pháp dựa trên báo cáo của FBI".

Đề nghị của Hoover đã không đi đến đâu. Tổng thống Lyndon B. Johnson đã thành lập Ủy ban Warren để điều tra vụ ám sát vào tuần sau đó.

Lee Harvey Oswald từng sống ở Liên Xô và lấy vợ là một phụ nữ từ thành phố Minsk.

Năm 1964, Ủy ban Warren kết luận Oswald và Ruby đã hành động một mình trong các vụ ám sát của họ. Không có sự đổ lỗi nào khác đối với các tổ chức, điệp viên hay chính phủ nước ngoài khác.

Johnson cũng đã được đề cập trong các hồ sơ. Liên bang Xôviết tin rằng Phó Tổng thống của Kennedy là người đứng sau vụ ám sát, theo tờ New York Post. Người Xôviết cũng sợ rằng họ sẽ bị vu tội giết người và sẽ bị trả đũa.

Trong một bản ghi nhớ của FBI ngày 1-12-1966, KGB "cơ quan gián điệp và an ninh quốc gia" lớn nhất thế giới tuyên bố họ "sở hữu dữ liệu cho thấy Tổng thống Johnson chịu trách nhiệm về vụ ám sát Tổng thống Kennedy".

Biên bản ghi nhớ, có tựa đề "Phản ứng của các quan chức Đảng Cộng sản Xôviết đối với việc Tổng thống Kennedy bị ám sát” đã được gửi đến Hoover.

"Tổng hành dinh KGB chỉ ra rằng theo quan điểm của thông tin này, Chính phủ Liên Xô cần phải biết mối quan hệ cá nhân hiện tại giữa Tổng thống Johnson và gia đình Kennedy, đặc biệt là giữa Tổng thống Johnson và Robert và ông Ted Kennedy”, tài liệu viết.

Liên Xô cũng lo ngại Mỹ sẽ sử dụng vụ ám sát để gia tãng thái độ thù địch của công chúng đối với Xôviết và “thậm chí dẫn ðến một cuộc tấn công".

Oswald sống ở Liên bang Xôviết trong 3 nãm và kết hôn với một phụ nữ tại đó. Ông có quan hệ với KGB trong khi ở Mỹ.

Thuyết âm mưu của Tổng thống Johnson: Trả thù cho Ngô Ðình Diệm

Tổng thống Johnson cũng tin tưởng vào thuyết âm mưu, tờ New York Post đưa tin. Theo Richard Helms, Giám đốc CIA của Johnson, Tổng thống nói ông tin rằng Kennedy đã bị giết để trả đũa cho vụ ám sát Tổng thống miền Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm.

Ông Diệm đã bị bắt và bị giết bởi một cuộc đảo chính do CIA hậu thuẫn ở Việt Nam năm 1963.

Tổng thống John F. Kennedy tại phòng làm việc ở Nhà Trắng.

Tuy nhiên, các báo Mỹ trích nguồn giải mật cho rằng đây chỉ là "một trong nhiều thuyết âm mưu" mà ông Johnson không hề ngại ngùng nêu ra.

Tổng thống Richard Nixon tin là CIA đứng đằng sau vụ giết Tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm

Ông Helms, người phục vụ cả hai đời Tổng thống Johnson và Nixon, cũng nói hồi tháng 4-1975 rằng theo lời Johnson vụ giết Kennedy là "vụ trả thù của thế lực nước ngoài".

Các báo Mỹ hôm 27-10 vừa qua nhắc lại rằng "nhà lãnh đạo độc đoán của Nam Việt Nam bị bắt và hạ sát năm 1963 trong vụ đảo chính do Mỹ hỗ trợ".

Còn theo trang CNN thì cựu Giám đốc Richard Helms lại nói ông nghĩ rằng "Tổng thống Richard Nixon từng tin là CIA đứng đằng sau vụ giết Tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm, người bị giết trong vụ đảo chính có liên quan đến CIA".

Văn bản từ năm 1975 mô tả các âm mưu, kế hoạch ám sát lãnh đạo nước ngoài, gồm Fidel Castro và các bàn luận về chuyện ám sát của nhà lãnh đạo Congo Patrice Lumumba và nhà lãnh đạo Indonesia, Tổng thống Sukarno.

Biết trước vụ ám sát?

Các hồ sơ được giải mật cũng cho thấy một phóng viên người Anh làm việc với Cambridge News đã nhận được một cuộc điện thoại nặc danh trước khi xảy ra vụ ám sát, nói với ông rằng sẽ có "một số tin tức lớn" (some big news).

4 ngày sau vụ ám sát, văn bản ngày 26-11-1963 của Giám đốc FBI gửi cho Giám đốc Bộ phận phản gián của CIA James Angleton viết: 

"Một điện tín từ bộ phận CIA tại London cho hay một phóng viên Anh làm việc cho tờ Cambridge News, vào đúng ngày 22-11-1963, đã nhận được cú điện thoại nặc danh nói cần báo cho Sứ quán Mỹ là sắp có "tin lớn" (big news). Theo tính toán của Tình báo Anh, MI-5, thì chỉ 25 phút sau, ông Kennedy bị hạ sát. Phóng viên này là người có uy tín và nói ông chưa bao giờ nhận được điện thoại kiểu như vậy".

Một bản khác của ghi nhớ này được Viện Lưu trữ Quốc gia tại Mỹ công bố hồi tháng 7 năm nay nhưng không ai chú ý đưa tin. Tuy thế, cũng có các bản ghi nhớ khác nói có người ở Mỹ "nghe được ai đó đặt cược" rằng Tổng thống Kennedy sẽ bị giết trong vòng 3 tuần. Và sự thật là Tổng thống đã bị bắn chết 10 ngày sau khi lời nói đó được ghi nhận.

Thành Vĩnh
.
.
.