Cuộc đời đen tối của một điệp viên sùng đạo

Thứ Sáu, 13/09/2013, 16:44

“Không những được coi là một trong những thảm họa tình báo lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, câu chuyện về Robert Hanssen còn gây sốc bởi tính cách và sở thích kỳ quặc của điệp viên cuồng tín này”.

Một thanh niên xuất sắc

Robert Hanssen sinh năm 1944, là con độc nhất của một gia đình truyền thống với người cha có thâm niên 30 năm làm cho lực lượng cảnh sát. Từ nhỏ Hanssen đã mê đọc sách về điệp viên, nhưng không giống những người khác, Hanssen lại tỏ ra yêu thích câu chuyện về những kẻ phản bội tổ quốc, đặc biệt là Kim Philby, một gián điệp người Anh làm việc cho Nga trong suốt 20 năm.

Hanssen học rất giỏi và từng nghiên cứu tiếng Nga trong những năm đại học. Tuy nhiên, tính cách lập dị của cậu sinh viên này khiến những người bạn cùng lớp cảm thấy rất khó gần. Một người bạn từng ở cùng phòng với Hanssen khi học trường đào tạo bác sỹ nha khoa kể rằng, Hanssen không thích mặc quần bò áo phông như những sinh viên khác mà luôn đóng bộ complet, cà vạt. Thậm chí, trong giờ thực hành mổ xác chết, Hanssen vẫn mặc y như vậy. Đáng sợ hơn là ngay cả sau khi giờ thực hành kết thúc, Hanssen tiếp tục mặc bộ quần áo đó về nhà và căn phòng chung của hai sinh viên trở nên có mùi như nhà xác. Hanssen còn đặc biệt thích công việc làm thêm cuối tuần là nhân viên trực tại một nhà thương điên của thành phố, giả làm bác sỹ và gọi các bệnh nhân tâm thần lên hỏi han.

Mặc dù có tính cách kỳ quặc, Hanssen vẫn là một sinh viên xuất sắc, gây ấn tượng mạnh đối với những người khác. Hanssen có thể nhắc lại không sai một lời bài giảng của các giáo sư, cho dù không hề ghi chép bài khi ở trên lớp.

Sau nhiều lần thay đổi ngành học, từ hóa học sang nha sĩ, rồi tâm thần học, cuối cùng Hanssen chuyển sang lấy bằng MBA về kế toán. Sau khi lấy vợ, Hanssen nối nghiệp cha vào làm việc tại Sở cảnh sát Chicago. Với tấm bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh, Hanssen nhanh chóng được chú ý và được gọi vào  một đơn vị đặc biệt chuyên điều tra về sai phạm của những cảnh sát khác. Tuy nhiên, công việc này khiến Hanssen cảm thấy nặng nề vì phải tố cáo chính những đồng nghiệp của mình. Trong khi đó cấp trên của ông lại cho rằng, Hanssen có thể còn làm việc hai mang, báo lại cho những cảnh sát đang bị theo dõi hành động của tổ điều tra. Tới năm 1976, sau một lần thi trượt, Robert Hanssen đã được nhận vào làm tại Cục Điều tra liên bang Mỹ.

Điệp viên trong lòng FBI

Tại FBI, Hanssen tỏ ra là một nhân viên có khả năng, thông minh và làm việc hiệu quả, tuy nhiên lại thiếu kỹ năng cộng tác với đồng nghiệp và quá thu mình. Điều này khiến Hanssen không thể tiến cao hơn lên mức quản lý trong lòng FBI.

Cuộc sống gia đình của Hanssen trở nên khó khăn với mức tiền lương ít ỏi của ông. Hanssen và vợ lúc đó đã có năm đứa con, và cả gia đình đông đúc sống ở New York, thành phố với mức sống đắt đỏ bậc nhất thế giới.

Lương nhân viên thấp là một vấn đề nhức nhối của FBI. Thomas Sheer, cấp trên của Hanssen thậm chí đã từ chức sau khi yêu cầu tăng lương cho nhân viên của ông bị chính phủ lờ đi. Theo Sheer, các nhân viên mới vào làm việc tại FBI được trả ít tiền hơn cả nhân viên thu dọn rác tại New York, điều này khiến họ dễ bị mua chuộc hơn. Chỉ cần phía Nga trả nhiều tiền, sẽ có một số nhân viên sẵn sàng bán đứng các bí mật quốc gia.

Có lẽ những điều này đã giải thích tại sao Hanssen lại trở thành điệp viên. Cuộc sống tài chính túng quẫn, cộng với công việc không được như ý và khó hòa nhập tại FBI đã khiến Hanssen quay lưng lại với đất nước mình. Thần tượng thuở nhỏ của ông, điệp viên Anh làm việc cho Nga Kim Philby đã từng nói: “Để phản bội thì trước tiên bạn phải trung thành. Tôi chưa từng trung thành với ai”. Điều này hoàn toàn đúng với Hanssen, ông chưa hề tỏ ra trung thành với FBI.

Vào ngày 4/10/1984, Hanssen gửi một bức thư cho người đứng đầu bộ phận gián điệp của Nga Victor Cherkashin tại Mỹ thông qua một đại tá KGB, lật mặt ba điệp viên Nga làm việc hai mang cho Mỹ. Hai người trong số này sau đó đã bị phía Nga tử hình, người còn lại bị tống vào tù. Đổi lại Hanssen đã được một phong bì chứa 50.000 đôla tiền mặt. Hanssen cộng tác với phía Nga bắt đầu từ đó, nhưng không bao giờ tiết lộ danh tính thật của mình, cũng như không đồng ý gặp mặt trực tiếp các điệp viên Nga. Hanssen tạo ra một loại mật mã để thông báo thời gian địa điểm gửi các tài liệu.

Trong vòng 5 năm sau đó, Hanssen đã đưa cho phía Nga hơn 6.000 trang tài liệu mật, trong đó có cả những kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân và vị trí vệ tinh. Đổi lại, ông ta đã nhận được 600.000 đôla tiền mặt, một số đồ trang sức quý và một chiếc đồng hồ Rolex. Phía Nga còn lập một tài khoản trị giá 800.000 tại Mátxcơva để dành sau này khi Hanssen về hưu. Số tiền nhận được đã giúp Hanssen có thể cho các con của ông vào học tại những trường học danh tiếng.

Một điệp viên sùng đạo

Trong cuộc sống hằng ngày, Hanssen bị coi là một người khó gần, ít cởi mở và không hòa nhập. Nhưng thực sự có một nơi mà Hanssen coi như là ngôi nhà thứ hai, đó là Opus Dei. Opus Dei là một tổ chức thuộc Thiên chúa giáo nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng lớn, thậm chí có tin đồn một trong những thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ và một giám đốc FBI đều là thành viên của tổ chức này. Tuy nhiên, ngay cả một số người Thiên chúa giáo cũng coi Opus Dei là một loại tà giáo. Nhiều thành viên của tổ chức này hiện vẫn còn thực hiện hành vi hành xác, tự đánh vào thân thể mình khi cầu nguyện. Tổ chức này cũng hoạt động rất bí hiểm, khiến nhiều người nghi ngại về mục đính thực sự của nó.

Vợ của Hanssen, Bonnie là người đã đưa Hanssen vào tổ chức này. Anh của bà là giáo sĩ của Opus Dei tại Rome. Một người con gái của vợ chồng Hanssen cũng làm việc cho Opus Dei.

Gia đình Hanssen đều là những người rất sùng đạo và có suy nghĩ cổ hủ và Hanssen đặc biệt đặt niềm tin vào Opus Dei, thậm chí có phần cuồng tín. Bất cứ khi nói chuyện với người nào, Hanssen đều tìm cách để đề cập tới chủ đề tôn giáo và lôi kéo người đó vào Tổ chức Opus Dei.

Mặc dù theo đạo, nhưng Hanssen lại có những hành vi quái đản. Hanssen từng chụp ảnh nude của vợ và gửi cho bạn xem, sau đó còn đặt máy quay quay lại những hình ảnh vợ chồng trên giường và khoe với bạn. Bonnie hoàn toàn không biết đến những điều này.

Có một thời gian Hanssen qua lại với một vũ nữ thoát y nghiện ma túy. Không ai hiểu rõ lý do vì sao bởi Hanssen không hề ngủ với cô gái này. Ông chỉ cho cô tiền, xe hơi và cùng nhau đi du lịch. Có thể Hanssen nghĩ rằng, với tư cách là một thành viên của Tổ chức Opus Dei, ông có nhiệm vụ cứu rỗi những con chiên lạc lối. Cũng có thể Hanssen muốn sử dụng cô gái này để phục vụ cho mục đích gián điệp của mình. Mối quan hệ này chấm dứt sau hai năm sau khi cô gái tái nghiện trở lại.

Sa lưới

Hanssen từng nghĩ mình đã rất cẩn thận khi bán bí mật cho phía Nga: không bao giờ tiết lộ tên tuổi, không gặp mặt trực tiếp với KGB. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ, Hanssen đã để lại dấu vân tay trên những tài liệu gửi cho phía Nga. Khi một cựu thành viên KGB bán lại hồ sơ về kẻ gián điệp trong lòng FBI này cho phía Mỹ vào năm 2000, Cục Điều tra liên bang Mỹ đã nghiên cứu kỹ lưỡng và phát hiện ra dấu vân tay này và truy ra Hessen. Số phận của ông đã được định đoạt.

Hanssen cũng cảm thấy mình đang bị theo dõi sau khi bị thuyên chuyển tới một vị trí khác không thể tiếp cận được các tài liệu mật, đồng thời phát hiện ra rằng, radio trên chiếc xe mà ông đi phát ra những tiếng loẹt xoẹt kỳ lạ, có thể bởi đã bị gắn tai nghe trộm. Chính vì vậy, Hanssen viết thư cho phía Nga thông báo sẽ tạm ngừng hoạt động, yêu cầu gửi số tiền là 50.000 đôla. Ông cũng xin thôi việc tại FBI.

Tuy nhiên tất cả đã quá muộn, khi tới nơi hẹn để đưa tài liệu mật lần cuối cho phía Nga và lấy tiền, Hanssen đã bị FBI bắt.

Cho tới giờ, vẫn có rất nhiều quan chức chính phủ Mỹ cho rằng bản án mà Hanssen nhận được là quá nhẹ. Thay vì bị tử hình, Hanssen bị tù chung thân không có khả năng giảm án, thậm chí vợ ông còn được nhận lương hưu dành cho vợ con của nhân viên nhà nước với mức 38.000 đôla một năm. Một số cho rằng, nếu như Hanssen bị bắt sau vụ khủng bố 11/9/2011, chắc chắn ông sẽ phải bị tử hình.

Trong buổi tuyên án vào tháng 5/2002, Robert Hanssen dường như đã già đi cả chục tuổi. Ông tuyên bố hối hận với những việc làm của mình và xin lỗi vợ con. Luật sư bào chữa cho Hanssen tuyên bố: “Đây là điệp viên điêu luyện nhất mà chúng ta đã từng thấy, ngoại trừ những người còn chưa bị bắt”

Bảo Bảo
.
.
.