Cuộc chiến chống tham nhũng tại Bulgaria

Thứ Bảy, 06/01/2018, 14:07
Vì là quốc gia nghèo nhất trong Liên minh châu Âu (EU), nhưng Bulgaria lại là một trong những nước có chỉ số tham nhũng cao nhất của khối này, nên dư luận đặc biệt quan tâm tới việc phủ quyết Luật Chống tham nhũng hôm 2-1 của Tổng thống Rumen Radev. Bởi theo Tổng thống Rumen Radev, luật này không hỗ trợ điều tra hiệu quả các mạng lưới tham nhũng.


Tổng thống Rumen Radev cho rằng luật chống tham nhũng không những không mang lại cơ sở pháp lý phù hợp để chống tham nhũng, mà còn gây ra nhiều khó khăn. Và điều đáng nói là các điều khoản trong luật đi ngược lại với Công ước Luật Dân sự của Hội đồng châu Âu về tham nhũng, bảo vệ người tố giác tham nhũng.

Bên cạnh đó, việc thành lập một đơn vị mới là chưa đủ để có thể giải quyết tận gốc vấn đề và đơn vị này sẽ nhanh chóng bị quá tải, chưa kể việc Quốc hội lựa chọn 5 thành viên trong cơ quan chống tham nhũng mới có thể gây ra nguy cơ can thiệp chính trị.

Thủ tướng Boyko Borissov.

Và quyết định của ông Rumen Radev được đưa ra sau khi Quốc hội Bulgaria đã thông qua Luật Chống tham nhũng hôm 20-12-2017. Theo giới chuyên môn, mặc dù Luật Chống tham nhũng quy định thành lập một đơn vị chống tham nhũng đặc biệt có quyền điều tra những người nắm giữ các chức vụ cao trong Nhà nước, đồng thời mở rộng danh sách các quan chức cấp cao trong diện bị đơn vị này kiểm tra thu nhập, tài sản và các mâu thuẫn lợi ích, nhưng lại bác bỏ việc tiếp nhận đơn tố giác tham nhũng nặc danh, cũng như bảo vệ những người tố giác.

Theo giới truyền thông, việc phủ quyết của ông Rumen Radev sẽ khiến Quốc hội Bulgaria phải xem xét lại Luật Chống tham nhũng, nhưng các nghị sỹ cũng có thể bác bỏ việc phủ quyết của Tổng thống, buộc ông phải ký ban hành luật ngay cả khi luật không có thay đổi nào.

Điều đáng nói là Tổng thống Rumen Radev đưa ra quyết định kể trên chỉ 1 ngày sau khi Bulgaria đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU. Và ban lãnh đạo EU đã nhiều lần nhắc nhở Bulgaria vì không truy tố và kết án các quan chức bị cáo buộc tham nhũng. Ủy ban châu Âu (EC) từng kêu gọi Bulgaria sửa đổi Luật Hình sự để "cải thiện khung pháp lý cho việc truy tố tham nhũng ở cấp cao và các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức".

Bởi tuy gia nhập EU 12 năm (2007-2018), nhưng cho đến nay chưa có 1 quan chức cấp cao nào của Bulgaria bị bắt giam với cáo buộc tham nhũng. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ tại thủ đô Sofia, 2014 là năm Bulgaria có số vụ hối lộ ở mức cao kỷ lục trong 15 năm qua, với việc trung bình mỗi tháng, các quan chức nhận tới 158.000 các khoản hối lộ khác nhau.

Tổng thống Rumen Radev.

Theo giới truyền thông, từ 1-1-2018, Bulgaria giữ ghế Chủ tịch luân phiên EU và kỳ vọng có thể cải thiện hình ảnh đất nước nhân dịp này. Ngoại trưởng Bulgaria Ekaterina Zaharieva cho biết, khẩu hiệu của nước chủ tịch luân phiên EU nhiệm kỳ này là "thống nhất làm nên sức mạnh".

Thủ tướng Boyko Borissov bày tỏ mong muốn thúc đẩy cải thiện mối quan hệ giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng quan trọng với 259km đường biên giới chung. Bởi nhiều nước thành viên EU từng triển khai lực lượng tới Serbia để chặn dòng người nhập cư vào châu Âu, sau khi có cáo buộc cảnh sát Bulgaria tiếp tay cho bọn buôn người.

Cáo buộc này đến từ một số người nhập cư - họ tố cáo cảnh sát Bulgaria làm tay trong cho bọn buôn người để đưa người vượt qua biên giới Bulgaria sang Serbia. Được biết, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới, dòng người di cư muốn nhập cảnh vào châu Âu phải qua Bulgaria để tới Serbia và một số "cảnh sát bẩn" Bulgaria đã tiếp tay cho hoạt động này.

Hơn 5 tháng trước (4-8-2017) Bulgaria đã thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử các vụ tham nhũng có liên quan đến thành viên Chính phủ, nghị sỹ và thị trưởng. Đây là một phần trong kế hoạch sửa đổi luật hình sự nhằm tăng cường vai trò của hệ thống tư pháp của Bulgaria.

Nhưng quyết định này vấp phải sự chỉ trích từ Liên đoàn Thẩm phán Bulgaria và từ các tổ chức phi chính phủ (NGO). Bởi họ lo ngại, quy chế riêng của tòa án đặc biệt có thể đồng nghĩa với các phán quyết mang động cơ chính trị, không giải quyết vấn đề thực sự vì thiếu các cuộc điều tra tham nhũng hiệu quả và đưa ra những cáo buộc thích đáng.

Hơn 2 năm trước (3-9-2015), Quốc hội từng bác bỏ (101/211 phiếu ủng hộ) dự Luật Chống tham nhũng do Chính phủ liên minh của Thủ tướng Boyko Borisov đề xuất. Bởi theo dự thảo luật này, Bulgaria sẽ lập ra một cơ quan chống tham nhũng ở cấp cao nhất để giám sát khoảng 10.000 quan chức cấp cao, trong đó có chính trị gia, thẩm phán và ủy viên hội đồng địa phương. Khi đó, Phó Thủ tướng Meglena Kouneva đã thất vọng trước "sự thiếu quyết tâm chống tham nhũng" tại Quốc hội.

Trọng Hậu
.
.
.