‘Công nghệ’ nhận dạng tội phạm bằng chỉ số cơ thể

Thứ Bảy, 31/01/2015, 13:30
Một chương trình nghiên cứu của Đại học Adelaide (Australia) đã đưa ra "công nghệ" mới để xác định tội phạm là thông qua chỉ số cơ thể. Chỉ cần xác định được 8 loại số đo cần thiết là có thể "khắc họa" được chân dung của nghi phạm. Các chuyên gia nhận định, đây có thể là bước đột phá trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là trong những vụ án mà đối tượng không để lại dấu vân tay tại hiện trường

Kết quả nghiên cứu từ chỉ số cơ thể của 4.000 người

Thực tế cho thấy, những cảnh quay camera mà tội phạm che kín khuôn mặt luôn là thách thức lớn với cơ quan chức năng. Quá trình điều tra còn khó khăn hơn nếu tội phạm không để lại dấu vân tay tại hiện trường. Các chuyên gia tại Đại học Adelaide đã tiến hành nghiên cứu số đo giải phẫu của 4.000 người và phát hiện ra rằng, ngoài khuôn mặt, số đo cơ thể mỗi người cũng có nhiều sự khác biệt và dựa vào đó có thể dựng được chân dung đối tượng một cách "tương đối chính xác".

Nhà nghiên cứu Teghan Lucas cho biết: "đối tượng thực hiện các vụ án hình sự thường cố tình che mặt hoặc video không quay được khuôn mặt đối tượng. Với 8 chỉ số cơ thể, mỗi người có một nét đặc trưng riêng và khó có thể tìm thấy một bản sao thứ hai, thậm chí đo được qua quần áo. Điều này cho kết quả chính xác tương tự như phân tích dấu vân tay".

8 loại số đo được sử dụng bao gồm: chiều cao cơ thể, chiều dài từ xương hông đến bàn chân, chiều dài của cổ tay đến khuỷu tay, quai hàm, xương chậu, chiều rộng ngực, chiều rộng của khuôn mặt và hộp sọ. Kết quả nghiên cứu trên 4.000 người cho thấy, bề rộng của hông người rất đa dạng, chênh lệch lên đến 150mm và điều này làm cho hình dáng mỗi cá nhân trở nên khác biệt. Các chỉ số khác cũng giúp quá trình xây dựng chân dung đối tượng chính xác hơn như chiều rộng của dạ dày, cánh tay và bắp chân hoặc những bộ phận cơ thể khác bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự tăng hay giảm cân.

Với 8 chỉ số cơ thể, các nhà điều tra có thể xây dựng được chân dung của nghi phạm.

Phác thảo chân dung đối tượng từ số đo chỉ số cơ thể

Trên cơ sở "bắt" được hình dáng của đối tượng qua những đoạn video và sử dụng phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại để đo đạc, cảnh sát có thể "phác họa" được chân dung đối tượng. "Trong các video, đối tượng luôn chuyển động nhưng sự chuyển động đó không ảnh hưởng đến các chỉ số cơ thể. Với công nghệ hiện đại, chúng ta hoàn toàn có được số đo tổng thể về đối tượng, qua đó, xây dựng được chân dung đối tượng với độ chính xác cao", cô Lucas nói.

Theo nhóm nghiên cứu thì chỉ số cơ thể khá ổn định khi đã trưởng thành, bộ xương của người lớn rất ít thay đổi trong suốt cuộc đời. Chiều dài xương đùi, hoặc khoảng cách từ cổ tay đến khuỷu tay sẽ không thay đổi cho đến khi già.

Đột phá mới trong công tác đấu tranh chống tội phạm

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng, mặc dù không có nhiều thuận lợi để nhận dạng như khuôn mặt nhưng số đo cơ thể có độ ổn định và chính xác cao. "Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trong những năm qua về nhận dạng khuôn mặt. Điều này có ý nghĩa rằng, quá trình tiến hóa của loài người đã khiến khuôn mặt ngày càng hoàn hảo và mỗi người có đặc trưng riêng biệt để nhận dạng. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không nhìn thấy khuôn mặt của tội phạm hoặc có sự tương đồng trên khuôn mặt giữa hai người? Chúng ta sẽ giải quyết ra sao trong trường hợp nếu chỉ nhận dạng khuôn mặt là chưa đủ? Kỹ thuật nhận dạng này đặc biệt hữu ích để xác định tội phạm hoặc người mất tích từ đoạn phim mà camera quay được", cô Lucas nói.

Theo các nhà nghiên cứu, “công nghệ” nhận dạng tội phạm bằng chỉ số cơ thể cũng cho kết quả chính xác như phân tích dấu vân tay.

Theo cô Lucas thì chỉ số cơ thể cũng như khuôn mặt đã được sử dụng để nhận dạng pháp y khá sớm, từ thế kỷ thứ 19. "Người ta đã tin rằng, không có hai cá nhân sở hữu cùng số đo chỉ số cơ thể. Tuy nhiên, cách thức nhận dạng tội phạm này không phổ biến khi công nghệ phân tích tội phạm thông qua dấu vân tay ra đời. Dấu vân tay được coi là đáng tin cậy hơn trong thủ tục tố tụng của tòa án và xác suất truy nguyên đồng nhất dấu vân tay để lại hiện trường và cơ sở dữ liệu dấu vân tay cũng dễ dàng hơn.

Theo kết quả nghiên cứu này thì chỉ số cơ thể có rất nhiều ưu điểm và nên được sử dụng thường xuyên trong quá trình điều tra vụ án", cô Lucas nhận định.

Một số người nói rằng, việc nhận dạng thông qua chỉ số cơ thể phụ thuộc rất lớn vào những đoạn phim do camera quay lại được. Tuy nhiên, chất lượng video không đạt tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng chân dung tội phạm. Bên cạnh đó, không phải nơi nào cũng gắn camera để ghi lại được hoạt động của kẻ phạm tội.

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.