Cuộc chiến pháp lý mới giữa Qualcomm và Apple

Chủ Nhật, 22/10/2017, 20:09
"Đây là cáo buộc vô căn cứ và vụ kiện này sẽ thất bại giống như một số vụ Qualcomm từng kiện Apple trước đây", đại diện Apple tuyên bố sau khi Qualcomm, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới tiến hành một vụ kiện mới chống lại hãng công nghệ này tại Trung Quốc.

Và đây là động thái mới nhất trong một loạt vụ việc có liên quan tới những cáo buộc vi phạm bằng sáng chế giữa 2 hãng công nghệ kể trên. Theo giới truyền thông, trong vụ kiện mới nhất, Qualcomm cho rằng, Apple đã sử dụng trái phép một số công nghệ của họ được thể hiện trong chiếc iphone mới, đó là công nghệ quản lý năng lượng, công nghệ màn hình cảm ứng Force Touch.

Do đó, Qualcomm yêu cầu Apple không được bán và sản xuất iPhone tại thị trường Trung Quốc. Giới chuyên môn cho biết, Qualcomm đã nộp đơn kiện gửi Tòa án sở hữu trí tuệ Bắc Kinh, cáo buộc Apple vi phạm các bằng sáng chế của họ và yêu cầu ra lệnh cấm bán iPhone tại thị trường quốc gia đông dân nhất thế giới. 

Trong đơn kiện, Qualcomm cáo buộc Apple đã vi phạm bằng sáng chế của họ khi sử dụng chức năng quản lý điện năng cho sản phẩm iphone mới. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là cú sốc lớn đối với Apple khi Trung Quốc đóng góp tới 22,5% doanh thu của hãng công nghệ này trong năm tài chính mới nhất. Trong năm 2016, Trung Quốc từng phạt Qualcomm 975 triệu USD vì vi phạm luật chống độc quyền của nước này.

Tập đoàn công nghệ Apple.

Theo PhoneArena, Qualcomm và Apple vẫn đang bị cuốn vào một số vụ kiện liên quan tới số tiền hàng tỷ USD. Apple đang buộc tội Qualcomm không thanh toán khoản bồi hoàn trị giá 1 tỉ USD. 

Ngoài ra, Apple còn yêu cầu các đối tác sản xuất thành phần iPhone và iPad không thanh toán chi phí bản quyền sáng chế cho Qualcomm vì hãng này không tuân thủ quy định liên quan đến điều luật công bằng, hợp lý và không phân biệt. 

Giới chuyên môn cho rằng, sự thống trị của Qualcomm đối với công nghệ di động đã giúp tạo ra lợi nhuận khổng lồ, nhưng lại gây nên sự bất mãn cho các đối tác - những hãng sản xuất điện thoại như Apple. 

Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) từng kiện Qualcomm vì tội độc quyền khi ép Apple chỉ được dùng chip của họ trên iPhone kể từ 2011 đến 2016. Theo đó, Qualcomm đã độc quyền cung cấp chip baseband (chương trình điều khiển hoạt động liên quan đến khả năng liên lạc bằng sóng điện từ trên thiết bị) cho iPhone. Đổi lại, họ lấy phí bản quyền của Apple rẻ hơn. 

Và trong năm 2016, Apple sử dụng chip baseband của cả Qualcomm và Intel. Và Apple kiện Qualcomm giữ 1 tỷ USD tiền nợ cùng tuyên bố, quyết không nhân nhượng và đã báo cáo chi tiết với cơ quan điều tra. 

"Việc Apple cung cấp ngày càng nhiều công nghệ như cảm biến vân tay, màn hình tiên tiến, máy ảnh… vào sản phẩm của mình đã giúp Qualcomm thu về rất nhiều phí bản quyền. 

Trong nhiều năm qua, Qualcomm xây dựng hoạt động kinh doanh dựa trên các tiêu chuẩn cũ, nhưng đã củng cố sự thống trị của mình thông qua việc loại trừ đối thủ khác và tăng tiền bản quyền quá mức, dù chỉ là một trong những công ty đã đóng góp cho các tiêu chuẩn cơ bản của điện thoại di động", Apple nhấn mạnh.

Qualcomm, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới.

Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban Công bằng Thương mại Đài Loan cũng vừa xử phạt nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới (còn gọi là nhà sản xuất bộ vi xử lý di động hàng đầu thế giới) số tiền lên tới 774 triệu USD sau khi phát hiện Qualcomm đã lạm dụng sự độc quyền trong thị trường chip bằng cách không chịu cấp giấy phép bằng sáng chế cho các đối tác. 

Theo cáo buộc, Qualcomm đã vi phạm luật chống độc quyền, tận dụng lợi thế trên thị trường công nghệ di động để áp đặt điều kiện và cắt nguồn cung nếu đối tác không chịu thực hiện. Qualcomm đã gửi đơn kháng cáo lại quyết định kể trên. 

Cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) cũng từng kiện Qualcomm với cáo buộc tương tự - Qualcomm có khả năng đã trả tiền trái phép cho một khách hàng lớn để được độc quyền bán chipset Qualcomm. Qualcomm còn bị cáo buộc bán chipset với giá thấp hơn mức bình thường, nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh. 

Và hành vi này bị coi đã vi phạm luật chống độc quyền của EU. Gần 1 năm trước (28-12-2016), Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc (FTC) đã phạt Qualcomm 1.030 tỷ won (khoảng 865 triệu USD) vì đã vi phạm luật cạnh tranh của nước này. 

Theo FTC, Qualcomm đã thực hiện các hành vi kinh doanh không công bằng trong việc chuyển giao giấy phép (độc quyền) về sáng chế và kinh doanh chip, trong đó có việc từ chối cho phép các nhà sản xuất chip đối thủ cấp các giấy phép về sáng chế cần thiết để sản xuất chip. Đây là khoản tiền phạt lớn nhất mà cơ quan này từng đưa ra từ trước đến nay. 

Tuệ Sỹ
.
.
.