Cuộc chiến pháp lý của nhà sáng lập WikiLeaks khi nào kết thúc?

Thứ Ba, 23/02/2016, 16:00
Khi chạy vào tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở thủ đô London, Anh (19-6-2012), nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange không nghĩ sẽ tạo nên nhiều sóng gió ngoại giao, giống như quyết định công bố hơn 250.000 bức điện tín của Mỹ, tạo ra một trong những vụ bẻ khóa an ninh lớn nhất lịch sử nước Mỹ.


Đến nay nhiều nước đã lên tiếng về vụ án hiếp dâm của ông Julian Assange. Và cơ quan chức năng Ecuador cũng vừa bác đề nghị thẩm vấn ông Julian Assange (21-1-2016), khi cơ quan tư pháp Thụy Điển muốn thẩm vấn nhà sáng lập WikiLeaks tại Đại sứ quán Ecuador ở thủ đô London, Anh.

Từ lệnh truy nã

Sau khi Thụy Điển ra lệnh truy nã (18-11-2010), Interpol cũng phát lệnh truy nã quốc tế (theo yêu cầu của Stockholm), nên ông Julian Assange đã bị bắt tại Anh (7-12-2010) và được tại ngoại sau khi đóng 240.000 bảng Anh bảo lãnh. Nhưng ngày 15-6-2012, Anh đã quyết định dẫn độ ông Julian Assange tới Thụy Điển và việc này khiến nhà sáng lập WikiLeaks phải chạy vào Đại sứ quán Ecuador ở London, rồi nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Ecuador. 

Bộ Ngoại giao Anh từng yêu cầu Ecuador phải nộp ông Julian Assange (15-8-2012), nếu không London sẽ tấn công vào Đại sứ quán Ecuador để bắt người. Nhưng Liên minh các nước Nam Mỹ (Unasur) đã lên án Anh đe dọa tấn công Đại sứ quán Ecuador tại London để bắt ông Julian Assange, đồng thời bày tỏ sự đoàn kết đối với Ecuador trước sự đe dọa này. 

Cảnh sát Anh cũng từng lên kế hoạch bắt ông Julian Assange, nhưng bị giới truyền thông tiết lộ nên việc này buộc phải gác lại. Ngày 25-8-2013, các báo của xứ sở sương mù tràn ngập hình ảnh do một tay máy thuộc Hiệp hội báo chí, tham gia đoàn người vận động bắt giữ nhà sáng lập Wikileaks vô tình tiết lộ kế hoạch bắt giữ ông Julian Assange được chính phủ Anh phê duyệt. Ngay sau khi vụ việc được đăng tải đã có những phản ứng khác nhau xung quanh vấn đề nhạy cảm này.

Chính phủ Anh từng tuyên bố, ông Julian Assange sẽ bị bắt nếu nhà sáng lập Wikileaks đặt chân ra ngoài Đại sứ quán Ecuador bất chấp việc chính phủ Ecuador tuyên bố cấp tị nạn và đảm bảo sự an toàn cho nhân vật này. 
Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange (phải) trả lời phỏng vấn PV Tạp chí Der Spiegel.

Theo tờ The Huffington Post, kể từ khi ông Julian Assange xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador, cảnh sát Metropolitan London phải duy trì hoạt động giám sát 24/24h và chi phí cho hoạt động này tốn 16.000USD/ngày. Nếu ông Julian Assange ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador đến năm 2022 - khi thời hiệu yêu cầu dẫn độ hết hạn, cảnh sát London phải chi lên tới 60 triệu USD. Chi phí cho hoạt động theo dõi ông Julian Assange đã ngốn của Chính phủ Anh khoảng 8 triệu USD (tính đến cuối năm 2013). 

Chính phủ Anh cho biết, đã chi hơn 10 triệu USD để bảo đảm ông Julian Assange không thể bỏ trốn sau khi rời Đại sứ quán Ecuador ở London. Theo ước tính của trang Govwaste.co.uk, số tiền chi để theo dõi 24/24h đối với ông Julian Assange có thể thanh toán hơn 8 triệu bữa ăn cho người nghèo, tiền viện phí cho 38.043 giường bệnh trong một đêm hoặc học phí cả năm cho 17.226 trẻ em ở Anh.

Ngày 20-8-2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố, Mỹ không liên quan đến những nỗ lực bắt giữ ông Julian Assange của Anh để trao cho Thụy Điển. Mỹ đưa ra phản ứng kể trên sau tuyên bố hôm 19-8-2012 của ông Julian Assange (lần đầu tiên xuất hiện sau khoảng 2 tháng trốn trong Đại sứ quán Ecuador tại London): yêu cầu Tổng thống Barack Obama ngừng ngay chiến dịch chống lại WikiLeaks. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho rằng (6-9-2012), vụ việc liên quan tới nhà sáng lập WikiLeaks có khả năng mang động cơ chính trị, đồng thời cáo buộc Anh áp dụng "tiêu chuẩn kép" đối với lệnh dẫn độ ông Julian Assange tới Thụy Điển để xét xử. 

Ngày 27-9-2012, tờ RT của Nga đưa tin, Washington đã tuyên bố WikiLeaks và ông Julian Assange là kẻ thù của nước Mỹ. Trước đó (tháng 12-2010), Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã coi ông Julian Assange là "khủng bố công nghệ cao" và nhiều quan chức hàng đầu của Mỹ đã công khai kêu gọi săn lùng nhà sáng lập WikiLeaks.

Ngày 13-1-2016, cơ quan tư pháp Thụy Điển cho biết, họ đã được phép thẩm vấn ông Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London. Theo hãng EFE, Thẩm phán Ingrid Isgren và một điều tra viên của Thụy Điển sẽ tới London để tham gia tiến trình này. 

Trước đó (13-3-2015), các công tố viên Thụy Điển từng đề nghị cơ quan chức năng Anh cho phép thẩm vấn và xét nghiệm ADN của ông Julian Assange, thay vì thẩm vấn tại Thụy Điển như yêu cầu trước đó, nhằm giải quyết cáo buộc nhà sáng lập WikiLeaks tấn công tình dục đối với 2 phụ nữ năm 2010. 

Thẩm phán Marianne Ny, người thụ lý vụ này muốn thẩm vấn và mẫu ADN ông Julian Assange bởi người này liên quan đến cáo buộc tấn công tình dục từ năm 2010 và thời hạn điều tra tội danh này kéo dài tới 10 năm. 

Khi trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Frankfurter Rundschau, bà Cecilia Riddselius, Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế về án hình sự thuộc Bộ Tư pháp Thụy Điển từng tuyên bố, Chính phủ Thụy Điển sẽ không dẫn độ ông Julian Assange đến Mỹ nếu án tử hình đang treo lơ lửng ở đây.

Tới quyết định của Ecuador

Ngày 15-1-2016, tại cuộc phỏng vấn ở thủ đô Quito, Ngoại trưởng Ricardo Patino khẳng định, nếu giới chức Thụy Điển không đưa ra cáo buộc chống lại ông Julian Assange, thì nhà sáng lập WikiLeaks có thể tới sống ở Ecuador. Bộ Ngoại giao Ecuador từng nhấn mạnh, việc nhà chức trách Anh và Thụy Điển không làm gì trong thời gian qua là nguyên nhân dẫn đến 3/4 cáo buộc lạm dụng tình dục nghiêm trọng đối với ông Julian Assange hết hạn. 

Ngày 28-5-2013, Ngoại trưởng Ricardo Patino cáo buộc Anh vi phạm nhân quyền khi từ chối cho ông Julian Assange sang Ecuador tị nạn chính trị. Đồng thời cho rằng, phiên tòa xét xử ông Julian Assange tại Thụy Điển sẽ không công bằng khi các bằng chứng buộc tội không nghiêm túc. Và cho rằng Chính phủ Ecuador nhận thấy việc cấp quy chế tị nạn cho ông Julian Assange hợp lý, nên sẽ không có bất cứ thay đổi nào đối với nhà sáng lập WikiLeaks.

Tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 18-8-2014, Ngoại trưởng Ricardo Patino từng nhấn mạnh, Ecuardor sẽ tiếp tục bảo vệ ông Julian Assange và sẵn sàng đàm phán với chính phủ Anh và Thụy Điển để tìm giải pháp. Đồng thời cho biết, sẽ kiện Anh ra Tòa án tư pháp quốc tế, và Tòa án trọng tài Liên hợp quốc, nếu London không đồng ý lập một hành lang an toàn cho ông Julian Assange đến Ecuador. 

Ngày 10-8-2015, Đại sứ quán Ecuador tại Thụy Điển cũng ra thông cáo bác bỏ thông tin cho rằng, Quito đặt điều kiện buộc Stockholm phải cho người sáng lập trang mạng WikiLeaks tị nạn, mới có thể tiến hành thẩm vấn. Được biết, trong thời gian ẩn náu tại Đại sứ quán Ecuador, bố dượng và ông ngoại của ông Julian Assange đã qua đời. Ông Julian Assange tâm sự, con của mình buộc phải đổi chỗ ở và thay tên đổi họ sau khi tính mạng bị đe dọa.

Tên tuổi của ông Julian Assange vang danh thế giới sau khi trang mạng Wikileaks phanh phui nhiều bí mật của chính phủ các nước lên mạng, như thực trạng ở nhà tù Guantanamo, cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, cùng hàng chục nghìn bức điện tín từ các đại sứ quán Mỹ. Giới truyền thông cho biết, năm 2010, hai cựu tình nguyện viên của Wikileaks đã tố cáo ông Julian Assange xâm hại tình dục khi đến Stockholm, Thụy Điển. Nhưng cho tới nay ông Julian Assange luôn phủ nhận các cáo buộc với khẳng định, quan hệ tình dục giữa ông với 2 người phụ nữ tố cáo là hoàn toàn đồng thuận. 

Per Samuelson, một trong những luật sư của ông Julian Assange từng cho biết, nhà sáng lập WikiLeaks hoan nghênh việc thẩm vấn tại London, nhưng việc này có thể mất nhiều thời gian bởi đề xuất của Thụy Điển cần nhận được sự đồng ý từ chính phủ Anh và Ecuador. Luật sư Per Samuelsson từng tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, ông Julian Assange bị Mỹ săn lùng sau khi cho công bố 500.000 tài liệu mật về cuộc chiến Afghanistan và Iraq, cùng 250.000 bức thư tín ngoại giao mật khác.

Ngày 16-8-2012, Tổng thống Rafael Correa chính thức cấp quy chế tị nạn chính trị cho ông Julian Assange và quyết định này là thách thức đối với Anh, Thụy Điển và Mỹ bởi 3 quốc gia kể trên đang tìm mọi cách bắt, dẫn độ, xét xử người dám công bố hàng trăm ngàn trang tài liệu chính trị - quân sự - ngoại giao mật của nhiều nước trên thế giới. 

Đồng thời tuyên bố, ông Julian Assange được chào đón và có thể ở lại Đại sứ quán Ecuador vô thời hạn. Và chỉ rõ, Mỹ mâu thuẫn khi tuyên bố "vụ án Julian Assange" là công việc nội bộ giữa Ecuador và Anh, nhưng lại dọa ngừng dành ưu đãi thuế quan thuộc khuôn khổ Luật thúc đẩy thương mại các nước vùng Andes và triệt phá ma túy (ATPDEA) chỉ vì Ecuador cấp quy chế tị nạn cho nhà sáng lập Wikileaks. 

Ngày 26-9-2012, khi phát biểu qua video từ Đại sứ quán Ecuador ở London, ông Julian Assange đã mỉa mai Tổng thống Barack Obama ủng hộ tự do ngôn luận ở Trung Đông trong khi không ngừng đeo bám và đàn áp WikiLeaks vì đã tiết lộ các bức điện tín ngoại giao.

Gần 1 năm trước (24-3-2015), ông Julian Assange tuyên bố, Mỹ tìm cách chia rẽ Moskva với Kiev và phương Tây đã chi hàng tỷ USD để thành lập các tổ chức phi chính phủ ở Ukraine. 

Trước đó (9-3-2014), ông Julian Assange bất ngờ xuất hiện trên màn hình được kết nối qua phần mềm Skype từ Đại sứ quán Ecuador ở London để phát biểu trước 3.500 người tham dự tại Hội thảo truyền thông tương tác SXSW Interactive tổ chức tại Austin, Texas (Mỹ). Trong đó khẳng định, Mỹ chưa sẵn sàng cho một đợt cải cách nghiêm túc về cách tiếp cận thông tin của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA). 

Ông Julian Assange đã đưa ra dẫn chứng, theo đó không có bất cứ nhân viên nào của NSA bị sa thải hay chịu phạt kể từ khi cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ thông tin mật của cơ quan này. Kênh truyền hình NDR của Đức cũng cho biết, ông Julian Assange đã nộp đơn kiện hành động gián điệp của Mỹ lên Tòa án tối cao Đức ở Karlsruhe.

Anh Phương
.
.
.