Cuộc sống địa ngục của người lao động nhập cư không giấy tờ ở Malaysia

Thứ Hai, 13/02/2017, 17:56
Những người lao động di cư không giấy tờ tùy thân ở Malaysia đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Họ phải lao động kiệt sức mỗi ngày nhưng nhận lại khoản lương ít ỏi. Trong khi đó, nguy cơ bị tấn công bạo lực, cướp bóc luôn rình rập.


Làm việc kiệt sức, bị tấn công thường xuyên

Sonam Lapcha, 30 tuổi, một công nhân di cư từ Nepal cho biết, anh đã sống 5 năm trong những căn phòng chật chội cùng hàng trăm người di cư khác đến từ Nepal, Myanmar và Bangladesh.

Tất cả đều là công nhân của một nhà máy gần Thủ đô Kuala Lumpur. "Nhà vệ sinh không có cửa. Chỉ có hai bếp nấu cho tất cả công nhân lao động. Điều kiện sống ở đây tồi tệ hơn nhiều so với Nepal. Thậm chí, chúng tôi phải tự mua giường và chăn chiếu", Lapcha nói.

Nơi ở tồi tàn của 25 công nhân trong một nhà trọ ở Kuala Lumpur.

Tuy nhiên, Lapcha cũng như những đồng nghiệp của mình không có nhiều thời gian để ngủ. Anh bắt đầu công việc từ 8 giờ sáng cho đến 22 hoặc 23 giờ đêm. "Sau giờ làm việc, chúng tôi lại phải đối mặt với nguy hiểm rình rập khi đi bộ về nơi ở. Công nhân thường xuyên bị người dân địa phương đánh đập và cướp. Tệ hơn nữa, công ty không trả tiền cho chúng tôi như đã hứa. Chúng tôi phải chi phần lớn số tiền kiếm được để mua thực phẩm và di chuyển", Lapcha nói.

Lapcha quyết định rời nhà máy để tìm một công việc tốt hơn bằng cách gia nhập "đội quân lao động không có giấy tờ" ở Malaysia. Theo thống kê của một số tổ chức phi chính phủ thì "đội quân" này có số lượng lên đến 4 triệu người. Hầu hết họ đến Malaysia bằng con đường hợp pháp nhưng sau đó, giống như Lapcha trở thành người lao động không có giấy tờ.

Srey Uôn, 32 tuổi, là một trường hợp khác. Cô vượt biên vào Malaysia bất hợp pháp thông qua một đường dây buôn người ở Campuchia. Cô đến Malaysia với chồng, để lại hai đứa con nhỏ ở Campuchia.

Uôn làm việc 15 giờ/ngày tại quầy bán thảo mộc trong siêu thị ở Kuala Lumpur. Đây là công việc tẻ nhạt nhưng Uôn có thể kiếm 1.200 ringgit (khoảng 220 bảng Anh) mỗi tháng."Tôi rất lo lắng khi ở đây, nhất là khi đi ra ngoài. Tuy nhiên, tôi không có sự lựa chọn nào khác", Uôn nói.

Lao động nhập cư Nepal nói rằng, họ không bao giờ đi ra ngoài một mình hoặc theo nhóm nhỏ vì sợ bị tấn công hoặc bị cướp. "Rủi ro có thể xảy ra vào buổi sáng hoặc buổi chiều, không chỉ vào ban đêm. Mỗi ngày có một sự cố xảy ra ở khu vực này. Những kẻ tấn công nghĩ rằng, chúng tôi đến đây để lấy thức ăn, tiền bạc của họ", một người nhập cư Nepal nói với phóng viên Tờ The Guardian (Anh).

Chữa bệnh bằng cách uống 10 lon nước tăng lực mỗi ngày

Khác với người đồng hương Uôn, bà My Som, 44 tuổi, quyết định vượt biên đến Malaysia cùng với hai đứa con song sinh sau khi chồng qua đời. "Tôi thậm chí không có thời gian nhìn mặt hai đứa trẻ.

Tôi làm việc từ 8 giờ sáng đến 23 giờ đêm và chỉ có hai ngày nghỉ mỗi tháng. Ngay cả khi bị ốm tôi vẫn phải làm việc, nếu không sẽ mất việc vì không có giấy tờ gì. Các trường công lập ở Malaysia thường không thừa nhận con cái của lao động không có giấy tờ", bà My Som nói.

Đến bệnh viện chữa bệnh cũng là việc làm "xa xỉ" của lao động không giấy tờ ở Malaysia. Mahesh Mondal, 20 tuổi, đến từ Nepal cho biết, anh đã quyết định bỏ việc ở nhà máy để làm bảo vệ.

Mahesh Mandal, 20 tuổi, đến từ Nepal, tự chữa bệnh sốt xuất huyết bằng cách uống 10 lon tăng lực mỗi ngày.

Anh trở thành lao động không giấy tờ vì hộ chiếu đã bị ông chủ tịch thu. Mahesh Mondal mắc bệnh sốt xuất huyết nhưng không thể đến bệnh viện chữa trị vì không có hộ chiếu. Phương pháp chữa bệnh phổ biến của những người di cư như Mahesh Mondal là uống 10 lon nước tăng lực mỗi ngày.

Những người di cư không có giấy tờ cũng sợ phải đối mặt với cảnh sát. Thậm chí, họ còn gọi cảnh sát là "những tên cướp trong bộ đồng phục". Vani, một lao động không có giấy tờ người Campuchia nói rằng, anh rất lo lắng khi thấy cảnh sát.

"Tôi đã bị cảnh sát hỏi thăm bốn lần và lần nào cũng mất một khoản tiền không nhỏ. Có lần tôi đã phải đưa cho cảnh sát 700 ringgit, gần như tất cả số tiền mà tôi kiếm được trong một tháng. Bây giờ, mỗi khi bị cảnh sát dừng xe, tôi chỉ cần hỏi xem họ cần bao nhiêu tiền", Vani nói.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.