Cuộc đua "rửa quốc tịch"

Chủ Nhật, 24/09/2017, 14:17
Tờ The Guardian vừa tiết lộ thông tin gây tranh cãi khi cho biết, nhiều đại gia Nga và Ukraine đang tìm cách trở thành công dân EU nhờ chương trình "Golden Visa" của Cộng hòa Síp. Và Tổ chức chống tham nhũng Nhân chứng toàn cầu lập tức kiến nghị, phải kiểm soát chặt hơn sau những phát hiện của The Guardian.

"Tất cả các nước cấp "Golden Visa" phải cẩn trọng, để việc kêu gọi đầu tư không có nghĩa một cuộc chạy đua xuống đáy của giá trị đạo đức. Và điều đó có nghĩa phải kiểm tra chặt những người xin cấp quốc tịch, cấp "Golden Visa", nếu không họ có nguy cơ cấp "thẻ ra khỏi tù" cho bọn tội phạm và bọn tham nhũng", đại diện của Tổ chức chống tham nhũng Nhân chứng toàn cầu nhấn mạnh.

Theo thông tin trên tờ The Guardian, từ năm 2013 chính quyền Cộng hòa Síp đã "bán quyền công dân" cho nhiều đại gia Nga và Ukraine - thu hơn 4 tỉ euro tiền mặt sau khi cho phép họ quyền sống và làm việc ở châu Âu. Và đã có hơn 400 hộ chiếu được cấp thông qua "Golden Visa" trong năm 2016. Bởi từ năm 2013, chương trình "đầu tư đổi quyền công dân" đã được chính quyền Cộng hòa Síp tiến hành, theo đó những ai đặt 2 triệu euro vào bất động sản, hoặc 2,5 triệu euro vào các công ty hoặc mua trái phiếu Chính phủ đều được cấp "Golden Visa".

Hội thảo Invest in America về chương trình di dân đầu tư Mỹ EB-5 thu hút đông người Trung Quốc tham dự.

Ngoài việc 7 năm phải 1 lần tới Cộng hòa Síp, người có nhu cầu cấp "Golden Visa" không bị buộc phải biết ngôn ngữ nước này, không bị buộc thường trú dài hạn. Theo tờ The Guardian, họ được xem bản danh sách với hàng trăm người "mua quyền công dân", trong đó chủ yếu là doanh nhân nổi tiếng, cá nhân có tầm ảnh hưởng chính trị. Nhiều đại gia Nga và Ukraine xuất hiện trong danh sách kể trên - họ "mua quyền công dân" không phải xác minh về nguồn gốc tài sản.

Nhưng theo Bộ Tài chính Cộng hòa Síp, chương trình "Golden Visa" dành cho các nhà đầu tư vô hại, là những người lập một cơ sở làm ăn và có quyền thường trú dài hạn ở nước này. Và việc kiểm tra an ninh được tiến hành với tất cả những ai làm đơn đầu tư, nguồn tài sản của họ phải chịu sự kiểm tra chống rửa tiền của một ngân hàng Síp. Đồng thời nhấn mạnh, Cộng hòa Síp không phải là thành viên duy nhất trong Liên minh châu Âu (EU) cấp quyền công dân cho đại gia Nga.

Tỉ phú thích sưu tầm đồ nghệ thuật Dmitry Rybolovlev là nhân vật được quan tâm nhất (được cấp quyền công dân Cộng hòa Síp năm 2012 khi sở hữu số tài sản trị giá 7,4 tỉ USD) bởi chuyên cơ của ông thường cùng tuyến với các chuyến bay khi tỉ phú Donald Trump đi vận động tranh cử Tổng thống năm 2016.

Sau khi mua biệt thự trị giá 41 triệu USD ở Palm Beach, bang Florida, Mỹ năm 2005, tỉ phú Donald Trump đã nâng cấp rồi bán lại cho ông Dmitry Rybolovlev và 3 năm sau nhà tỉ phú này bán được 95 triệu USD. Theo người phát ngôn của ông Dmitry Rybolovlev, tỉ phú này chưa hề gặp Tổng thống Donald Trump.

Nữ nghị sĩ Ana Gomes người Bồ Đào Nha coi chương trình "Golden Visa" của Cộng hòa Síp là "hoàn toàn suy đồi và trái đạo đức". "Tôi không chống các nước thành viên cấp quyền công dân hoặc cấp nhà cho người có đóng góp đặc biệt cho nước đó, như đóng góp cho khoa học, nghệ thuật hoặc thậm chí cho đầu tư. Nhưng phải là cấp visa chứ không bán visa", bà Ana Gomes nhấn mạnh.

Được biết, nghị viện châu Âu sẽ tranh luận về một đề xuất của bà Ana Gomes vào cuối năm nay, theo đó các quốc gia thành viên EU phải kiểm tra an ninh kỹ lưỡng đối với những người muốn cấp "Golden Visa". Theo giới truyền thông, bà Ana Gomez từng nhiều lần đề nghị công bố danh tính của những người "mua quyền công dân" ở Bồ Đào Nha, nhưng bất thành.

"Tại sao bí mật đến thế? Sự bí mật khiến hoạt động này rất đáng ngờ", nữ nghị sĩ đặt câu hỏi. Năm 2012, chính phủ Bồ Đào Nha phát động chương trình "Golden Visa" để thu hút các nhà đầu tư giàu có. Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần đặt mua một ngôi nhà hoặc một căn hộ có giá trị từ 500.000 euro và giữ không bán lại trong thời hạn 5 năm, họ sẽ được cấp thẻ cư trú.

Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay chương trình "Golden Visa" của Bồ Đào Nha rơi vào bế tắc, khiến 4.000 nhà đầu tư bất động sản, trong đó đa phần là người Trung Quốc rơi vào tình trạng "dở khóc, dở cười". Theo giải thích của Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha, việc chậm cấp visa trong 13 tháng qua là do một số yếu tố, bao gồm thay đổi về luật pháp. Những thay đổi diễn ra sau khi có những cáo buộc về tham nhũng và rửa tiền liên quan đến chương trình "Golden Visa".

Theo giới truyền thông, FBI đang mở rộng điều tra đối với những nghi phạm có liên quan tới đường dây bán visa cho hàng trăm nhà đầu tư Trung Quốc. Theo hồ sơ của FBI, Quỹ Nhập cư Đầu tư California (CIIF) ở San Gabriel, thành phố Los Angeles, bang California bị cáo buộc liên quan đến mạng lưới lừa đảo bán visa trị giá khoảng 50 triệu USD.

Trọng Hậu
.
.
.