Cuộc “Chiến tranh dầu mỏ” mới

Thứ Bảy, 21/03/2020, 20:53
Cùng với đại dịch COVID-19, thế giới đã xuất hiện hình bóng của một cuộc chiến tranh mới về dầu mỏ. Tình trạng sản xuất bị đình trệ tại Trung Quốc do dịch viêm phổi Covid-19 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên thị trường dầu mỏ.


Ngày 6/3, thế giới đã chứng kiến sự tan vỡ của thỏa thuận mang tên là “OPEC+” bấy lâu nay vẫn gắn kết nhóm các thành viên của OPEC, đứng đầu là Saudi Arabia với nhóm “không- OPEC” đứng đầu là Nga. Kể từ nay mọi logic trên thị trường dầu lửa đã thay đổi.

Thất bại của cuộc gặp tại Vienna

Cuộc họp tại Vienna ngày 6/3 vừa qua có mục đích tìm ra giải pháp chung để đối phó với tình trạng giá dầu sụt giảm do Trung Quốc giảm nhu cầu về dầu mỏ cũng như tình trạng sản xuất đang bị đình đốn ở khắp nơi trên thế giới.

Với cuộc chiến tranh về giá dầu mỏ mới nổ ra, dường như “kỷ nguyên vàng” đối với ngành khai thác dầu đá phiến ở Mỹ đã kết thúc.

Alexandre Novak, Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Nga đã giội một gáo nước lạnh khi tuyên bố với những người đồng cấp tham dự cuộc họp rằng nước Nga ủng hộ việc duy trì sản lượng như hiện nay cho đến tận tháng 6, thời điểm theo họ là thích hợp để áp dụng những cắt giảm sâu hơn.

Trước đó, ngày 5/3, các bộ trưởng của OPEC, dưới sự lãnh đạo của Saudi Arabia đã đề nghị phía Nga cắt giảm 1,5 triệu thùng dầu thô/ngày, tương ứng với sự sụt giảm nhu cầu gây ra bởi tác động của COVID-19. Vài giờ sau đó OPEC một lần nữa lại gây áp lực lên phía Nga khi đề nghị cắt giảm ngay lập tức sản lượng dầu khai thác. Tuyên bố này của Alexandre Novak hiển nhiên là một lời từ chối đề nghị của OPEC.

Bất chấp các nỗ lực của Tổng thư ký của OPEC Mohammad Barkindo nhằm cứu vãn tình thế, thị trường dầu lửa ngay lập tức đã chìm vào khủng hoảng. Giá dầu thô Brent tại London đã rơi xuống giá 35 đôla/ thùng, giảm tới 45%. Trong 3 năm qua, Tổng thống Vladimir Putin đã giữ nước Nga nằm trong liên minh “OPEC+” để hạn chế sản lượng dầu khai thác và hỗ trợ giá dầu.

Liên minh này là yếu tố quyết định giúp cho nước Nga thoát khỏi cơn khủng hoảng gây ra bởi sự lao dốc đột ngột của giá dầu vào năm 2015. Ngoài việc hỗ trợ cho ngân sách của nước Nga, việc tham gia liên minh này cũng đem tới những thắng lợi quan trọng cho nước Nga về chính sách đối ngoại.

Nga đã tạo lập được một quan hệ tốt đẹp với nhà lãnh đạo mới của Saudi Arabia, hoàng tử kế vị Mohammed ben Salmane. Chính vì thế các nhà quan sát vẫn đang tự hỏi vì sao lần này nước Nga lại đột ngột muốn hủy hoại mối quan hệ đó?

Bế tắc hiện nay là cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ năm 2016, thời điểm khi Saudi Arabia, Nga và hơn 20 nước khác đã tổ chức ra nhóm “OPEC+”. Nhóm này đã kiểm soát hơn nửa lượng dầu mỏ thế giới, hỗ trợ về giá và định hình lại bản đồ địa chính trị vùng Trung Đông.

Nếu giá dầu tiếp tục xuống thấp, việc cổ phần hóa Aramco, “người khổng lồ” trong ngành dầu khí Saudi Arabia sẽ có nguy cơ bị thất bại.

Nhưng tất cả giờ đây đều lâm vào khủng hoảng. Nếu Saudi Arabia chấp nhận đối đầu với Nga trong cuộc chiến giảm giá dầu lần này họ sẽ mất nhiều hơn được vì nhu cầu một giá dầu lửa cao của Saudi Arabia để bảo đảm cân bằng ngân sách là bức thiết hơn rất nhiều so với Nga.

Xung đột Nga-Mỹ

Thỏa thuận “OPEC +”, ký kết từ năm 2016 đã gián tiếp giúp sức cho ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, bởi ngành này cần bán dầu ra với giá trên 50-60 đô la/ thùng. Tuy nhiên, Nga hiện đang xung đột với Mỹ về nhiều mặt. Nước Nga tố cáo chính quyền của Tổng thống Trump đã sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị và kinh tế.

Người Nga đặc biệt cảm thấy khó chịu với việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn bằng mọi giá việc Nga hoàn thành dự án dòng chảy “Phương Bắc 2”, kết nối các mỏ khí từ Siberia đến Đức và các nước Tây Âu. Tuy Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn này nhưng không làm thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của nước Nga về những chính sách mang tính “bá quyền” của Mỹ.

Việc Mỹ cản trở các hoạt động của Công ty Dầu khí Rosneft của Nga tại Venezuela càng làm tăng thêm nỗi bực bội này. Quyết định lần này của Nga hy sinh thỏa thuận “OPEC+” chính là sự đáp trả cho những chính sách “gây hấn” của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng.

Thỏa thuận “OPEC+” cũng chưa bao giờ nhận được sự đồng thuận trong giới lãnh đạo ngành Dầu khí Nga. Igor Setchine, ông chủ đầy quyền lực của Rosneft, một đồng minh thân thiết lâu năm của Tổng thống Putin dường như phản đối thỏa thuận này. Các nhà phân tích chính trị tại Moscow thì cho rằng địa vị của Hoàng tử kế vị Mohammed ben Salmane là rất bấp bênh và có thể bị lật đổ bất cứ lúc nào.

Với cơ sở hạ tầng tốt đã cho phép các công ty dầu khí Nga sản xuất dầu với chi phí thấp nhất thế giới.

Quyết định chấp nhận những mạo hiểm khi đối đầu với Saudi Arabia trong một cuộc chiến tranh dầu mỏ nhằm đẩy giá dầu lao xuống dốc và hạ gục ngành khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã được đưa ra trong một cuộc họp giữa Tổng thống Putin và những quan chức cao cấp của ngành Dầu khí Nga ngày 29-2-2020.

Với quyết định rút khỏi liên minh của “OPEC+”, nước Nga nhắm tới hai mục đích. Thứ nhất là dồn các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ vào tình thế khó khăn. Chúng ta đều biết rằng các công ty sản xuất dầu đá phiến cỡ nhỏ cần phải bán được với giá từ 50 đến 60 đô la/ thùng mới đủ bù đắp cho những chi phí và nợ vay ngân hàng (những khoảng vay này thường chiếm tới 90% vốn của công ty).

Tính tới số lượng dầu đã dự trữ, nước Nga có thể duy trì giá bán 30 đô la/thùng  trong một thời gian dài. Nhưng với giá này, các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ có quy mô nhỏ và những ngân hàng đã ứng vốn cho họ sẽ gặp phải những khó khăn rất lớn.

Không loại trừ một mục đích thứ hai trong chiến lược của nước Nga. Bắt đầu từ ngày 8-3, Saudi Arabia đã tung ra một chiến dịch phản công mạnh mẽ để đối đầu với Nga trong việc giảm giá dầu, như vậy họ đã dấn thân vào một cuộc chiến tranh dầu lửa khốc liệt nhất kể từ 30 năm nay.

Công ty Dầu mỏ Aramco của Saudi Arabia đã đưa ra một quyết định chưa hề có tiền lệ:  giảm ngay lập tức từ 6 đến 8 đô la/thùng dầu không chỉ đối với khách hàng châu Á mà cả châu Âu và Mỹ nhằm khuyến khích họ mua dầu của mình. Ngay lập tức những nhà xuất khẩu dầu trong vùng như Kuwait hay Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất cũng áp dụng một chính sách rập khuôn như vậy.

Saudi Arabia đang cần tiền một cách tuyệt vọng. Ngân sách của nước này chỉ có thể cân bằng một khi giá dầu neo ở một mức cao (hơn hẳn mức giá mà nước Nga cần tới). Thắng lợi hay thất bại trong việc cổ phần hóa hãng dầu lửa Aramco cũng phụ thuộc mật thiết vào việc giá dầu cao hay thấp.

Còn nước Nga, khi chủ động châm ngòi cho một cuộc chiến tranh dầu lửa thông qua việc hạ giá, họ đã chuẩn bị những biện pháp phòng vệ như thế nào để có thể giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế?

Những lợi thế của công nghiệp dầu khí Nga

Với một chi phí sản xuất thấp nhất trên thế giới, một chế độ thuế linh hoạt và việc thả nổi đồng rúp, các công ty Nga được trang bị các công cụ phòng vệ đặc biệt tốt để có thể đối phó với tình trạng giá dầu ở mức thấp trong một khoảng thời gian dài. Họ có thể cầm cự mà không quá khó khăn khi giá dầu xuống tới mức 15-20 đô la/ thùng.

Một cơ sở hạ tầng tốt, một hệ thống đường sắt, hệ thống đường ống dẫn dầu vận hành rất hiệu quả là điều kiện tiên quyết cho phép các công ty dầu khí Nga hoạt động với chi phí rất thấp. Năm ngoái, các công ty dầu lửa Rosneft PJSC, Gazprom Neft PJSC và Công ty tư nhân Lukoil PJSC chỉ phải chi ra dưới 4 đô la để khai thác một thùng dầu.

Khai thác dầu chỉ mới là công đoạn đầu, còn phải tính đến khâu xuất khẩu dầu nữa, lúc này hệ thống hạ tầng giao thông vận tải sẽ trở thành yếu tố quyết định. Chi phí vận chuyển ở Nga cho mỗi thùng dầu sẽ dao động trong khoảng từ 4- 5 đô la. Chi phí về vốn và chi phí quản lý sẽ khoảng 6-8 đô la, như vậy tổng chi phí sẽ khoảng 20 đô la/thùng. Trong trường hợp đồng rút bị mất giá (điều này đã xảy ra), chi phí sản xuất một thùng dầu tính theo đô la sẽ lại càng rẻ hơn.

Nước Nga cũng có một hệ thống thuế được thiết kế tốt và rất linh hoạt tạo ra những công cụ để phòng thủ tránh cho các doanh nghiệp bị thương tổn. Mức dao động của thuế không tính theo sự dao động của giá dầu thô, mà được tính dựa vào độ chênh lệch giữa giá “quan sát” và giá “tham chiếu”, do đó thuế chủ yếu đánh vào biên lợi nhuận của dầu, một cách tính rất linh hoạt và có lợi cho các công ty dầu khí.

Lợi thế cuối cùng đó là việc các công ty dầu khí thường có thu nhập được tính bằng đô la Mỹ hay các ngoại tệ mạnh khác như euro hay yên Nhật Bản trong khi các khoản chi của họ lại chủ yếu bằng đồng rup. Vì thế các công ty dầu khí của Nga còn được bảo vệ bằng một hệ thống tỷ giá hối đoái rất linh hoạt do Ngân hàng Trung ương ấn định.

Sự mất giá của đồng rup so với đô la Mỹ vì thế càng tăng cường sức mạnh cho các công ty trong việc đầu tư cũng như trong các việc chi trả kinh phí sản xuất. Nhờ đó Công ty Dầu khí Rosneft (thuộc nhà nước) đã tăng khoản đầu tư bằng rup lên tới 66% để đổi mới hệ thống sản xuất trong khi các đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài thời gian này đều có xu hướng “thắt lưng buộc bụng”,  giảm chi tiêu.

Trong cuộc chiến tranh về  giá dầu lần này, nước Nga đã có những ưu thế hơn hẳn các đối thủ là Mỹ và Saudi Arabia, điều đó giải thích vì sao nước Nga đã rất tự tin để khơi mào cuộc chiến.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.