Công chúa Tây Ban Nha sẽ phải ngồi tù 4 năm?

Thứ Hai, 22/06/2015, 10:00
Sau khi bị nhà Vua Felipe VI hủy tước hiệu "Nữ công tước xứ  Palma", dư luận đã cho rằng, Công chúa Cristina de Borbon (con gái thứ hai của cựu vương Juan Carlos, người thoái vị năm 2014) sẽ phải đối mặt với bản án 4 năm tù vì bị cáo buộc trốn thuế. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Tây Ban Nha thời hiện đại, một thành viên hoàng gia phải ra trước vành móng ngựa. 

Nếu bị kết án, Công chúa Cristina de Borbon có thể lãnh mức án 4 năm tù, còn chồng bà phải đối mặt với bản án 19 năm tù. Vậy là sau 18 năm được phong "Nữ công tước xứ  Palma" khi kết hôn với ông Inaki Urdangarin (cựu cầu thủ bóng ném năm 1997), ngày 11/6 vừa qua, Công chúa Cristina de Borbon đã phải từ bỏ tước hiệu này, cho dù bà luôn phủ nhận mọi cáo buộc trốn thuế. 

Trong khi đó, các công tố viên ở Palma de Mallorca cho biết, đã điều tra và làm rõ các giao dịch thương mại của Phò mã Inaki Urdangarin với 15 người khác và họ đã biển thủ 5,6 triệu euro tiền công từ Viện Noos (Noos Institute), một quỹ từ thiện thể thao do chồng Công chúa Cristina de Borbon quản lý cùng với đối tác thương mại Diego Torres.

Hơn 1 năm trước (21/5/2014), đài phát thanh RTL từng dẫn thông báo của Cơ quan thuế Tây Ban Nha về những nghi ngờ trốn thuế hơn 300.000 euro của Phò mã Inaki Urdangarin trong bản kê khai thuế năm 2007-2008. Ngoài ra, Phò mã Inaki Urdangarin còn bị khởi tố với cáo buộc cùng cộng sự Diego Torres biển thủ công quỹ 5,6 triệu euro khi điều hành tổ chức từ thiện Viện Noos trong giai đoạn 2004-2006.

Vợ chồng Công chúa Cristina de Borbon.

Công chúa Cristina de Borbon cũng bị điều tra vì bị nghi ngờ trong vụ bê bối cùng chồng tại Viện Noos. Các nhà điều tra cho rằng, Công ty Aizoon do vợ chồng Công chúa Cristina de Bourbon cùng sở hữu làm nhiệm vụ rửa tiền từ Viện Noos. Và nếu Công chúa Cristina de Borbon bị tòa kết tội thì đây sẽ là vụ án chưa từng có tiền lệ đối với nền quân chủ lập hiến Tây Ban Nha.

1 năm trước (18/6/2014), Thái tử Tây Ban Nha Felipe de Borbon đã lên ngôi Vua với tên hiệu Felipe VI và đây là sự kiện truyền ngôi báu đầu tiên ở Tây Ban Nha trong gần 4 thập kỷ qua. Khi xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia nhân lễ Giáng sinh và đón năm mới, nhà vua Felipe VI đã nhấn mạnh - sẽ điều tra từ Hoàng thân đến chính trị gia hàng đầu ở Tây Ban Nha để đảm bảo với người dân rằng, xứ sở bò tót không dung dưỡng bất cứ cá nhân nào có hành vi làm tổn hại đến đất nước.

Tuyên bố của nhà Vua Felipe VI được đưa ra sau quyết định hôm 23/12/2014 của thẩm phán chính thức truy tố Công chúa Cristina de Borbon cùng chồng với cáo buộc tham nhũng hàng triệu USD công quỹ. Công chúa Cristina de Bourbon đã lấy bằng thạc sĩ tại Trường Đại học New York và được coi là người "bất khả xâm phạm" trong gia đình hoàng gia.

Được biết, việc điều tra Công chúa Cristina de Borbon được tiến hành từ năm 2010 và kể từ đó uy tín của Hoàng gia Tây Ban Nha bị sụt giảm đáng kể. Vợ chồng Công chúa Cristina de Borbon đã bị loại khỏi các hoạt động của hoàng gia Tây Ban Nha từ năm 2011.

Ngày 8/2/2014, Công chúa Cristina de Borbon đã phải trình diện tại tòa án Mallorca và đây là lần đầu tiên kể từ khi Tây Ban Nha thành lập chế độ quân chủ lập hiến, một thành viên trong hoàng gia bị đưa ra trước vành móng ngựa. Tuy buổi điều trần này không có sự tham dự của báo chí, nhưng dư luận vẫn biết Công chúa Cristina de Borbon phải giải thích với thẩm phán Jose Castro về những nghi ngờ có liên quan đến các vụ trốn thuế và rửa tiền qua trung gian của một công ty do Phò mã Inaki Urdangarin làm chủ. Ông Manuel Delgado, một trong những luật sư có mặt tại tòa cho biết, do có sự chuẩn bị khá chu đáo nên Công chúa Cristina de Borbon đã bình tĩnh đưa ra "95% câu trả lời có ý né tránh".

Trước đó, Công chúa Cristina de Borbon từng bị triệu tập để lấy lời khai, nhưng quyết định này đã bị hủy bỏ sau khi có kháng nghị từ phía cơ quan công tố. Lần đầu tiên thẩm phán Jose Castro ký quyết định triệu tập Công chúa Cristina de Borbon là đầu tháng 4/2013, nhưng đã bị tòa án ở Palma de Mallorca ngăn lại.

Cũng trong tháng 4/2013, thẩm phán Jose Castro tuyên bố, có đủ bằng chứng để chứng minh, Công chúa Cristina de Borbon đồng lõa với chồng trong các phi vụ mờ ám kể trên. Nhưng khi đó Tối cao Pháp viện Tây Ban Nha đã bác bỏ lập luận của thẩm phán Jose Castro. Thẩm phán Jose Castro từng gặp phải sự phản đối của công tố viên chống tham nhũng Pedro Horrach.

Theo tờ El Pais của Tây Ban Nha, ông Pedro Horrach nhiều lần tuyên bố, không chấp nhận kiến nghị của thẩm phán Jose Castro vì "không có chứng cứ cho thấy có sự liên quan giữa Công chúa Cristina de Borbon với các hành động của chồng bà".

Trọng Hậu
.
.
.