Công nghệ "kinh doanh chiến tranh"

Thứ Tư, 17/09/2014, 08:00

Thông tin được đăng tải trên trang Spiegel (Đức) số ra mới đây cho hay, Israel là quốc gia đầu tư vào nghiên cứu vũ khí cao hơn nhiều lần so với các quốc gia khác trên thế giới. Công nghệ kinh doanh vũ khí, xuất khẩu công nghệ mới của Israel đang được xếp hạng hàng đầu thế giới.

Những vũ khí siêu hạng

Ông Yoav Hirsh với mái tóc hoa dâm cùng vóc dáng thể thao vừa mỉm cười, vừa nói đầy tự hào về công ty của mình. Ông là Giám đốc điều hành của G-Nius, một trong những công ty đầu tiên trên thế giới có thể sản xuất máy bay chiến đấu robot. Những robot này có tên gọi là Guardium được đưa vào sử dụng từ năm 2007 trong các cuộc tuần tra dọc theo biên giới của Dải Gaza. Nó có thể sử dụng điều khiển từ xa hoặc trực tiếp nhờ có gắn camera ở phía trước và cảm biến thu thập dữ liệu về môi trường xung quanh. G-Nius là ví dụ điển hình về công ty vũ khí công nghệ cao được sản xuất ở Israel. Trụ sở chính của công ty nằm trong khu phát triển công nghệ cao tại thành phố Yokneam (phía đông bắc Israel) cùng nhiều công ty công nghệ khác. G-Nius là một công ty liên doanh tư nhân nhưng có mối liên hệ khá thân thiết với quân đội.

Công ty IWI cung cấp cho quân đội Israel các loại súng siêu hạng như súng máy Uzi, súng trường tấn công Tavor, súng máy Negev và súng lục Desert Eagle. Nhiều người nhận định, những khẩu súng này phù hợp với hình ảnh trong phim hành động hơn là trong tay của nhân viên quân sự. IWI đã rất thành công với sản phẩm của mình. Khi được tư nhân hóa vào năm 2005, IWI có 70 nhân viên nhưng bây giờ, con số này đã là hơn 500. "Chúng tôi đang phát triển theo cấp số nhân. IWI tự hào là một trong năm nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới", ông Wainman - giám đốc công ty nói. Theo ông Wainman thì quân đội Israel là một trong những khách hàng lớn nhất. Khi một vũ khí mới ra đời, nó được trao cho quân đội thử nghiệm trước khi sản xuất hàng loạt. Theo thống kê, 90% súng của IWI được xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Một binh sĩ Israel "hôn" xe tăng Merkava dọc theo biên giới giữa Israel và dải Gaza.

Ngoài vũ khí, hệ thống máy bay "made in Israel" cũng được xuất khẩu rất nhiều. Theo thống kê trong năm 2013, máy bay không người lái của Israel "đắt khách" hơn so với Mỹ  và ước tính, số lượng xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi so với Mỹ vào năm 2014. Một nhân viên của hãng sản xuất máy bay IAI cho biết, máy bay Harop mà quân đội Israel sử dụng trong năm nay đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các quốc gia trên thế giới. Các quốc gia lớn như Ấn Độ, Đức cũng đang xem xét để mua máy bay Harop. Phần lớn máy bay không người lái của Israel được xuất sang châu Á, Ấn Độ và cả Trung Quốc. Hiện các sản phẩm quốc phòng của Israel đã vươn tới cả Châu Phi.

Kiếm "bộn tiền" nhờ buôn vũ khí

Từ khi thành lập cho đến nay, Israel luôn ở trong tình trạng xung đột với các nước láng giềng. "Israel luôn cảm thấy bị đe dọa từ mọi phía trong khi đó không phải là quốc gia có lực lượng quân đội hùng mạnh. Công nghệ quân sự sáng tạo được xem là chiến lược quan trọng của Israel. Trong nhiều thập kỷ, Israel đã có mối quan hệ chặt chẽ giữa quân đội với khoa học dân sự, công nghiệp và lĩnh vực chính trị", ông Dan Peled, giáo sư kinh doanh tại Đại học Haifa cho biết. Cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và các nước láng giềng đã góp phần vào sự thành công của lĩnh vực quốc phòng. "Hiệu suất chiến đấu đã được chứng minh" là slogan bán công nghệ quân sự của Israel. Wainman nói rằng, vũ khí mà công ty IWI cung cấp cho quân đội Israel chỉ chiếm một phần nhỏ trong nền công nghiệp quốc phòng của đất nước. Tình hình tương tự cũng xảy ra đối với các công ty quốc phòng khác của Israel, với tỷ lệ xuất khẩu hơn 75% ra nước ngoài.

Theo báo cáo thương mại quân sự của Anh thì Israel là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ sáu trên thế giới. Trong năm 2012, nước này đã thu được 2,4 tỷ USD nhờ xuất khẩu thiết bị quân sự. Nếu tính giá trị xuất khẩu vũ khí trên bình quân đầu người thì Israel đứng vào hàng cao nhất thế giới với khoảng 300 USD/người. Ngay cả Mỹ, con số này cũng chỉ vào khoảng 90 USD. Số liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI) cho thấy, xuất khẩu vũ khí của Israel tăng hơn gấp đôi từ năm 2001 đến 2012. Theo báo cáo "Niên giám cạnh tranh thế giới" do Viện nghiên cứu kinh doanh quốc tế và phát triển quản lý Thụy Sĩ (IMD) cho biết, Israel đầu tư 4,4% tổng sản phẩm quốc nội để nghiên cứu và phát triển vũ khí, tỷ lệ cao nhất ở bất cứ đâu trên thế giới. Ông Michael Brzoska, giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình và Chính sách An ninh tại Đại học Hamburg ước tính, 30 % các nghiên cứu và phát triển ở Israel có liên quan đến lĩnh vực quân sự, trong khi con số này ở Đức chỉ là 2%

T.Phạm (tổng hợp)
.
.
.