Công nghệ quét laze 3D trong kỹ thuật hình sự

Thứ Sáu, 19/06/2015, 10:30
Cảnh sát Mỹ vừa công bố thử nghiệm thành công và đã đưa vào ứng dụng chuỗi kỹ thuật hình sự ứng dụng công nghệ quét laze 3D.
Theo đó, hiện trường các vụ tai nạn hoặc  vụ án, các hình ảnh về đối tượng, vật chứng… sẽ được chụp và quét theo công nghệ laze tạo nên một cơ sở dữ liệu đa chiều giúp lưu trữ và tái dựng sự thật về vụ án, vụ tai nạn một cách trung thực, chi tiết và rõ nét nhất.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng bởi kể cả sau một thời gian dài, khi các hiện trường đã bị xóa hoặc xáo trộn, vật chứng đã bị hủy hoại thì các điều tra viên, công tố viên và thẩm phán vẫn có được sự hình dung và nhìn nhận đầy đủ nhất về hiện trường và những đồ vật, vật chứng có liên quan.

Kỹ thuật viên hình sự quét laze 3D.

Kỹ thuật này có thể được tiến hành ở bất kỳ loại hiện trường nào mà không phụ thuộc vào địa hình, không phụ thuộc ánh sáng, thời tiết nên đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, thu được hình ảnh hiện trường trong các điều kiện khắc nghiệt và nguy cơ hiện trường bị phá hoại do con người, tự nhiên.

Để thực hiện kỹ thuật này, cảnh sát không phải sử dụng quá nhiều máy móc cồng kềnh mà chỉ là những thiết bị ứng dụng công nghệ laze rất nhỏ gọn như máy ảnh, máy quét, có thể cầm tay và vận hành một cách dễ dàng. Các thiết bị này lưu trữ hệ thống hình ảnh có độ phân giải cực cao dưới dạng 3D và có thể kết nối với các thiết bị lưu trữ hoặc trình chiếu khác.

Phạm vi quét lên đến 74 mét nên có thể bao quát một hiện trường rất rộng với hàng triệu điểm ảnh được ghi chỉ trong 1 giây tương đương với khoảng 900.000 ảnh đơn so với chỉ 1 điểm ảnh duy nhất của phương pháp chụp và quét thông thường.

Trong vòng 4 phút, kỹ thuật này có thể ghi lại toàn bộ hình ảnh màu sắc 3D của hiện trường vụ án rộng bằng một sân bóng đá mini với hàng triệu triệu điểm ảnh được ghi trong khi với kỹ thuật ghi hình trước kia, cảnh sát có thể mất hàng giờ đồng hồ ghi ảnh tại hiện trường mà hiệu quả không cao và chưa chắc đã có dữ liệu hình đầy đủ.

Hiện trường vụ án được ghi lại bằng công nghệ 3D laze.

Căn cứ vào các kết quả quét 3D, các kỹ thuật viên hình sự có thể xác định chính xác khoảng cách giữa đối tượng và nạn nhân, cự ly nổ súng, độ dài rộng của các đồ vật tại hiện trường, tách hình ảnh vật chứng, phóng cận cảnh để thu hình ảnh dấu vân tay, dấu giày của đối tượng…

Đồng thời, các chuyên gia kỹ thuật hình sự có thể tái dựng hình ảnh như thật về diễn biến của vụ án để giúp thực nghiệm điều tra hoặc đưa ra các giả thuyết, kết luận điều tra về sau. Trong quá trình xét xử một số vụ án, các thẩm phán tòa án Mỹ đã rất kinh ngạc, thích thú khi chứng kiến công nghệ này và nhờ vậy họ có được sự hình dung chính xác, chân thật nhất về vụ án để có thể đưa ra những phán quyết công bằng nhất.

Hiện nay, giá thành của một bộ dụng cụ tiến hành kỹ thuật quét laze 3D kỹ thuật hình sự khoảng 40.000 USD. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đang tiếp tục nghiên cứu để có thể nâng cao hiệu quả ứng dụng, có nhiều tiện ích vừa giảm hơn nữa giá thành sản phẩm.

Hiện nay, phương pháp khám nghiệm và ghi hình hiện trường truyền thống đòi hỏi một đội điều tra tối thiểu 4 - 6 người nhưng kỹ thuật mới này cho phép ghi hình toàn cảnh hiện trường chỉ với 1 kỹ thuật viên.

Phạm Oanh
.
.
.