Cú ra đòn quyết định xóa sổ băng nhóm tộm phạm xã hội đen

Thứ Sáu, 22/07/2016, 16:10
Đấu tranh với các ông trùm tội phạm, cầm đầu băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen luôn là thử thách cam go nhưng cũng đầy "phấn khích" đối với các chiến sĩ Cảnh sát hình sự.

Với các anh, giải được bài toán càng khó, càng nâng cao được bản lĩnh cũng như kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm. Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân bao giờ cũng là ngày đặc biệt đối với chúng tôi - những phóng viên theo dõi mảng nội chính. Vì chúng tôi lại được gặp, được nghe nhiều câu chuyện phá án, mà không có một người kể chuyện nào hay hơn, thuyết phục hơn từ chính các anh - những người trực tiếp tham gia bắt giữ tội phạm. 

Người kể chuyện triệt phá băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen ở vùng đất Kinh Môn, Hải Dương nhân ngày truyền thống đặc biệt này là Đại tá Cao Ngọc Lan - nguyên Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương.

Cho đến bây giờ, khi mà Luận “sẻ”, tức Lương Nguyễn Tiến Luận, trùm giang hồ đất Kinh Môn, Hải Dương đã nằm im thở khẽ trong trại giam thì những dư âm mà Luận cũng như đám đầu trâu mặt ngựa dưới trướng của hắn gây ra vẫn là nỗi khiếp sợ của nhiều người dân lương thiện nơi đây. 

Từ năm 2009, Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với Công an TP Hải Phòng, Quảng Ninh và Cục Cảnh sát Hình sự (C45) đấu tranh chuyên án triệt phá các băng nhóm đối tượng sử dụng vũ khí nóng gây án trên địa bàn 3 địa phương: Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, đã lần lượt làm tan rã 3 băng nhóm, nhưng riêng băng nhóm do Luận “sẻ” cầm đầu vẫn lọt lưới. 

Luận “sẻ” sinh năm 1978, hộ khẩu ở thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, nhưng lại sinh sống ở Mạo Khê, Đông Triều (Quảng Ninh). Hắn từng có 2 tiền án và nhiều tiền sự. Luận cầm đầu khoảng 50 đàn em hoạt động cướp tài sản, bảo kê, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn, sử dụng vũ khí nóng để dằn mặt các băng nhóm khác, tranh giành lãnh địa hoạt động…

Đồng chí Cao Ngọc Lan kể lại những kỷ niệm đánh án với PV Chuyên đề CSTC.

“Sở dĩ khi đó, Công an tỉnh Hải Dương chưa xử lý được Luận “sẻ” vì chúng hoạt động rất tinh vi, quần chúng không dám tố giác và người bị hại lại rút đơn trong vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra ở Đông Triều, Quảng Ninh, mà Luận là thủ phạm. Sau khi thoát khỏi chuyên án này, Luận càng hoạt động liều lĩnh, trắng trợn hơn. Hắn đã thành lập công ty với giấy phép kinh doanh trên 40 lĩnh vực, toàn những dịch vụ nhạy cảm như: dịch vụ bảo vệ, nhà hàng, khách sạn, khai thác khoáng sản, vận tải thủy bộ…” – Đại tá Cao Ngọc Lan nói.

Từ khi thành lập công ty, Luận “sẻ” chỉ đạo đàn em sử dụng vũ lực để cạnh tranh hoặc tấn công, đe dọa các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nếu không theo ý chúng. Quần chúng nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp vô cùng bức xúc, cuối năm 2011 thì đơn thư tố cáo các hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản của các chủ phương tiện, trộm cắp nguyên vật liệu của các doanh nghiệp, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật mà băng nhóm Luận “sẻ” gây ra được gửi tới Công an tỉnh Hải Dương và cả Cục C45 nhiều tới mức Ban giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đứng ngồi không yên.

Nghiên cứu băng nhóm do Luận “sẻ” cầm đầu, Công an tỉnh Hải Dương phát hiện một trăm phần trăm các đối tượng đều sử dụng ma túy tổng hợp, đa số có tiền án tiền sự, số còn lại không công ăn việc làm được Luận nuôi và sử dụng vào các công việc phạm pháp. Dưới hình thức lập công ty, Luận phân công công việc rõ ràng cho đàn em. 

Theo đó, Hùng “râu”, tức Trần Văn Hùng chịu trách nhiệm hoạt động khai thác than, khoáng sản trái phép, đâm thuê chém mướn, cưỡng đoạt tài sản của lái xe chở than, nguyên vật liệu; Trần Duy Hòa và Phạm Minh Thế chịu trách nhiệm hoạt động cưỡng đoạt tiền của người thu mua phế liệu, sắt vụn và lái xe ôtô chở than, chở nguyên vật liệu trên các địa bàn Uông Bí, Đông Triều (Quảng Ninh), Kinh Môn (Hải Dương). 

Riêng Luận “sẻ” trực tiếp cùng Nguyễn Tiến Dũng điều hành 15 đối tượng ăn ở tại trụ sở công ty, chịu trách nhiệm hoạt động khai thác than, khoáng sản trái phép, đâm thuê chém mướn, dằn mặt các đối tượng ở các băng nhóm khác để gây thanh thế, bảo kê nhà hàng, khách sạn, các doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu cho các nhà máy sản xuất xi măng, sắt thép, chế biến khoáng sản, đòi nợ thuê, siết nợ, cưỡng đoạt tài sản…

“Trong bất cứ một trận đánh nào, việc ra đòn quyết định sẽ có ý nghĩa mang đến sự thắng lợi cho ban chuyên án. Với Luận “sẻ”, chúng tôi đã chọn đúng điểm để đột phá. Đó là vụ hắn tổ chức cho đàn em bắt chị Lục Thị Mai Nhung, ở thị trấn Phú Thứ, đưa về UBND thị trấn Minh Tân đánh đập. 

Tối hôm đó, tôi và đồng chí Thượng tá Mai Thế Oanh - Phó phòng Hình sự đang xuống hiện trường điều tra một vụ cướp thì nhận được điện thoại của đồng chí Điệp - Trưởng phòng Hình sự thông báo, Luận "sẻ" đang cùng đàn em bắt giữ người trái pháp luật và xin ý kiến chỉ đạo. 

Tôi xác định đây là thời cơ để phá án nên nhanh chóng chỉ đạo anh em lập 3 tổ công tác, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh, triệu tập đối tượng liên quan để đấu tranh khai thác ngay trong đêm. Khám xét khẩn cấp nhà các đối tượng, tổ công tác đã thu giữ được nhiều hung khí nguy hiểm như dùi cui điện, đạn AK, dao phóng lợn, tuýp sắt..." - Đại tá Cao Ngọc Lan kể lại.

Ở vụ bắt giữ chị Lục Thị Mai Nhung, Luận "sẻ" đã chỉ đạo đàn em đi ôtô đến tận nhà nạn nhân, ép chị Nhung lên xe, chở đến UBND thị trấn Minh Tân đánh đập. Luận cho rằng nạn nhân đã nói xấu, vu khống vợ chồng mình nên mục đích của hắn là hạ thấp danh dự, uy tín của nạn nhân và làm cho chị này mất hết khả năng tự vệ, hắn muốn dạy cho nạn nhân một bài học để từ nay về sau không dám động chạm gì đến vợ chồng hắn.

Khi Đại tá Cao Ngọc Lan cùng đồng đội xuống hiện trường đã thấy người dân tập trung rất đông, đồng bọn của Luận "sẻ" cũng đứng đó, đe dọa người nhà nạn nhân. Ngay lập tức, Luận "sẻ" được "mời" về Công an huyện Kinh Môn làm việc. Hắn vẫn tỏ thái độ thách thức, ngông nghênh mà không hề biết rằng, từ giờ phút đó, hắn tạm thời bị cách ly với xã hội để phục vụ việc điều tra của cơ quan Công an về những hành vi phạm pháp hắn cùng đồng bọn đã gây ra, không chỉ trong vụ bắt giữ người trái pháp luật.

Ngày hôm sau, đích thân Đại tá Cao Ngọc Lan xuống "nói chuyện" với Luận "sẻ". Luận rất tự tin, trình bày tất cả những thông tin có lợi cho hắn. Hắn tự tin vì nghĩ đằng sau mình có nhiều người thân thiết chống lưng. Đến ngày hôm sau thì cả tỉnh Hải Dương đồn ầm lên việc gia đình Luận "sẻ" đã mang 10 tỷ đồng đến để "chuộc" hắn ra. 

Một cuộc họp khẩn được triệu tập, chủ trì là Giám đốc Công an tỉnh - Đại tá Bùi Mậu Quân, tinh thần cuộc họp là quyết tâm trong thời gian sớm nhất phải truy bắt bằng được đồng bọn của Luận "sẻ", dựng lại các vụ án hắn và đồng bọn đã gây ra, đồng thời động viên các nạn nhân dũng cảm viết đơn tố cáo hắn. 

Cuộc họp thống nhất sẽ bắt Luận "sẻ" tại nhà hắn. Điều này đã trấn an được tâm lý hoang mang lo ngại của người dân Kinh Môn khi lâu nay họ luôn nghĩ rằng, pháp luật sẽ không bao giờ sờ gáy hắn. Khỏi phải nói người dân mừng rỡ như thế nào, họ tràn ra đường, hoan hỉ chờ đợi giây phút xe đặc chủng của Cảnh sát đưa hắn đi.

Đến ngày thứ ba thì Luận không còn tự tin nữa. Khi bị "bốc" về Phòng PC45 thì hắn biết rằng, tội lỗi của hắn từ đây sẽ được làm rõ. Những ngày sau đó, các cán bộ kỳ cựu nhất của PC45 như Thượng tá Tâm, Thượng tá Oanh đã trực tiếp hỏi cung hắn. Nhưng cũng phải 2 tháng sau thì Luận "sẻ" mới thực sự tâm phục khẩu phục.

Đại tá Cao Ngọc Lan nhận sổ hưu được 2 năm nay, nhưng đời binh nghiệp của ông chưa hề gác lại. Anh em Phòng PC45 Công an tỉnh vẫn coi ông là chỗ dựa tinh thần, là nơi tin cậy để trao đổi nghiệp vụ và những lúc rảnh rỗi, ông vẫn cùng anh em hàn huyên bên chén trà mạn, nhắc lại những chuyên án đã khám phá. 

Chiều chiều, người dân quanh khu vực gia đình ông sinh sống lại thấy ông thong thả đạp xe, vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa có dịp quan sát, chiêm nghiệm nhân tình thế thái. 

Ông bảo, khám phá bất cứ vụ án nào cũng cần có sự đoàn kết một lòng từ thủ trưởng tới trinh sát. Bất cứ khâu nào hở sẽ là trở ngại cho sự thành công. Quan trọng hơn, thủ trưởng phải tin anh em, tạo cơ hội cho anh em thể hiện hết năng lực nghiệp vụ, thậm chí, phải coi anh em như chân với tay vậy.

Hiền Mai
.
.
.