Cuộc sống đầy nước mắt của trẻ em gái ở Guatemala

Thứ Hai, 03/04/2017, 17:03
Sau khi bố cô bị đột quỵ, Reina được đưa đến Trung tâm chăm sóc trẻ em Virgen de la Asunción, gần Thủ đô Guatemala với hy vọng sẽ được chăm sóc chu đáo. Tuy nhiên, thực tế diễn ra hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của cô bé 14 tuổi.


Bạo lực, lạm dụng tình dục trong những trung tâm chăm sóc trẻ em

Một cuộc hỏa hoạn lớn tại Trung tâm chăm sóc trẻ em Virgen de la Asunción ở Guatemala hồi đầu tháng đã khiến 42 người chết. Reina bị bỏng nặng và em là một trong nhiều cô gái được đưa đến điều trị tại bệnh viện địa phương, sau đó được chuyển đến bệnh viện ở Galveston, Texas (Mỹ).

Cha của Reina, ông Lucas Nájera, được thông tin rằng, con gái mình đã chết trong vụ hỏa hoạn. Khi đến nhận xác con, ông Lucas Nájera mới biết đó là sự nhầm lẫn. "Reina sống sót và con bé được đưa ra nước ngoài mà gia đình tôi không hay biết", ông Lucas Nájera nói.

Đám tang một nạn nhân trẻ em trong vụ hỏa hoạn ở Virgen de la Asunción hồi đầu tháng 3 vừa qua.

Chính quyền Guatemala vẫn chưa lên tiếng chính thức về vụ hỏa hoạn, nhưng nhiều thông tin đã hé lộ về cuộc sống của những đứa trẻ đang sinh sống trong những trung tâm chăm sóc trẻ em ở Guatemala. Theo đó, tình trạng bạo lực, lạm dụng tình dục, buôn người đang diễn ra khá phổ biến.

Luật sư Paula Barrios nói rằng: "Trẻ em sống trong những trung tâm chăm sóc công cộng thường là những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi hoặc đã từng phạm tội. Khi đến đây, các em mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ. Các em như bị bỏ tù, bị tước quyền tự do.

Kể từ ngày 8-3, trẻ em sống trong Trung tâm chăm sóc Virgen de la Asunción đã được chuyển đến sống tại nhiều nơi khác nhau. Khi Chính phủ tiếp tục điều tra, cựu Bộ trưởng Phúc lợi xã hội Carlos Rodas cùng một số quan chức khác đã bị bắt giam".

Luật sư Barrios cho biết thêm, tình trạng "bi đát" này đã diễn ra trong thời gian dài, có nguồn gốc từ cuộc nội chiến kéo dài 36 năm ở Guatemala, trong đó, hàng ngàn cô gái đã bị hãm hiếp và lạm dụng tình dục.

Phần lớn trẻ em mang thai là kết quả của tình trạng loạn luân

Guatemala là một trong những quốc gia có tỷ lệ "bà mẹ trẻ em" cao nhất thế giới, phần lớn trẻ em mang thai là kết quả của tình trạng loạn luân. Bị chính các thành viên trong gia đình hay hàng xóm hiếp dâm là nguyên nhân chính khiến trẻ em phải tìm kiếm sự giúp đỡ tại trung tâm chăm sóc trẻ em công cộng và tư nhân.

Số liệu thống kê của Viện Pháp y quốc gia cho biết, từ tháng 1/2012 đến tháng 3-2015, xảy ra 21.232 vụ lạm dụng tình dục đối với trẻ em gái trên cả nước nhưng chỉ có 1.275 trường hợp bị đưa ra xét xử.

"Thành phố Guatemala, Escuintla, Chiquimula, Retalhuleu và Quiché là những nơi có tỷ lệ trẻ em mang thai cao nhất cả nước. Chúng tôi đã làm việc với các cô gái trẻ để trợ giúp họ về tâm lý và pháp lý", Jennifer Bravo, đại diện của Tổ chức hoạt động nhân quyền bảo vệ trẻ em Mujeres Transformando el Mundo nói.

Luật pháp của Guatemala cấm phá thai, ngoại trừ việc phá thai để cứu mạng sống cho người mẹ. "Đó là một vấn đề xã hội lớn. Những cô gái buộc phải làm mẹ sớm và không có sự trợ giúp nào từ cộng đồng. Các em phải nghỉ học để nuôi con nhỏ trong khi không có tiền để mua sữa", Jennifer Bravo nói thêm.

Sức khoẻ bà mẹ trẻ gặp nguy hiểm vì dịch vụ sinh nở đắt đỏ, không phù hợp với những người sống ở khu vực xa thành phố. Gần đây, Tổ chức "Women on Waves" của Hà Lan đã khởi động chiến dịch phá thai an toàn đầu tiên ở châu Mỹ Latinh.

Con tàu chở y, bác sỹ và các thiết bị y tế cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ miễn phí cho phụ nữ không có khả năng phá thai an toàn tại quê nhà. 300 phụ nữ Guatemala đã gọi điện, đăng ký để được khám thai miễn phí. Tuy nhiên, quân đội Guatemala đã ngăn cản, không cho phép phụ nữ lên tàu.

Luật sư Bravo nói rằng: "Cần phải cải cách hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em. Mọi việc phải bắt đầu từ nhận thức. Trẻ em không phải là đồ vật hay món hàng, mà là con người đáng được tôn trọng". Tổ chức nhân đạo Red Nina Nino đang nỗ lực đề xuất Chính phủ thay đổi các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em và kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.