Cuộc chiến pháp lý mới của cựu Tổng thống Lula da Silva

Thứ Năm, 14/11/2019, 13:02
Ngày 8-11, sau hơn 18 tháng bị giam tại nhà tù ở thành phố Curitiba (Brazil) vì cáo buộc tham nhũng, cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, thường gọi là Lula, đã được trả tự do sau khi một thẩm phán liên bang ký lệnh phóng thích ông vì xác định "không có căn cứ để thi hành bản án".


Trước đó một ngày, Tòa án tối cao Brazil phán quyết chỉ nên bỏ tù các bị cáo một khi họ không còn phương tiện pháp lý nào để kháng cáo các bản án gây tranh cãi nữa. Ông Lula là một trong số hàng ngàn người bị kết án có thể hưởng lợi từ phán quyết trên. Cuộc đời Lula là một một chuỗi những vinh quang và cay đắng, khi từ đỉnh cao quyền lực trở thành tội phạm…

Tổng thống xuất thân từ đứa trẻ đánh giày

Ông Lula sinh ngày 6-10-1945, nhưng được đăng ký ngày khai sinh là 27-10-1945 tại Caetés, một địa phương nằm cách thủ phủ Recife của bang Pernambuco 250km.

Ông Lula cùng những người ủng hộ khi được trả tự do.

Không giống như nhiều vị nguyên thủ quốc gia đều học hành bài bản, con đường học hành của Lula khá trắc trở và rất ít ở trường lớp chính quy. Là con thứ 7 trong gia đình nghèo khó có tới 8 người con, lên 10 tuổi, Lula mới bắt đầu được đi học. Lula bỏ học khi mới học hết lớp 4, bắt đầu đi kiếm tiền bằng nghề đánh giày và bán hàng rong.

Năm 14 tuổi, Lula có công việc chính thức đầu tiên là đứng máy tiện trong một nhà máy sản xuất đồng. Năm 19 tuổi, Lula mất một ngón tay trong một tai nạn lao động khi đang làm việc tại một nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô và phải điều trị ở nhiều bệnh viện.

Năm 1969, cái chết của người vợ vì bệnh viêm gan mà không có tiền chữa bệnh là bước ngoặt khiến Lula bắt đầu quan tâm tới chính trị. Khi làm việc tại khu công nghiệp Indústrias Villares, Lula bắt đầu tham gia các phong trào của người lao động.

Năm 1975, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp công nhân ngành thép của São Bernardo do Campo và Diadema, sau đó tái đắc cử năm 1978. Cả hai thành phố này đều nằm trong vùng tập trung hầu hết các nhà máy sản xuất ôtô ở Brazil (như Ford, Volkswagen, Toyota, Mercedes-Benz và nhiều công ty khác) và là những thành phố công nghiệp quan trọng của đất nước.

Cuối những năm 1970, khi Brazil nằm trong quyền kiểm soát của chính quyền quân sự, Lula tổ chức nhiều hoạt động công đoàn, bao gồm cả những cuộc đình công lớn. Toà án lao động Brasil tuyên bố các cuộc đình công là bất hợp pháp và ông đã bị tù giam 1 tháng.

Ngày 10-2-1980, Lula tham gia thành lập đảng Lao động Brazil (Partido dos Trabalhadores - PT), một đảng cánh tả với những ý tưởng tiến bộ. Năm 1984, PT và Lula tham gia chiến dịch vận động mang tên "Diretas Já!" (Trực tiếp ngay!), đấu tranh cho việc bầu trực tiếp tổng thống.

Là thành viên sáng lập của đảng Lao động Brazil, ông đã từng ra tranh cử tổng thống nhiều lần, lần đầu tiên là vào năm 1989. Nhưng phải sau 3 lần thất bại, đến năm 2002, ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống và nhậm chức vào ngày 1-1-2003. Ông được mô tả là "một người đàn ông với tham vọng táo bạo để thay đổi cán cân quyền lực giữa các quốc gia”, và trong cuộc bầu cử năm 2006, ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. 

Khi vừa đắc cử tổng thống, Lula coi mục tiêu xóa đói giảm nghèo là ưu tiên số 1, đồng thời bắt tay thực hiện ngay sau khi chính thức nhậm chức bằng các chương trình “không có người đói” và trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp.

Trong đó, riêng chương trình trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp, đã trợ cấp gần 600 triệu USD từ ngân sách nhà nước cho 12,7 triệu gia đình có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, chính quyền Lula còn hỗ trợ cho các nông dân nghèo, tăng mức lương tối thiểu cho người lao động...

Ông Lula khi còn là Tổng thống Brazil.

Vì vậy, đến cuối nhiệm kỳ thứ 2 của ông, 40 triệu dân Brazil nhìn thấy thu nhập của họ gia tăng và tầng lớp trung lưu chiếm đến gần một nửa dân số Brazil. Số người nghèo giảm đi 43% trong thời gian từ 2003 đến 2008. Trong cùng thời kỳ thu nhập của 10% dân số nghèo nhất trong xã hội tăng đều đặn gần 10%/năm.

Năm 2009, sau 7 năm làm Tổng thống Brazil, ông được báo Le Monde của Pháp đề cử là “nhân vật nổi bật của năm 2009”. Theo Le Monde, 7 năm cầm quyền, Lula đưa Brazil trở thành một nhà cung cấp cà phê, đường, đậu nành, thịt bò số 1 thế giới…

Tháng 5-2010, ông được Chương trình Lương thực Liên hợp quốc vinh danh là nhà "vô địch thế giới trong việc xóa đói" cho một phần nhân loại. Đặc biệt, dưới sự điều hành của ông Lula, Brazil đã không rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2008 - 2010.

Cú thoát hiểm ngoạn mục này là do chính phủ của ông Lula đã giảm thuế đánh vào một số mặt hàng, gia tăng tín dụng cho doanh nghiệp để kích thích đầu tư, tăng lương cho công chức nhà nước. Tổng thống Lula lấy sức mua nội địa là chủ đạo.

Với cách làm đó, kinh tế Brazil đã liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên 5%/ năm và tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 6%. Quy mô nền kinh tế phát triển nhanh chóng, GDP của Brazil từ 620 tỷ USD năm 2003 đã tăng lên 1.482 tỷ USD vào năm 2010, GDP bình quân đầu người 7.600 USD/ năm và dự trữ ngoại tệ luôn duy trì ở mức trên 200 tỷ USD.

Sau hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Lula, Brazil đã trở thành một trong những trụ cột của hệ thống kinh tế toàn cầu. Không chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế mà cả trên trường ngoại giao, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cộng đồng quốc tế không thể tiến tới phía trước mà không có sự đồng thuận của Brazil.

Trong 2 nhiệm kỳ tổng thống, ông Lula đã tiến hành hàng loạt chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn. Trong vòng 5 năm kể từ khi ông lên nắm quyền, hơn 5.000 người đã bị cảnh sát điều tra, bắt giữ về các cáo buộc tham nhũng; trong đó 1/3 là quan chức nhà nước, 50 người trong đó từng là quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống như Bộ trưởng Bộ Năng lượng Silas Rondeau…

Với quan điểm vừa chống, vừa xây, ông Lula da Silva một mặt đề cao chương trình chống tham nhũng nhưng cũng không quên đưa ra các biện pháp khác như giáo dục đạo đức cho công chức, các sĩ quan cảnh sát, những người làm trong các ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với người dân. Vì vậy, cho tới lúc mãn nhiệm, ông Lula vẫn nhận được sự ủng hộ của hơn 80% người dân.

Đi tù vì cáo buộc tham nhũng

Nhưng, như người ta vẫn nói “không ai nắm tay từ sáng đến tối”. Ngày 20-9-2016, nhiều người Brazil bất ngờ khi Thẩm phán Brazil Sergio Moro ra quyết định chính thức đưa cựu Tổng thống Lula da Silva ra xét xử vì cáo buộc có dính líu tới vụ tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Thẩm phán Sergio Moro khẳng định bản cáo trạng của Cơ quan Công tố Brazil cho thấy có nhiều bằng chứng để xét xử ông Lula về tội tham nhũng và rửa tiền. Theo đó, Cơ quan Công tố yêu cầu khởi tố cựu Tổng thống Lula da Silva và vợ ông với các tội danh tham ô, rửa tiền và giả mạo giấy tờ, trong vụ điều tra tham nhũng khổng lồ liên quan tới Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras của Brazil.

Ông Lula bị cáo buộc nhận tiền hối lộ thông qua khoản tiền mà công ty xây dựng OAS cải tạo căn hộ hạng sang mà ông này đã mua ở thành phố Guarujá, tại vùng ven biển bang Sao Paulo, để trả công ông này giúp OAS trong các hợp đồng làm ăn với Petrobras.

Cựu Tổng thống Lula rời trụ sở Cơ quan Cảnh sát liên bang ở Curitiba, bang Parana sau khi được trả tự do.

Theo cáo trạng, OAS đã chi 333.000 USD để sửa sang và sắm đồ đạc cho căn hộ của ông Lula ở Guarujá mặc dù bất động sản này không đứng tên vợ chồng cựu Tổng thống.

Ngoài ra, OAS cũng đã chi gần 394.000 USD thuê một nhà kho trong giai đoạn 2011-2016, để cất những tặng phẩm mà ông Lula được tặng khi còn đương chức. Các cơ quan chức năng cũng nghi ngờ ông Lula đã mua bất động sản này bằng tiền tham ô…

Năm 2017, ông bị kết tội tham nhũng và phải chịu mức án 12 năm 1 tháng tù giam. Ngày 8-4-2018, sau khi kháng án bất thành, ông Lula đã chấp hành lệnh bắt giữ để thi hành án, dù bác bỏ những cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông.

Mặc dù bị giam giữ, song ông Lula da Silva vẫn được PT lựa chọn làm ứng viên tranh cử tổng thống Brazil 2018. Thời điểm đó, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận, ông Lula vẫn nhận được 31% ủng hộ. Tuy nhiên, theo luật bầu cử của Brazil, ông đã không được phép ra tranh cử do đã có tiền án.

Ngày 23-4-2019, Tòa án Tư pháp Tối cao Brazil đã đồng ý giảm mức án 12 năm tù giam do tòa án liên bang cấp khu vực tuyên đối với cựu Tổng thống Lula bị kết tội tham nhũng và rửa tiền xuống 8 năm 10 tháng và 20 ngày.

Thẩm phán Felix Fischer thuộc Tòa án Tư pháp Tối cao Brazil đã đưa ra mức giảm án trên và được các thẩm phán khác ủng hộ tại phiên tòa xem xét các kháng cáo mới do luật sư bào chữa của ông Lula đưa ra.

Các thẩm phán tái khẳng định tội nhận hối lộ một căn hộ hạng sang tại thị trấn nghỉ dưỡng Guaruja bang Sao Paulo từ OAS của ông Lula, vì đã giúp công ty này trong các hợp đồng làm ăn với Petrobras, nhưng cho rằng bản án 12 năm tù đối với cựu lãnh đạo này là quá nặng.

Sau 18 tháng đi tù, ngày 8-11, khi ra khỏi trụ sở cảnh sát liên bang, ông Lula vẫn được được nhiều người chào đón. Chủ tịch Đảng Lao động Brazil (PT) Gleisi Hoffmann khẳng định đây là thành quả đấu tranh liên tục của đội ngũ luật sư biện hộ và những người ủng hộ để tìm lại công bằng cho nhà lãnh đạo cánh tả này.

Luật sư Rosangela da Silva, một trong những người tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cựu Tổng thống Lula, cho biết phán quyết trên của tòa tối cao đã đem lại hy vọng tìm lại công lý trong cuộc chiến pháp lý với mục tiêu cuối cùng là phải hủy bản án phi lý này.

Phát biểu trước đám đông, ông Lula tuyên bố sẽ “tiếp tục đấu tranh” cho những người dân Brazil bình thường.

Minh Khuê (Tổng hợp)
.
.
.