Cuộc chiến pháp lý của Tổng thống Argentina Mauricio Macri

Thứ Năm, 14/04/2016, 14:05
Ngày 8-4, Thẩm phán liên bang Argentina Sebastian Casanello, bắt đầu các thủ tục cần thiết để xem xét khả năng điều tra Tổng thống Mauricio Macri, người có tên trong danh sách "Hồ sơ Panama" liên quan đến hành vi trốn thuế và rửa tiền. 


Theo đó, triệu tập nhà báo Hugo Alconada của tờ La Nacion, một trong những tờ báo lớn ở Argentina. Bởi nhà báo này đang tham gia vào mạng lưới điều tra của Hiệp hội Phóng viên Điều tra quốc tế (ICIJ) tổ chức đăng tải vụ "Hồ sơ Panama". Ngoài ra, Thẩm phán Sebastian Casanello còn tham vấn luật sư Silvina Martínez, chuyên gia về những vấn đề thành lập công ty tại nước ngoài, và công ty ma để trốn thuế và rửa tiền. Trong khi đó, bà Marina Walker Guevara, Phó Giám đốc ICIJ (cũng là người mang quốc tịch Argentina) cho biết, còn rất nhiều thông tin mật quan trọng chưa được công khai.

Theo tờ La Nacion, Tổng thống Mauricio Macri bị liệt kê là Giám đốc Công ty Fleg Trading tại Bahamas giai đoạn 1998-2009. Nhưng khi phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Mauricio Macri khẳng định, ông luôn tuân thủ luật pháp và không có gì phải che giấu về sự liên quan với Công ty Fleg Trading có trụ sở ở Bahamas (theo tiết lộ từ "Hồ sơ Panama").

Tổng thống Argentina Mauricio Macri.

Song lại nhấn mạnh, ông không có nghĩa vụ luật pháp phải tuyên bố liên quan tới Công ty Fleg Trading bởi chưa bao giờ có cổ phần ở đó. Bởi theo lời Tổng thống Mauricio Macri, ông chỉ đảm nhận vai trò giám đốc đơn thuần của Công ty Fleg Trading do cha mình thành lập hiện đã đóng cửa.

Tổng thống Mauricio Macri cũng cho biết, đã gửi các tài liệu liên quan tới văn phòng chống tham nhũng để phục vụ công tác điều tra và yêu cầu tòa án xác thực kê khai tài sản của ông nhằm xóa bỏ mọi hoài nghi. Đồng thời nhấn mạnh, sẽ đưa toàn bộ tài sản của mình vào một quỹ tín thác độc lập trong thời gian làm Tổng thống nhằm ngăn chặn tình trạng xung đột lợi ích và tạo sự minh bạch trong việc quản lý các lợi nhuận kinh doanh của ông.

Văn phòng Tổng thống cũng ra thông cáo, theo đó Công ty Fleg Trading và Công ty Kagemusha tại Panama đều thuộc gia đình nhà Macri và ông Mauricio Macri chỉ là giám đốc trên danh nghĩa, bởi Tổng thống không đóng góp cổ phần, và không nhận lương. Công ty Fleg Trading được cha Tổng thống Mauricio Macri (trùm kinh doanh Francisco Macri sinh tại Italia) thành lập để đầu tư tại Brazil, nay đã đóng cửa.

Và động thái kể trên diễn ra ngay sau khi Thẩm phán liên bang Federico Delgado yêu cầu điều tra những cáo buộc nhằm vào Tổng thống. Trong tuyên bố hôm 7-4, Thẩm phán Federico Delgado đã yêu cầu điều tra vai trò của Tổng thống Mauricio Macri tại Công ty Fleg Trading và Công ty Kagemusha bởi bị tình nghi là các công ty ma tham gia trốn thuế và rửa tiền. Và Thẩm phán Federico Delgado cũng muốn tìm hiểu động cơ đằng sau việc Tổng thống Mauricio Macri không khai báo về 2 công ty kể trên trong báo cáo thuế hằng năm.

Ông Federico Delgado cũng đề nghị Cơ quan Thuế quốc gia và Văn phòng chống tham nhũng cung cấp thêm thông tin. Bởi theo bản kê khai tài chính năm 2007, ông Mauricio Macri không đề cập tới Công ty Fleg Trading khi làm Thị trưởng Buenos Aires, cũng như trong báo cáo năm 2015, khi đã trở thành Tổng thống.

Cũng trong ngày 7-4, nghị sỹ đảng đối lập Norman Martinez, đã đề nghị Thẩm phán Federico Delgado mở cuộc điều tra đối với Tổng thống nhằm làm rõ liệu ông Mauricio Macri có trốn thuế và rửa tiền không. Ngoài ra, nghị sỹ Norman Martinez còn yêu cầu điều tra đối với ông Nestor Grindetti, Thị trưởng Buenos Aires, một trong những thân cận của Tổng thống Mauricio Macri.

Nhưng Hạ viện Argentina đã bỏ phiếu phủ quyết một dự luật yêu cầu Tổng thống Mauricio Macri điều trần trước Quốc hội để làm rõ việc ông có liên quan đến Công ty Fleg Trading và Công ty Kagemusha. Tuy nhiên, ông Mauricio Macri vẫn phải đối mặt với cuộc điều tra của một ủy ban quốc hội để làm rõ những điều bất thường trong hoạt động tài chính của Tổng thống.

Ông Mauricio Macri mới nhậm chức được hơn 4 tháng (từ 10-12-2015), nhưng nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh đã có 13,8 triệu người nghèo trong tổng số 42 triệu dân. Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Đại học Thiên chúa giáo Argentina, một trong những trường uy tín nhất nước này, có tới 1,4 triệu cử tri đã trở thành người nghèo chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, nâng tỷ lệ này lên 34,5%, từ mức 29% cuối năm 2015. Và nguyên nhân của hiện tượng này đến từ lạm phát cao, và người lao động bị sa thải hàng loạt.

Theo lời kêu gọi của Hiệp hội những người lao động nhà nước Argentina (ATE), ngày 19-4, một cuộc tổng đình công trên toàn quốc sẽ diễn ra nhằm phản đối tình trạng sa thải hàng loạt người lao động do chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri tiến hành. Và việc này diễn ra khi có hơn 200.000 viên chức và người lao động (cả nhà nước và tư nhân) bị sa thải trong 4 tháng cầm quyền của Tổng thống Mauricio Macri, và dự kiến con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.