Cuộc chiến chống khủng bố đã phá sản?

Thứ Ba, 11/04/2017, 11:06
Hơn 15 năm sau khi (cựu) Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố khởi động cuộc chiến tranh chống khủng bố nhằm tiêu diệt những phần tử khủng bố trên khắp thế giới, những vụ tấn công khủng bố vẫn xảy ra ngày càng nhiều, mới nhất là vụ khủng bố đẫm máu tại tòa nhà Quốc hội Anh và vụ xả súng ở Mỹ trong tháng 3 vừa qua.


Hơn một thập niên chiến tranh với nhiều cuộc chiến, hàng triệu người chết và hàng ngàn tỷ USD bị tiêu tốn nhưng thế giới lại ít an toàn hơn, người dân lo lắng hơn. Có lẽ đã đến lúc phải nhìn nhận một thực tế đáng thất vọng rằng cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động hơn 15 năm qua đã hoàn toàn thất bại.

Khủng bố tăng 4 lần

Mới đây, Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) đã công bố Chỉ số Khủng bố toàn cầu (Global Terrorist Index). Theo đó, số các vụ khủng bố trên thế giới đã tăng vùn vụt kể từ khi Mỹ phát động chiến tranh chống khủng bố. Cụ thể, nếu năm 2002 có 982 vụ khủng bố trên toàn thế giới, thì năm 2011 có đến 4.564 vụ.

Và số người chết hàng năm cũng liên tục tăng cao. Đỉnh điểm là năm 2007, với số người chết vì khủng bố lên đến 10.009 người. Đó cũng là năm cuộc chiến của Mỹ ở Iraq khá khốc liệt. Con số này đã giảm còn 7.473 người vào năm 2011.

Iraq, Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ và Yemen là những nước bị ảnh hưởng khủng bố nặng nhất trong những năm qua, dựa trên số vụ tấn công, số người chết và bị thương, cũng như thiệt hại vật chất trong các vụ khủng bố.

Steve Killelea, sáng lập viên kiêm Chủ tịch IEP, cho biết: “Sau vụ 11-9, hoạt động khủng bố giảm xuống mức trước những năm 2000 cho đến khi Mỹ tiến hành đánh chiếm Iraq. Kể từ đó, khủng bố gia tăng nhanh chóng. Iraq có tới khoảng 1/3 người chết vì các vụ khủng bố trong 10 năm kể từ 2001. Và 3 nước Iraq, Pakistan, Afghanistan chiếm hơn 50% số người chết”.

Trong vòng 10 năm sau vụ 11-9, số vụ tấn công khủng bố trên toàn cầu tăng 460%, số người chết tăng 195% và số người bị thương tăng 224%. Các vụ tấn công ở cả Afghanistan và Pakistan chỉ gia tăng kể từ sau cuộc chiến Iraq, cùng với đó là việc NATO triển khai nhiều chiến dịch quân sự và có sự tiếp tay của Chính phủ Pakistan, theo báo cáo của IEP.

“Điều này cho thấy các thế lực nước ngoài cần cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi can thiệp quân sự, cho dù là ở những nước như Syria” - ông Killelea nói. Ông cho rằng trừ phi xung đột dẫn tới một kết thúc nhanh chóng, nếu không khủng bố sẽ gia tăng.

Chỉ số Khủng bố lấy dữ liệu từ Global Terrorism Database do Đại học Maryland thu thập. Trong số 158 nước được theo dõi, chỉ 31 nước không hề có vụ khủng bố nào xảy ra từ năm 2001.

Dân tình hoang mang

Điều đáng nói, trong khi số người bị giết vì khủng bố khoảng chục ngàn người, thì số người bị giết vì chiến tranh chống khủng bố lại lên tới hàng triệu người. 

Theo ước tính của Tổ chức Physicians for Social Responsibility, từ năm 2002 đến tháng 3-2015, số người bị giết trực tiếp và gián tiếp trong cuộc chiến chống khủng bố lên tới 1 triệu người ở Iraq, 220.000 người ở Afghanistan và 80.000 người ở Pakistan, tổng cộng 1,3 triệu người. Tuy nhiên, một số ước tính khác cho rằng con số thực sự lên tới gần 2 triệu người.

Và theo Cục Báo chí điều tra, số người chết vì các vụ tấn công bằng máy bay không người lái (drone) của liên quân chống khủng bố lên tới hơn 7.000 người. Mà như đã biết, các vụ tấn công bằng drone chủ yếu vào dân thường.

Có lẽ đó là lý do vì sao một khảo sát của Lầu Năm góc tại Afghanistan cho thấy đa số dân chúng cảm thấy ít an toàn hơn thời dưới quyền cai trị của Taliban. Trong khi đó, tại đồng minh lớn của Mỹ là châu Âu, khảo sát cũng cho thấy điều tương tự.

Theo khảo sát của Sputnik.Mneniya, đa số người Đức (74%), Pháp (65%) và Ý (63%) cho rằng các biện pháp chống khủng bố của Mỹ sau cuộc tấn công ngày 11-9 đã không tăng cường an ninh trên thế giới, mà ngược lại khiến châu Âu bị tấn công nhiều hơn. Điều này cũng diễn ra tại Mỹ, nơi khơi mào cuộc chiến tranh.

Khảo sát của Hội đồng Quan hệ toàn cầu Chicago cho biết có tới 42% người Mỹ cho rằng họ thấy ít an toàn hơn trước kia. Trong khi đó, khảo sát của trang Debate.org với độc giả tiếng Anh toàn cầu cho thấy có đến 64% tin rằng thế giới ít an toàn hơn.

Làm gì để giảm khủng bố không cần chiến tranh?

Các chuyên gia cho rằng có nhiều cách để chấm dứt cuộc chiến chống khủng bố nhưng vẫn giảm được khủng bố. Thứ nhất, cần chấm dứt hỗ trợ khủng bố. Đặc biệt, Mỹ bị chỉ trích đã cấp vũ trang cho những nhóm bạo động cực đoan ở Trung Đông, như một phần của chiến lược địa chính trị nhằm lật đổ những lãnh đạo mà họ không vừa mắt, như ở Syria.

Họ trực tiếp cấp vũ khí và hỗ trợ cho những kẻ giết người, bắt cóc, tra tấn và triển khai luật Sharia bằng họng súng. Nhưng thật lạ là họ đang đánh đuổi những người Ả-rập ôn hòa, những người giúp ổn định khu vực và phủ nhận thánh chiến. Đồng minh của Mỹ chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tạo ra và cung cấp tài lực cho IS.

Thứ hai, không hỗ trợ cho các chính phủ độc quyền chuyên tài trợ khủng bố.  Saudi Arabia là nhà tài trợ lớn nhất thế giới cho Hồi giáo cực đoan. Chính phủ Saudi đã ủng hộ IS và nhiều tổ chức khủng bố chết chóc khác. Và những thông điệp trên Twitter ủng hộ IS xuất phát nhiều nhất từ Saudi Arabia.

Theo Ủy viên đặc trách kiêm đồng Chủ tịch Ban Điều tra vụ 11-9 của Quốc hội Mỹ,  Chính phủ Saudi hỗ trợ những tên không tặc 11-9.  Các tài liệu giải mật gần đây cũng củng cố điều này. Và vị vua mới của Saudi có quan hệ với Al Qaeda, Bin Laden và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.

Saudi Arabia là “chủ nhà” của những tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan nhất thế giới, Salafis (cả ISIS và Al-Qaeda gọi là Salafis). Và người Saudi, với sự ủng hộ của Mỹ, chống lưng cho các trường học Hồi giáo cực đoan “madrassas”, nơi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan được truyền bá.

Và Mỹ cũng đã và đang hỗ trợ quân đội Saudi, với tình báo của NSA trong suốt 70 năm qua. Họ cũng bán cho Saudi một lượng lớn vũ khí, và không đưa Saudi vào quốc gia bị hạn chế nhập cảnh.

Ngoài ra, các chuyên gia chống khủng bố hàng đầu của Mỹ cho rằng việc Nhà Trắng ủng hộ những nước tàn bạo và độc tài ở Trung Đông, như Saudi Arabia, là một trong những động cơ lớn nhất cho khủng bố Ả-rập.

Mỹ và NATO cũng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, là nước bị cho là đang hỗ trợ lớn cho IS, cung cấp vũ khí hóa học dùng trong thảm sát dân thường, và chỉ đánh bom IS ở lãnh thổ đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ là khu vực người Kurd.

Các chính phủ độc tài được Mỹ hỗ trợ ở Qatar và Bahrain cũng tài trợ rất lớn cho IS. Vì vậy, giới phân tích cho rằng nếu ngừng hỗ trợ các nhà nước ở Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Bahrain, Mỹ sẽ giảm được 2 lần số khủng bố.

Thứ 3, chấm dứt đánh bom và xâm lược để ngồi vào bàn đàm phán. Mỹ từng bác bỏ đề nghị đầu hàng của Afghanistan, Iraq và Syria..., thay vào đó đã tiến hành chiến tranh. Có lẽ họ cho rằng chiến thắng những nước đó quá dễ dàng, dù họ có đầu hàng hay không. Nhưng các chuyên gia an ninh đều đồng ý rằng tiến hành chiến tranh ở Trung Đông chỉ làm suy yếu an ninh quốc gia và gia tăng khủng bố.

Chẳng hạn, James K. Feldman, cựu giáo sư tại Viện Kỹ thuật không quân Mỹ, và nhiều chuyên gia khác thừa nhận hành động xâm chiếm nước ngoài là lý do chính yếu dẫn tới khủng bố. Vì vậy, thay vì gây chiến tranh, tốt hơn nên ngồi vào bàn đàm phán bất cứ khi nào có thể.

Bàng Cương
.
.
.