Cường giả vi anh hùng

Chủ Nhật, 25/03/2018, 11:18
Ngày 16-3, 3 cường quốc châu Âu là Anh, Pháp, Ðức đã ra một tuyên bố chung đề xuất Liên minh châu Âu (EU) ra lệnh trừng phạt mới với Iran quanh chương trình tên lửa nước này cũng như vai trò của Iran trong chiến tranh Syria.


Theo tài liệu Reuters thu thập được, tuyên bố cáo buộc Iran cung cấp tên lửa và chuyển giao công nghệ tên lửa cho Syria và các đồng minh của Iran như nhóm nổi dậy Houthi ở Yemen và nhóm Hezbollah ở Liban. 3 nước đề xuất trừng phạt cấm đi lại và phong tỏa tài sản, cấm làm ăn và giao dịch với EU.

“Trong những ngày tới chúng tôi sẽ thông báo danh sách các cá nhân và công ty mà chúng tôi cho là cần bị trừng phạt vì vai trò của họ”, tuyên bố của 3 nước viết.  Lời lẽ trong tài liệu muốn nói đến các vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran và vai trò của Iran trong việc ủng hộ Chính phủ Syria trong 7 năm nội chiến. Tuyên bố chung cho biết, 3 nước “gắn kết đối thoại với chính phủ Trump nhằm đạt được một sự tái đảm bảo rõ ràng và lâu dài ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran từ Mỹ trước ngày 12-5”.

Theo Reuters, mục đích sâu xa của động thái này không gì khác ngoài nhằm thuyết phục Mỹ giữ lại thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran năm 2015. Bước đi này cho thấy sau rất nhiều phản đối và phản bác, cuối cùng các “ông lớn” ở châu Âu vẫn phải khuất phục trước Mỹ về vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tổng thống Trump trước nay luôn giữ quan điểm phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran không hiệu quả trong việc kiềm chế Iran, khi không bao choàng cả chương trình tên lửa nước này. Theo thỏa thuận được ký giữa Iran và nhóm P5+1, Iran chấp nhận ngưng chương trình hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ phần lớn trừng phạt.

Ngày 12-3 vừa qua, ông Trump đã gửi tối hậu thư đến các nước châu Âu cùng ký thỏa thuận, yêu cầu phải đồng ý “sửa chữa các lỗi nghiêm trọng trong thỏa thuận hạt nhân Iran”, hoặc ông sẽ khôi phục trừng phạt của Mỹ với Iran. 

Theo điều khoản thỏa thuận, Mỹ phong tỏa có thời hạn trừng phạt Iran trong thời gian thỏa thuận được thực thi. Ngày 12-5 tới là thời hạn Tổng thống Trump phải ban hành một lệnh “tạm ngưng” trừng phạt Iran mới, nếu ông Trump từ chối, trừng phạt của Mỹ với Iran sẽ được khôi phục và xem như Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận. Nhiều nhà phân tích lo ngại thỏa thuận hạt nhân Iran có thể sẽ sụp đổ nếu Mỹ rút khỏi.

Theo Reuters, bước đi này của Anh, Pháp, Đức vượt trên cả mong đợi của Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo một bức điện ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ mà Reuters thu thập được tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ vạch ra một con đường đơn giản hơn để làm hài lòng ông Trump: chỉ cam kết cải thiện thỏa thuận.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng chính vì sự “yếu đuối” đó mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bị Tổng thống Trump thông báo sa thải vào ngày 13-3 qua Twitter. 

Điều này có thể nhìn thấy trong lời giải thích của ông Trump khi sa thải ông Tillerson: “Khi quý vị nhìn vào thỏa thuận hạt nhân Iran, tôi nghĩ đây là một thỏa thuận tồi tệ, một thỏa thuận sơ sài”. 

Tổng thống Trump đã dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran từ hồi tháng 5, và cho biết hồ sơ Iran là một trong số những bất đồng giữa ông và Ngoại trưởng Rex Tillerson. 

Theo AFP, quyết định sa thải ông Tillerson là một điềm xấu đối với sự tồn tại của thỏa thuận hạt nhân với Iran. Mặt khác, theo AFP, đây còn là một lời cảnh báo mà ông Donald Trump gửi đến các đồng minh châu Âu.

Theo Reuters, bước đi của châu Âu ngoài việc để chiều lòng Mỹ, còn thể hiện thái độ thất vọng của châu Âu với Iran. “Chúng tôi đang cảm thấy khó chịu. Chúng tôi đã đối thoại với họ trong suốt 18 tháng mà không có tiến triển gì về chuyện này”, một nhà ngoại giao EU nói với Reuters.

Sau khi có thông tin này, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Aqrachi đã khuyên châu Âu không nên theo hướng đi của Mỹ về thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, giữa một nước Mỹ hùng mạnh cả về kinh tế, quân sự lẫn chính trị và một Iran nhỏ bé, chắc chắn châu Âu đã có sự chọn lựa.

Anh Khôi
.
.
.