Cuộc chiến pháp lý mới của Apple

Thứ Tư, 15/11/2017, 20:10
Để có thể trở thành công ty duy nhất trên thế giới đạt mức 1.000 tỉ USD, giá trị mỗi cổ phiếu Apple chỉ cần tăng thêm 20 USD, tức 195 USD/cổ phiếu và điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi trước phiên giao dịch hôm 10-11, giá mỗi cổ phiếu của Apple đã đạt 175 USD.

Thông tin trên diễn ra trong bối cảnh "Hồ sơ Paradise" vừa tiết lộ các chiêu thức giúp Apple chỉ phải trả 3,7% tiền thuế doanh nghiệp trong năm 2017. Bởi Apple đã tìm hiểu kỹ luật thuế và quy định tài chính của các quốc gia khác nhau trước khi chọn ra công ty có thể giúp họ giảm thuế phải đóng ở mức tốt nhất. 

Việc thành lập công ty con Apple Sales International (ASI) và Apple Operations International (AOI) đã cho phép Apple không phải đóng thuế doanh nghiệp tại các quốc gia trên thế giới, trừ khoản thuế doanh thu. 

Được biết, Apple thu về 44,7 tỷ USD từ các thị trường nước ngoài nhưng chỉ phải nộp 1,65 tỷ USD và tỷ lệ này chưa bằng 1/6 thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình trên thế giới. Có tới 252 tỉ USD của Apple được quản lý bởi ASI và AOI (trốn được hàng tỷ USD tiền thuế) tại Ireland và Jersey, một hòn đảo nhỏ của Anh ở eo biển Channel trong nhiều năm qua.

Apple đối đầu với FBI.

Công ty khởi nghiệp của Israel là Corephotonics (đã huy động được 50 triệu USD từ các nhà đầu tư) cũng đang kiện Apple xâm phạm bằng sáng chế về công nghệ camera cho điện thoại thông minh. 

Theo hãng Reuter, Corephotonics đã nộp đơn kiện lên Toà án liên bang tại thành phố San Jose (Mỹ) hôm 6-11, tố cáo sản phẩm iPhone 7 Plus và iPhone 8 Plus của Apple đã sao chép bất hợp pháp công nghệ camera kép của họ. 

Theo đơn tố cáo, Giám đốc điều hành Corephotonics David Mendlovic đã từng tiếp cận Apple để đề nghị cùng làm đối tác và giới thiệu sáng chế về công nghệ camera kép, nhưng đã bị từ chối mua sáng chế. Tuy nhiên sau đó Apple đã ứng dụng công nghệ camera kép cho sản phẩm iPhone 7 Plus và iPhone 8 Plus mà Corephotonics khẳng định mình nắm quyền sở hữu. 

Cuộc chiến pháp lý xung quanh bằng sáng chế giữa Apple và Samsung cũng chưa ngã ngũ và Tòa án Tối cao Mỹ đang đau đầu bởi các vụ kiện của 2 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới này. Hồi tháng 1-2017, một tòa phúc thẩm ở Mỹ đã quyết định lật lại vụ kiện dân sự cáo buộc Apple có hành vi độc quyền khi không cho phép bán các ứng dụng iPhone bên ngoài App Store của họ. 

Phán quyết này đã "bật đèn xanh" để mở lại vụ kiện năm 2011, khiến Apple có nguy cơ phải thanh toán một khoản đền bù lớn. Trước đó, hãng Nokia của Phần Lan đã khởi kiện Apple (nộp đơn kiện lên các tòa ở thành phố Dusseldorf, Mannheim và Munich của Đức và tòa án quận Đông Texas của Mỹ) với cáo buộc vi phạm 32 bằng sáng chế có liên quan tới công nghệ màn hình giao diện người dùng, ăng-ten và mã nguồn video.

Cùng thời điểm kể trên, ông Christopher Combs, đặc vụ FBI đảm nhiệm điều tra vụ xả súng của sát thủ Devin Patrick Kelley tại một nhà thờ ở bang Texas, Mỹ khiến 26 người chết cho biết, FBI đang gặp khó khi không mở được khóa chiếc điện thoại hoặc tài khoản lưu trữ trực tuyến của tên này. 

"Đáng tiếc là vào thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể mở chiếc điện thoại này," ông Christopher Combs thổ lộ. Tuy ông Christopher Combs không nói đây là loại điện thoại thuộc hãng nào, nhưng theo thông tin từ một số báo chí, đây là chiếc iPhone của Apple. 

FBI thúc thủ trước iPhone.

Trong năm 2016, Bộ Tư pháp Mỹ từng yêu cầu Apple giúp mở khóa chiếc iPhone của nghi can gây ra vụ tấn công khủng bố ở San Bernardino, nhưng bất thành. Sau đó, FBI phải thuê một công ty tư nhân không tiết lộ danh tính giúp mở khóa chiếc điện thoại này. 

Apple từng yêu cầu một tòa án ở bang California, Mỹ rút lại phán quyết buộc hãng này phải bẻ khóa chiếc iPhone của Syed Farook, kẻ đã bắn chết 14 người, làm bị thương 22 người trong cuộc xả súng ở San Bernardino hôm 2-12-2015. 

Gần 20 ngày trước (23-10), Đài truyền hình ABC News dẫn lời Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết, FBI không thể mở khóa để lấy dữ liệu từ hơn một nửa số thiết bị điện tử trong kho tang vật - FBI không thể lấy dữ liệu của hơn 6.900 thiết bị di động thu giữ từ đầu năm đến nay. 

Và đây là vấn đề lớn bởi nó liên quan đến việc điều tra tới ma túy, buôn người, chống khủng bố, phản gián, băng đảng, tội phạm có tổ chức và lạm dụng trẻ em. Theo giới truyền thông, mặc dù đã có lệnh của tòa án, nhưng các hãng điện thoại vẫn từ chối hợp tác với lý do bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng. 

Các nhà khoa học đang thử nghiệm chương trình PassGAN có thể đoán được mật khẩu người dùng với tỉ lệ chính xác lên tới 27%. Thử nghiệm với mạng xã hội Linkedin cho thấy, trí tuệ nhân tạo dò được hơn 40 triệu tài khoản người dùng. May mắn là số tài khoản đó không bị bẻ khóa bởi công nghệ này đang được sử dụng với mục đích khuyến cáo người dùng đặt những mật khẩu khó đoán.

Nhiệm Bình
.
.
.