Cuộc chiến chống tham nhũng tại Ai Cập

Thứ Tư, 20/01/2016, 13:06
Đất nước kim tự tháp phải chứng kiến một cuộc chiến đang được hình thành sau tuyên bố của Chủ tịch Cơ quan Kiểm toán Trung ương Ai Cập (CAA) Hisham Geneina xung quanh số tiền tham nhũng lên tới mức 77 tỷ USD. Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi đã quyết định thành lập Ủy ban điều tra tham nhũng để làm rõ tuyên bố của ông Hisham Geneina. 


Tại phiên họp ngày 13-1, nhiều nghị sỹ thuộc liên minh Ủng hộ Ai Cập đã đề nghị Chủ tịch Quốc hội Ali Abdel-Al cho thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt trực thuộc Quốc hội để làm rõ tuyên bố của người đứng đầu CAA. Dự kiến Quốc hội Ai Cập sẽ mở cuộc điều tra trong tuần này và ông Hisham Geneina có thể phải giải trình xung quanh con số 77 tỷ USD. Bởi theo tuyên bố của Ủy ban điều tra tham nhũng, Chủ tịch CAA đã thổi phồng vấn đề tham nhũng ở Ai Cập và những thông tin do ông Hisham Geneina đưa ra đang làm tổn hại đến uy tín của Ai Cập.

Quốc hội mới của Ai Cập nhóm họp từ ngày 10-1.

Theo cáo buộc của ông Hisham Geneina, trong giai đoạn 2012-2015, tham nhũng đã khiến đất nước kim tự tháp thiệt hại khoảng 77 tỷ USD. Ngay sau tuyên bố của Chủ tịch CAA, ông Sameh Seif El-Yazal, lãnh đạo liên minh Ủng hộ Ai Cập cho biết, 50 nghị sỹ trong Quốc hội đã đề nghị Chủ tịch Quốc hội Ali Abdel-Al thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt trực thuộc Quốc hội, đồng thời yêu cầu ông Hisham Geneina phải điều trần trước Quốc hội về vấn đề này.

Nghị sỹ Mostafa Bakri thậm chí còn đề nghị Quốc hội có thể yêu cầu các cơ quan công tố mở cuộc điều tra xung quanh báo cáo tham nhũng của ông Hisham Geneina và Chủ tịch CAA nên ra đi bởi tuyên bố "vô trách nhiệm" của mình. Lãnh đạo liên minh Ủng hộ Ai Cập Sameh Seif El-Yazal và nghị sỹ Mostafa Bakri cùng nhiều nghị sỹ khác còn cho rằng, Chủ tịch CAA Hisham Geneina là người trung thành với Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) hiện đã bị cấm hoạt động sau chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hơn 2 năm trước (tháng 7-2013).

Trong khi đó, 25 nghị sỹ do Chủ tịch đảng Cải cách và Phát triển Tự do Anwar Esmat El-Sadat dẫn đầu lại đề nghị Chủ tịch Quốc hội Ali Abdel-Al phải bảo vệ Chủ tịch CAA Hisham Geneina. Hơn nửa tháng trước (28-12-2015), Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi đã quyết định thành lập Ủy ban điều tra tham nhũng để làm rõ những cáo buộc tham nhũng do dư luận phản ánh. Và ủy ban này do ông Hisham Genena lãnh đạo, cùng với sự tham gia với vai trò ủy viên của đại diện đến từ các Bộ Tư pháp, Nội vụ, Kế hoạch và Tài chính, cũng như Phó Chủ tịch Cơ quan Kiểm toán Trung ương Hisham Badawi. Ủy ban điều tra tham nhũng được thành lập sau khi 11 quan chức hàng đầu của Bộ Nông nghiệp, trong đó có Bộ trưởng Salah Helal, đã bị bắt tạm giam với cáo buộc tham nhũng hồi tháng 9-2015.

Theo giới truyền thông, tân Quốc hội đang tiến hành kỳ họp đầu tiên kéo dài 15 ngày, kể từ 10-1 và bất đồng giữa các đảng phái chính trị vẫn là chủ đề chính được dư luận quan tâm. Bởi trước đó, liên minh Ủng hộ Ai Cập tuy ủng hộ đương kim Tổng thống, nhưng lại không chấp nhận bất kỳ ứng cử viên nào trong danh sách 28 nghị sỹ được ông Abdel-Fattah El-Sisi chỉ định, để ứng cử vào chức Chủ tịch Quốc hội.

Khi đó, liên minh Ủng hộ Ai Cập đề cử nghị sỹ Ali Abdel-Al, 67 tuổi, Giáo sư luật, nguyên Ủy viên Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp mới năm 2014, là người đứng đầu cơ quan lập pháp mới. Trong khi đó, đảng Tương lai Tổ quốc (đảng có số đại diện nhiều thứ hai trong Quốc hội với 52 ghế), lại ủng hộ nghị sỹ Seri Siam, 74 tuổi, cựu thẩm phán, một trong 28 nghị sỹ được Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi chỉ định hôm 31-12-2015, làm Chủ tịch Quốc hội.

Trước đó (29-12-2015), Chánh án Tòa án Hiến pháp Tối cao Ai Cập Adly Mansour (từng là Tổng thống lâm thời sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi) đã từ chối tham gia danh sách 28 nghị sỹ do Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi chỉ định - từ chối làm Chủ tịch Quốc hội mới.

Ngoài 2 nhân vật kể trên, còn có ông Tawfik Okasha, nghị sỹ độc lập, chủ kênh truyền hình Maverick TV, và ông Osama El-Abd, cựu Chủ tịch trường Đại học El-Azhar, cũng tham gia cuộc đua giành ghế Chủ tịch Quốc hội. Bởi theo Hiến pháp năm 2014, Quốc hội Ai Cập có quyền luận tội Tổng thống. Bất đồng kể trên diễn ra trong bối cảnh Ai Cập không có Quốc hội sau khi Tòa án Hiến pháp Tối cao ra lệnh giải tán cơ quan này với lý do vi phạm Hiến pháp từ tháng 6-2012.

Ngày 10-1, nghị sỹ Ali Abdel-Al đã được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Và tại kỳ họp đầu tiên kéo dài trong 15 ngày, Quốc hội Ai Cập sẽ phải thương đàm để bỏ phiếu thông qua tất cả các luật đã được phê chuẩn dưới thời Tổng thống lâm thời Adly Mansour và đương kim Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi.

Thiện Lân
.
.
.