Công nghệ buôn người thời @

Thứ Ba, 05/05/2015, 11:00
Sau vụ đắm tàu diễn ra hồi trung tuần tháng 4 ngoài khơi bờ biển Libya gây rúng động thế giới, các nhà chức trách nói rằng, họ đã phát hiện, xóa bỏ ít nhất 3 trang buôn người qua facebook. Những đường dây buôn người thời @ thực sự gây khó khăn cho quá trình điều tra, khám phá các vụ án.

Dịch vụ du lịch "đáng tin cậy" và "thoải mái" trong vài giờ

Các nhà chức trách cho hay, một số trang facebook do các băng nhóm buôn người lập đã bị phát hiện thời gian gần đây. Ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Ả Rập, hướng đến đối tượng khách hàng là những người muốn rời bỏ đất nước vì chiến tranh hay nghèo đói. Những dòng quảng cáo hút khách được đăng tải trên facebook. Lộ trình di chuyển khá phong phú từ Libya đến Italia hay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp.

Những trang facebook bằng tiếng Ả rập mà các băng nhóm tội phạm sử dụng để tập hợp, tổ chức đưa người trái phép vào châu Âu. 

Abu Moaz, một người Syria đã sử dụng Facebook để "mai mối" đưa người vào Hy Lạp bằng thuyền với thời gian khoảng 1,5 giờ. Chi phí cho mỗi cuộc hành trình như vậy là 950 USD. Bất cứ ai quan tâm có thể nói chuyện với Abu Moaz qua WhatsApp hay Viber trên web.

Phóng viên của tờ Financial Times đã liên lạc với Abu Moaz thì được biết, ông là một thủy thủ nhưng công việc trở nên khó khăn những ngày gần đây. Thuyền mà do Abu Moaz sở hữu là của một nhóm người Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, khởi hành từ Bodrum và Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ. "Đó là hoạt động buôn người, không hơn không kém", Abu Moaz nói với phóng viên báo Financial Times. Tuy nhiên, Abu Moaz nhấn mạnh rằng, ông không giống như những kẻ buôn người khác vì ông đi với người di cư để đảm bảo họ có thể đến đích an toàn.

"Tôi chỉ nhận 20 khách trong khi thuyền có thể chứa 25 người. Tôi không nhận khách là phụ nữ hoặc trẻ em vì sự an toàn của họ", Abu Moaz nói.

Một trang facebook có tên là "Di cư từ Libya đến Italy" đã quảng cáo, cung cấp dịch vụ "đáng tin cậy" và "thoải mái" cho tất cả du khách". Đồng thời, trên trang facebook này cũng cung cấp lịch trình di chuyển cụ thể. Hành khách tập trung tại cảng Zuwara vào thời gian ấn định. Giá di chuyển được niêm yết là 1.000 USD/người, 500 USD/trẻ em và miễn phí cho trẻ sơ sinh. Rất nhiều khách hàng quan tâm đã bình luận trên facebook. Một khách hàng hỏi, "liệu chuyến đi có đến đích?" và câu trả lời là "chắc chắn sẽ đến, ơn Chúa".

Khó khăn trong quá trình điều tra

Theo các nhà điều tra thì rất khó khăn, có thể nói là không thể xác minh danh tính của bất kỳ nhóm nào đứng đằng sau các trang facebook. Trong khi đó, các trang facebook lại "hoạt động" rất hiệu quả. Đơn cử như trang facebook "Di cư từ Libya đến Italy" có hơn 4.600 lượt "thích" với thông tin được đăng tải thường xuyên cùng những lời bình luận sôi nổi. Các quan chức điều hành mạng xã hội facebook nói rằng, hiện những trang facebook buôn người như trên đã bị phát hiện và loại bỏ. Tuy nhiên, nó chỉ bị "xóa sổ" khi được báo cáo.

"Đó là hành động đi ngược lại tôn chỉ hoạt động của cộng đồng facebook. Những trang facebook có nội dung buôn người sẽ bị gỡ bỏ ngay sau khi chúng tôi nhận được báo cáo. Chúng tôi khuyến khích người dân phát hiện liên kết tương tự, kịp thời báo cáo với chúng tôi để đội ngũ chuyên gia của facebook có thể xử lý một cách nhanh chóng nhất", một quan chức chia sẻ.

Các nhà chức trách châu Âu cũng cho biết thêm, bên cạnh việc lập facebook để hoạt động, các băng nhóm tội phạm còn sử dụng các trang web theo dõi hàng hải để xác định vị trí tàu quân sự và dân sự hoạt động ở Địa Trung Hải để có lộ trình di chuyển thích hợp. "Không chỉ dừng lại ở việc lập facebook để quảng cáo dịch vụ đưa người trái phép vào châu Âu, các băng nhóm tội phạm còn sử dụng tất cả các loại phương tiện kỹ thuật số để hoạt động", Ewa Moncure, phát ngôn viên của Frontex - cơ quan kiểm soát biên giới của Liên minh châu Âu cho biết.

Gần đây, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý thực hiện một hệ thống các giải pháp để giải quyết khủng hoảng leo thang ở khu vực Địa Trung Hải. Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cũng mới thành lập một lực lượng riêng để điều tra, khám phá mạng lưới buôn người.

"Đưa người nhập cư sang châu Âu vẫn là lĩnh vực "kinh doanh" mang lại lợi nhuận kếch xù. Nó dễ dàng và an toàn hơn so với buôn ma túy hay vũ khí. Làn sóng di cư năm nay vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt", ông Rob Wainwright, Giám đốc Europol nói. Lợi nhuận khổng lồ và "giấc mơ thiên đường" về cuộc sống mới của người di cư là "động lực" thúc đẩy các băng nhóm tội phạm gia tăng hoạt động. Ước tính, có khoảng 170.000 người đã rời bỏ châu Phi và Trung Đông đến châu Âu qua Địa Trung Hải trong năm 2014, 3.000 người đã chết đuối, tăng 5 lần so với năm 2013.

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.