Cuộc chiến quyền lực mềm Phương Tây – Trung Quốc

Thứ Hai, 14/05/2018, 16:55
Các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand đang muốn sử dụng các sáng kiến kinh tế và yếu tố quyền lực mềm nhằm chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á và châu Ðại Dương, theo báo cáo mới công bố hôm 27-4 của Asia Times.


Báo cáo cho biết các nước trên đã đồng ý thành lập liên minh tình báo “Ngũ nhãn” (Five Eyes) nhằm chia sẻ thông tin tình báo với nhau. 5 nước cũng đồng ý tăng cường viện trợ, mở rộng thương mại và quan hệ ngoai giao trong khu vực châu Á - châu Đại Dương nhằm đối phó với sự xâm nhập của Trung Quốc thông qua các dự án viện trợ và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Asia Times cho biết Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang khiến các nước phương Tây và một số nước khác cảm thấy lo ngại, vì nó giúp gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Tại Nam Á, Ấn Độ đã thể hiện sự quan ngại trước những quan hệ đối tác của Trung Quốc với các nước như Pakistan, Maldives, Seychelles và Sri Lanka. Bắc Kinh đã tung tiền viện trợ cho thị trấn Gwadar, Pakistan, một khu vực cảng nước sâu thương mại mà Mỹ và Ấn Độ lo lắng có thể một ngày nào đó sẽ đón tiếp các tàu của Hải quân Trung Quốc.

Đầu năm nay đã xảy ra những căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh liên quan đến Maldives, nơi việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp của chính phủ theo hướng ủng hộ Trung Quốc đã khiến phe đối lập kêu gọi Ấn Độ can thiệp. 

Quyết định của Chính phủ Sri Lanka cho Bắc Kinh thuê cảng biển Hamboantota và vùng đất xung quanh vào tháng 12-2017 đã khiến Ấn Độ tức giận, lo sợ Trung Quốc sẽ sử dụng cảng biển này để thiết lập sự hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương. 

Trung Quốc thiết lập cơ sở quân sự đầu tiên tại nước ngoài Djibouti.

Để đối phó lại việc Trung Quốc thuê cảng Hamboantota, Ấn Độ cũng đã ký hợp đồng thuê một sân bay hầu như không sử dụng gần đó của Sri Lanka, với thời hạn 40 năm, theo tờ Business Insider.

Điều tương tự cũng diễn ra tại Thái Bình Dương. Sau cuộc đảo chính năm 2006 tại đảo quốc Fiji, khiến Úc và New Zealand ban hành lệnh cấm vận, Bắc Kinh đã trở thành một nguồn viện trợ chính cho các nước Fiji, Tonga và Samoa. 

Trung Quốc cũng cấp vốn cho một cơ sở đóng cá hộp tại Papua New Guinea, láng giềng gần nhất Australia trong khu vực, với điều kiện các công ty Trung Quốc thực hiện việc xây dựng. 

Một công ty Trung Quốc cũng đã được cấp phép và nhượng quyền xây dựng một trại cá tại French Polynesia, sau đó Bắc Kinh đã viện trợ và trợ cấp cho chính quyền tại đây. 

Gần đây, truyền thông Úc đã đưa tin Chính phủ Trung Quốc và Vanuatu đã thảo luận thiết lập sự hiện diện của quân đội Trung Quốc, tại quốc đảo phía đông bắc nước Úc này. Thông tin này sau đó đã bị Bắc Kinh bác bỏ.

Hiện tại, Trung Quốc chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài đặt tại Djibouti, một quốc gia Đông Phi, tiếp giáp Eritrea về phía bắc, Ethiopia về phía tây và nam, và Somalia về phía đông nam. Phần còn lại của biên giới là Biển Đỏ và vịnh Aden. 

Trong khi Bắc Kinh coi căn cứ quân sự này như là một “cơ sở hậu cần”, nó vẫn khiến Mỹ quan ngại, khi một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ nói rằng căn cứ này gây ra “những quan ngại về  hoạt động an ninh rất quan trọng”.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Legarde đã cảnh báo Trung Quốc và các quốc gia làm ăn với Trung Quốc về khả năng nợ xấu gia tăng. Trong giai đoạn từ năm 2006 đến giữa năm 2016, Bắc Kinh cam kết hơn 1,7 tỷ USD tài trợ cho các dự án tại khu vực Thái Bình Dương. Cũng trong giai đoạn này, các nước phương Tây, dẫn đầu là Úc, cam kết tài trợ gần 9 tỷ USD, với những điều khoản minh bạch và trách nhiệm giải trình, khác hẳn với những khoản viện trợ của Trung Quốc.

Theo tờ Asia Times, những nỗ lực của Ngũ Nhãn chống lại Trung Quốc tại Thái Bình Dương sẽ bao gồm các hoạt động giám sát quân sự và thu thập thông tin tình báo. Nhưng nó sẽ bao gồm các yếu tố quyền lực mềm, ví dụ như chuyến thăm của Thái tử Charles tới Venuatu đầu tháng 4-2018. Các quan chức Anh cũng cho biết Chính phủ Anh sẽ tăng cường viện trợ, thương mại và quan hệ ngoại giao trong khu vực.

Nhật Bản cũng đã tăng cường những nỗ lực chống lại “bẫy nợ tài chính’’ của Trung Quốc,  bằng cách tăng cường quan hệ đối tác quốc tế và đầu tư của riêng mình vào các nước, bao gồm Sri Lanka và Vanuatu. Úc và New Zealand cũng có cách làm tương tự. Trung Quốc thiết lập cơ sở quân sự đầu tiên tại nước ngoài ở Djibouti.

Thùy Dương
.
.
.