CHDCND Triều Tiên thử tên lửa và hé lộ về tàu ngầm thế hệ mới:

Cú hích đàm phán hay chiêu “mèo vờn hổ”

Thứ Tư, 31/07/2019, 16:11
Hạ tuần tháng 7, CHDCND Triều Tiên bất ngờ công bố những bức ảnh về một tàu ngầm hiện đại có khả năng được sử dụng để phóng vũ khí hạt nhân và thử nghiệm 2 loại tên lửa mới.


Đây được coi là một động thái nhằm mục đích “đe dọa” Mỹ và các nước đồng minh, bất chấp "cuộc gặp thứ 3 nồng ấm" giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu vực phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều.

"Lời cảnh cáo" tới Hàn Quốc

Hôm 26-7, tức chỉ một ngày trước lễ kỷ niệm 66 năm ngày ký Hiệp định đình chiến chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thừa nhận, hôm 25-7, nước này đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn hướng tới biển Nhật Bản theo sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đây là loại "vũ khí dẫn đường chiến thuật mới" và là lời "cảnh báo cứng rắn" tới Hàn Quốc vốn đang thúc đẩy triển khai các vũ khí mới và tiến hành các cuộc tập trận quân sự. 

Trước đó, Hàn Quốc cũng xác nhận rằng Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa tầm ngắn từ bán đảo Hodo, gần thị trấn ven biển Wonsan của Triều Tiên. Một tên lửa đã bay được 690km, trong khi tên lửa còn lại bay được 430 km. Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã bày tỏ "vô cùng lấy làm tiếc" về "hành động khiêu khích" của Triều Tiên, đồng thời nói rằng động thái này không giúp ích cho những nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên. 

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhanh chóng kêu gọi Triều Tiên nên ngừng các hoạt động "không giúp ích" cho các nỗ lực giảm căng thẳng quân sự sau khi xác nhận Bình Nhưỡng bắn hai quả tên lửa tầm ngắn vào sáng sớm cùng ngày. 

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo xác nhận, các vật thể mà Triều Tiên vừa phóng là các tên lửa tầm ngắn và rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thời gian gần đây đang có mặt tại khu vực và các cuộc tập trận mùa hè đang diễn ra tại quốc gia này…

 Hãng tin Yonhap đưa tin, một "hệ thống phản ứng nhanh" giữa các cơ quan chính phủ liên quan đã được kích hoạt, trong đó giới chức Hàn Quốc và Mỹ đang cố gắng thu thập các thông tin cụ thể liên quan tới các tên lửa này. Hiện Hàn Quốc và Mỹ đang cần phân tích thêm để biết những tên lửa này có phải là tên lửa đạn đạo và có cùng loại với các tên lửa đã được Triều Tiên phóng hồi tháng 5 vừa qua hay không.

Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên được thực hiện chưa đầy một tháng sau cuộc gặp thứ 3 giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty

Cùng mối lo với Hàn Quốc, Nhật Bản hôm 25-7 cũng khẳng định Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa tầm ngắn ra khu vực bờ biển phía Đông và các tên lửa đã rơi xuống biển trước khi tới vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản nhưng không gây ra nguy cơ an ninh nào. 

2 hôm sau, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thừa nhận, hai tên lửa mới mà Triều Tiên vừa phóng thử không phải kiểu tên lửa đạn đạo thông thường và khó đánh chặn vì có đường đạn thất thường và bay ở tầm thấp hơn so với tên lửa đạn đạo thông thường. 

Theo NHK, Nhật Bản đang vạch ra các biện pháp đáp trả thích hợp với sự phối hợp chặt chẽ của Mỹ. "Hai quả đạn Triều Tiên phóng hôm 25-7 có quỹ đạo bất thường, không giống tên lửa đạn đạo thông thường. Nó có thể vươn tới lãnh thổ Nhật Bản và rất khó bị đánh chặn", một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói.

Trong khi đó, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại động thái mới của Bình Nhưỡng sẽ gây khó khăn cho các nỗ lực nối lại cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Mỹ, đồng thời cho rằng động thái này là "thông điệp mạnh mẽ" của Bình Nhưỡng phản đối kế hoạch tập trận chung giữa Mỹ-Hàn Quốc. 

Chuyên gia phân tích tại Viện Sejong Cheong Seong-chang nói: "Lâu nay, Triều Tiên vẫn coi những cuộc diễn tập Mỹ- Hàn Quốc là hành động chuẩn bị cho cuộc xâm lược quốc gia này khi vẫn có khoảng gần 30.000 lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc và lực lượng này vẫn diễn tập hàng năm với hàng chục nghìn binh sỹ Hàn Quốc. Hành động này chỉ tạo ra tiền đề để Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình phát triển vũ khí". 

Chưa hết, theo ông Cheong Seong-chang, rõ ràng là Triều Tiên đang nổi giận vì việc Seoul mua máy bay chiến đấu công nghệ cao do Mỹ sản xuất. Dự kiến, Hàn Quốc sẽ mua 40 máy bay chiến đấu F-35 từ Lockheed Martin vào năm 2021. Hai chiếc đầu tiên đã đến Seoul vào tháng 3 và hai chiếc khác sẽ được giao trong vài tuần tới.

Các phân tích từ cơ quan tình báo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết, vũ khí mà Triều Tiên bắn có khả năng là phiên bản Iskander do Nga sản xuất, một tên lửa đạn đạo có khả năng hạt nhân tầm ngắn, đã có trong kho vũ khí của Nga trong hơn một thập kỷ. Tên lửa này được thiết kế để bay với độ cao khoảng 40km (25 dặm) và có những điều chỉnh hướng dẫn trên máy bay. 

Cả hai khả năng đều khai thác điểm yếu trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và Hàn Quốc hiện đang có, chủ yếu là tên lửa Patriot và hệ thống phòng thủ chống tên lửa THAAD. Iskander cũng nhanh hơn để phóng và khó phá hủy hơn trên mặt đất, vì động cơ nhiên liệu rắn. Hệ thống hướng dẫn tiên tiến cũng làm cho nó chính xác hơn. 

"Các vụ phóng này là vụ thử vũ khí đầu tiên được biết đến của Triều Tiên trong hơn hai tháng qua. Thông điệp thứ hai của Triều Tiên đôi khi rất hả hê, nói rằng bài kiểm tra "chắc chắn đã gây khó chịu và đau đớn cho một số lực lượng mục tiêu đủ như nó dự định", ông Cheong Seong-chang nói.

Triều Tiên vừa phóng tên lửa tầm ngắn hôm 25-7.

Trò chơi đuổi bắt

Ngạc nhiên là trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản đều bày tỏ mối lo ngại về vụ thử tên lửa của Triều Tiên, ngay cả Trung Quốc cũng lên tiếng kêu gọi Bình Nhưỡng và Washington sớm nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa, Pháp lên án hành động thử tên lửa… thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại không mảy may tức giận. Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Trump nói: "Chúng ta sẽ chờ xem điều gì sẽ tới. Đó là những tên lửa tầm ngắn và nhiều nước có những loại tên lửa như vậy…". 

Cùng với đó, ông chủ Nhà Trắng còn tái khẳng định về mối quan hệ tốt với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và khi được hỏi về việc liệu ông có thấy rắc rối trước vụ phóng mới nhất của Bình Nhưỡng, Tổng thống Trump đã nói "không". 

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ còn tiếp tục đưa ra tuyên bố theo hướng giảm nhẹ động thái mới nhất của Bình Nhưỡng khi nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên đã không gọi vụ phóng tên lửa là thông điệp nhằm vào Mỹ. Ông nói: "Nhà lãnh đạo Triều Tiên không nói gì về lời cảnh báo nhằm vào Mỹ. Đó là lời cảnh báo nhằm vào Hàn Quốc. Hai nước vốn có nhiều bất đồng trong thời gian dài". 

Và phát ngôn nặng nề nhất nhằm vào Triều Tiên từ phía Mỹ là do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus khi kêu gọi "không khiêu khích nữa", nói rằng Mỹ cam kết ngoại giao với Triều Tiên. Còn chỉ huy liên quân Mỹ-Hàn thì cho biết, tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng không đe doạ trực tiếp Hàn Quốc cũng như Mỹ và không tác động đến tình hình phòng thủ của hai quốc gia này.

Trên thực tế, dù đang phải chịu 11 lệnh trừng phạt của Mỹ vì các vụ thử tên lửa, nhưng theo nhận định của giới chuyên gia, lần này, Triều Tiên cùng lắm chỉ có thể phải đối mặt với sự lên án của quốc tế chứ khó có thể bị áp dụng các biện pháp trừng phạt mới. 

Thời gian qua, Triều Tiên đã kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc loại bỏ các cuộc tập trận quân sự và thậm chí còn gợi ý họ có thể dỡ bỏ việc đình chỉ thử nghiệm tên lửa tầm xa và hạt nhân trong 20 tháng để đáp trả. Nhưng cả Washington và Seoul đều tỏ ý không quan tâm đến. 

Vì thế, trước khi phóng thử tên lửa, Triều Tiên đã công bố những bức ảnh về một tàu ngầm mới có khả năng được sử dụng để phóng vũ khí hạt nhân. Thậm chí, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên Kim Su-gil còn tuyên bố, Bình Nhưỡng sẽ tấn công không thương tiếc những kẻ có ý định xâm chiếm lãnh thổ Triều Tiên… 

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA viết, những vụ phóng tên lửa này nhằm gửi lời cảnh báo tới "những người theo chủ nghĩa quân phiệt" ở Hàn Quốc đang thúc đẩy triển khai các vũ khí mới trên lãnh thổ Hàn Quốc và tiến hành các cuộc tập trận quân sự. KCNA nêu rõ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên cần phát triển các hệ thống vũ khí siêu mạnh để loại bỏ các nguy cơ tiềm tàng và trực tiếp đe dọa an ninh của quốc gia này.

Bức ảnh mới hé lộ về tàu ngầm hiện đại của Triều Tiên. Ảnh: Getty

Theo các nhà phân tích, Triều Tiên đang cố gắng giành thế thượng phong trước khi có thể nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân. Bình Nhưỡng muốn các biện pháp trừng phạt rộng rãi để có thể hồi sinh nền kinh tế đang bị hủy hoại. Còn giới chức Mỹ thì yêu cầu Triều Tiên phải thực hiện các bước quan trọng đối với việc giải giáp trước khi họ từ bỏ đòn bẩy do lệnh trừng phạt cung cấp. 

Adam Mount, đến từ Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ thì cho rằng, vụ phóng tên lửa mới và những hình ảnh hé lộ về tàu ngầm hiện đại là dấu hiệu cho thấy kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang được nâng cấp và thử nghiệm theo lộ trình. 

Cũng theo Adam Mount thì sau cuộc gặp đầu tiên với giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5-2018, Triều Tiên vẫn tiếp tục nâng cấp công nghệ quốc phòng của mình và các cuộc phóng tên lửa chỉ là một phần trong kế hoạch lớn hơn của chương trình tên lửa tiên tiến của quốc gia Đông Bắc Á này. Adam Mount chỉ rõ: "Triều Tiên từng nhiều lần công bố kế hoạch hiện đại hóa hệ thống quốc phòng. Vụ phóng tên lửa này chỉ là một phần của kế hoạch và đã được chuẩn bị từ trước"… 

Tuy nhiên, phần đông các nhà phân tích đều nghiêng về giả thuyết, việc phóng các tên lửa trong bối cảnh các mâu thuẫn về kế hoạch tập trận và Triều Tiên công bố loại tàu ngầm mới cho thấy Bình Nhưỡng đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng sẽ không có cuộc làm việc cấp chuyên viên nào diễn ra nếu Mỹ không thể hiện một lập trường cởi mở hơn. 

Khánh Chi
.
.
.