Cuộc "khẩu chiến" giữa Mỹ và Iran

Thứ Hai, 24/06/2019, 09:33
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang gia tăng trong những tuần gần đây và có vẻ đã lên đến đỉnh điểm khi Washington điều tàu chiến và máy bay ném bom cùng 1.000 quân tới vùng Vịnh, còn Tehran thì phong toả Eo biển Hormuz, đe dọa nối lại hoạt động làm giàu uranium ở cấp độ cao.


Những video gây tranh cãi

Hãng tin The Guardian của Anh ngày 18-6 đưa tin, thông thường, tại Washington, vào thời điểm căng thẳng, các cuộc khủng hoảng quốc tế diễn ra trong màu đen và trắng. Như trong một bản tin nhấp nháy từ thời xa xưa, các sự kiện phức tạp được giảm xuống thành biểu tượng: biểu tượng của đúng và sai. Và lần này, những video và hình ảnh về một tàu chở dầu đang cháy ở Vịnh Oman hồi tuần trước được đưa đi đưa lại với lời cáo buộc nhằm thẳng vào Iran.

Cụ thể, hải quân Mỹ công bố các hình ảnh mới được mô tả là cảnh một tàu siêu tốc Iran tiếp cận tàu chở dầu của Nhật là Kokuka Courageous từ phía mạn phải và gỡ một thiết bị mà Lầu Năm Góc khẳng định là mìn. Theo Washington, hình ảnh này đã chứng minh Tehran đứng đằng sau vụ tấn công. Các bức ảnh khác còn cho thấy một lỗ hổng trên thân tàu, được cho là do bị một quả mìn khác đánh thủng với dấu tay của một người đã dỡ quả mìn chưa nổ.

Eo biển Hormuz - nơi trung chuyển 15% tổng lượng dầu thô toàn cầu.

Thậm chí, thông báo của quân đội Mỹ khẳng định: "Iran phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công dựa trên những bằng chứng video và các nguồn lực cũng như sự thành thạo cần thiết để nhanh chóng gỡ mìn chưa nổ". Chưa hết, một quan chức Mỹ cho biết, Iran đã phóng tên lửa nhằm bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ vài giờ trước khi xảy ra sự cố tàu chở dầu bị tấn công.

Hãng CNN dẫn lời quan chức này đưa tin, máy bay không người lái của Mỹ tiến hành chuyến bay thị sát các tàu Iran hoạt động gần 2 tàu chở dầu (một của Nhật Bản và 1 của Na Uy) và khi phát hiện thì lực lượng Iran đã phóng tên lửa đất đối không nhưng bắn trượt và bị rơi xuống biển. Hãng BBC đưa tin, tàu Kokuka Courageous bị tấn công khi đang trên đường chở 25.000 tấn methanol đến cảng Khor Fakkan của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất ngày 13-6. Một tàu chở dầu khác là Front Altair của Na Uy cũng bị tấn công cùng ngày…

Cho đến nay, Iran vẫn bác bỏ toàn bộ các cáo buộc và khẳng định đây là âm mưu nhằm đổ vấy cho nước này trong bối cảnh căng thẳng Tehran-Washington lên đến đỉnh điểm. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javda Zarif còn chỉ trích việc Mỹ cáo buộc Tehran tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh là một phần của "ngoại giao phá hoại".

Trong khi đó, Chủ tịch Công ty vận tải Kokuka Sangyo (Nhật Bản) trả lời báo chí, có "vật thể bay" tấn công tàu chở dầu Kokuka Courageous ở vịnh Oman nhưng không phải là ngư lôi vì các hư hại đều nằm ở phía trên mặt biển.

12.000 quân cho một cuộc chiến?

Chuyện hai tàu chở dầu bị hư hại ở vịnh Oman tưởng chừng chỉ dừng lại ở những lời chỉ trích, châm chọc giữa Mỹ và Iran. Nhưng không. Có vẻ như Washington đã rất "thức thời" khi tóm ngay được cái cớ không gì có thể hợp lý hơn để điều 1.000 binh sĩ đến Trung Đông. Ngày 17-6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (người vừa gửi đơn xin từ chức ngày 18-6) cho biết, hơn một tháng qua, các tàu chở dầu bị hư hại ở vùng Vịnh đã gây ra nhiều lo lắng. Do đó, Mỹ sẽ điều hơn 1.000 binh sĩ đến Trung Đông để phòng thủ và "đối phó với mối đe doạ từ Iran".

"Các cuộc tấn công gần đây của Iran đã được xác thực qua nguồn tin tình báo tin cậy mà chúng tôi có được. Hành vi thù địch của các lực lượng Iran và các nhóm ủy quyền của họ đe dọa nhân sự và lợi ích của Mỹ trên toàn khu vực", ông Shanahan nói trong tuyên bố. Đáp trả động thái của Mỹ, Iran cảnh báo phong toả công khai toàn bộ Eo biển Hormuz chiến lược và yêu cầu Mỹ lập tức rút binh sĩ, khí tài khỏi khu vực.

"Về những sự việc gần đây trên vịnh Oman, nếu Iran muốn ngăn tuyến vận chuyển dầu mỏ qua Eo biển Hormuz, chúng tôi có đủ năng lực quân sự để phong tỏa hoàn toàn khu vực này một cách công khai", Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran Mohammad Baqeri ngày 17-6 tuyên bố. Eo biển Hormuz là tuyến vận tải dầu mỏ huyết mạch nối vịnh Ba Tư và Vịnh Oman, nơi trung chuyển 15% tổng lượng dầu thô toàn cầu, hay hơn 30% lượng dầu thô thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Hầu hết dầu mỏ do các nước vùng Vịnh khai thác đều đi qua đây trước khi tới Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu.

Cùng ngày, kênh truyền hình IRIB của Iran dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani khẳng định Iran đang nắm quyền kiểm soát an ninh tại Vùng Vịnh và yêu cầu Mỹ rút lực lượng khỏi khu vực này. Bên cạnh đó, Tehran còn khẳng định đã vô hiệu hoá một trong những mạng lưới tình báo gián điệp mạng phức tạp nhất của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hoạt động tại các nước đồng minh của Tehran.

Giới quan sát nhận định rằng, có vẻ như sau một thời gian cắt đứt sự hợp tác mong manh với Iran trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - tên gọi chính thức của thoả thuận hạt nhân quốc tế giữa Iran và nhóm P5+ 1 (5 nước uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) năm 2015, Mỹ đang từng bước thực hiện chính sách "gây chiến" với quốc gia vùng Vịnh này.

Hãng tin Sputnik của Nga nhận định, một kế hoạch bài bản đã được Washington thực hiện cẩn trọng, từ việc tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế Iran đến chuyện sử dụng các đòn kích động, nhất là vào chuyện Tehran tăng số lượng làm giàu uranium ở mức 300kg được làm giàu tới 3,67%.

Nguồn dự trữ uranium của Iran tăng làm rạn nứt thêm thoả thuận hạt nhân và là tài liệu để Mỹ bổ sung cho lập luận rằng Tehran đang tiến tới sản xuất bom hạt nhân bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Trong trường hợp Iran vi phạm các giới hạn được thoả thuận thì Mỹ có thể xem xét mọi phương án, kể cả chiến tranh.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power cảnh báo, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng căng thẳng với Iran, thế giới nên lo lắng đến viễn cảnh của một "cuộc đối đầu địa ngục" giữa hai nước. Amin Saikal - Giáo sư ngành Khoa học Chính trị và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Arab và Hồi giáo tại Đại học Quốc gia Australia thì đánh giá: "Hiện tại, cả Mỹ và Iran đều nói rằng họ không muốn có chiến tranh.

Tuy nhiên, từng bước một, họ đang tiến vào một quỹ đạo xung đột. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngừng mô tả Iran là nguồn gốc của mọi tội lỗi - bao gồm khủng bố quốc tế trong và ngoài khu vực. Ông Trump đã đảo ngược chính sách can dự với Iran của người tiền nhiệm Barack Obama và đang gây áp lực tối đa lên chế độ Iran".

Cũng theo GS Amin Saikal, Mỹ đã chuẩn bị sẵn 12.000 quân để "tung" đến vùng Vịnh bất cứ lúc nào. Con số này tương đương số quân Mỹ đã sử dụng cho cuộc chiến Iraq năm 2003. Và phương án chiến tranh thậm chí đã được vạch ra từ trung tuần tháng 6. Đích thân ông Patrick Shanahan đã trình bày trong một cuộc họp của các quan chức an ninh hàng đầu Mỹ ngày 9-5.

Tờ The New York Times tiết lộ, cuộc họp hôm đó có sự góp mặt của Giám đốc CIA Gina Haspel, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Dan Coats, Cố vấn an ninh quốc gia John R. Bolton và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quan Mỹ Joseph Dunford. Hiện tàu sân bay USS Abraham Lincoln, các máy bay ném bom chiến lược B-52 và một tàu vận tải đổ bộ mang theo các tên lửa phòng không Patriot của Mỹ đã có mặt ở khu vực vùng Vịnh.

Phía Mỹ giải thích điều này là do họ có thông tin tình báo nói Iran đang chuẩn bị tấn công các căn cứ của Mỹ tại Trung Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington không tìm kiếm chiến tranh với Tehran ông Patrick Shanahan thì khẳng định quân đội sẽ sẵn sàng nếu ngoại giao thất bại.   

Theo tính toán của tờ The New York Times, nếu Iran tấn công căn cứ Mỹ tại Trung Đông và phương án triển khai 120.000 binh sĩ được lựa chọn, sẽ mất khoảng vài tuần để đưa hết số quân này tới khu vực. Iran sẽ không có khả năng quân sự để đứng vững trước hỏa lực của Mỹ. Mỹ có thể nhanh chóng tiêu diệt các cơ sở quân sự của Iran, các địa điểm hạt nhân và các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Ngoài ra, Mỹ có thể ngăn Iran chặn Eo biển Hormuz.

The New York Times dẫn lời Giám đốc Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời là đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran và là người đứng đầu Nhóm Hành động về Iran Brian Hook cho hay: "Trong 12 yêu cầu Mỹ buộc Iran phải thực hiện để có thể đối thoại, có các điều kiện tiên quyết như phải giảm sản xuất tên lửa đạn đạo, rút khỏi Syria, giải giáp lực lượng bán quân sự ở Iraq, chấm dứt ủng hộ du kích Houthi ở Yemen. Đặc biệt Tehran phải chấm dứt việc tiếp sức cho nhóm chính trị - vũ trang Hezbollah ở Lebanon và không được sở hữu bom hạt nhân, ngừng tất cả các hình thức làm giàu uranium, cho phép Liên Hợp Quốc thanh sát mọi cơ sở hạt nhân của nước này.

Tàu chiến Mỹ được điều tới vùng Vịnh.

Như vậy là các điều kiện của Washington chủ yếu tập trung làm suy giảm sức mạnh quân sự của Iran và qua đó Mỹ muốn có dàn lãnh đạo mới ở Iran, cuối cùng là một bàn cờ chính trị mới ở Iran. Và trong hơn 1 năm qua, Mỹ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho mọi thỏa thuận và cách đối phó với Iran ở tình huống xấu nhất".

Tuy nhiên, Iran cũng có một chiến lược riêng và không loại trừ khả năng quốc gia này có thể khiến bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ (có hoặc không có sự hỗ trợ của Israel và Arab Saudi) trở nên tốn kém cho Mỹ và khu vực. Chính quyền Iran cũng có thể đánh chìm một vài con tàu tại điểm hẹp nhất của Eo biển Hormuz - tuyến đường hàng hải chỉ rộng hai dặm (3,2km) theo cả hai chiều nơi hẹp nhất - nhằm gây tắc nghẽn eo biển này.

Quan trọng hơn, Iran đã xây dựng một chiến lược chiến tranh bất đối xứng dựa trên cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Bởi lẽ, dù thiếu một lực lượng không quân tiền tuyến hiện đại, nhưng Iran đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển và sản xuất các tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa như Israel. Một điểm lợi nữa đối với Iran hiện nay là mới chỉ có Anh, Israel ủng hộ ý tưởng và kế hoạch của Nhà Trắng.

Các đồng minh truyền thống khác như Australia và Canada vẫn chưa lên tiếng. Pháp và Đức thì thúc giục Mỹ không leo thang căng thẳng hơn nữa liên quan đến thỏa thuận hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Tây Ban Nha thông báo rút tàu khu trục Mendez Nunez của mình ra khỏi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ đang đến vùng Vịnh. EU thì tuyên bố sẽ chỉ phản ứng trong trường hợp Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo chính thức Iran có sự vi phạm.

Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nên theo đuổi chính sách "kiềm chế tối đa, tránh leo thang về mặt quân sự". Ngay cả các nước Arab từng công khai chống đối Iran, như Arab Saudi và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, vẫn tỏ ra dè dặt. Riêng Nga, Trung Quốc thì kêu gọi một cuộc điều tra độc lập, công bằng, minh bạch về các vụ tấn công tàu chở dầu.

Sông Thương
.
.
.