Cướp biển ở khu vực Đông Nam Á ngày càng “chuyên nghiệp”

Thứ Năm, 01/09/2016, 12:25
Một báo cáo mới được Cục Hàng hải Quốc tế (IMB) có trụ sở tại London công bố cho thấy, số vụ cướp biển trên thế giới, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á giảm trong 6 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên, Đông Nam Á vẫn được coi là một “thiên đường” để cướp biển hoạt động.


Một mạng lưới hoạt động "hoàn hảo"

Theo ghi nhận của IMB, có 98 vụ cướp biển trên toàn thế giới trong 6 tháng đầu năm 2016, con số này trong cùng kỳ năm ngoái là 134 vụ. Năm 2010 và 2003 là những năm có số vụ cướp biển cao “kỷ lục” với 445 vụ tấn công mỗi năm. Tình hình cũng đã được “cải thiện” trong khu vực Đông Nam Á. Trong 6 tháng đầu năm 2016, số lượng các vụ cướp biển ở khu vực Đông Nam Á giảm xuống còn 24 vụ, so với 54 vụ trong cùng thời kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực Đông Nam Á được coi là “thiên đường” của cướp biển, nhiều tuyến hàng hải trong khu vực có số lượng tàu thuyền qua lại sôi động hàng đầu thế giới. Một mê cung của các hòn đảo chính là “nơi trú ẩn an toàn” cho những tên cướp biển. Trong khi đó, các lực lượng chức năng trong khu vực chưa đủ mạnh để đối phó với tình hình.

Những vụ cướp biển tấn công trên vùng biển Đông Nam Á trong năm 2015.

Karsten von Hoesslin, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á của một công ty tư vấn an ninh Đan Mạch  nói với phóng viên tờ DW (Đức) rằng, một trong những vấn đề đáng lo ngại là “tính chuyên nghiệp” của hải tặc ngày càng tăng. "Các băng nhóm tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp. Chúng không ngừng mở rộng mạng lưới và phạm vi hoạt động. Tất cả mọi thứ đều được kế hoạch hóa chi tiết, là một phần của hoạt động tội phạm quy mô lớn”,  ông Karsten von Hoesslin nói.

Theo chuyên gia Karsten von Hoesslin, một mạng lưới cướp biển “điển hình” hiện nay bao gồm khá nhiều thành phần như cướp biển, lãnh đạo nhóm, người trung gian,  liên lạc viên… Trong mạng lưới này cũng có các chuyên gia - những người có thể giả mạo tài liệu về hàng hóa cướp được để đem bán, một "con tàu ma" có thể vận chuyển hàng hóa, người mua hàng, nhà đầu tư tài chính, gián điệp hay "người trong cuộc" - có thể là nhân viên cảng, công chức hải quan, thuyền viên…

Sau khi tất cả các công việc chuẩn bị hoàn thành, những tên cướp biển mới ra tay hành động. Chúng lựa chọn con tàu để tiến hành cướp, chế ngự thành viên phi hành đoàn, làm gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc của tàu và chuyển hàng hóa bị đánh cắp sang "con tàu ma". Quá trình này thường diễn ra trong khoảng thời gian từ sáu đến mười giờ. Hàng hóa được vận chuyển đến nhiều nơi trên thế giới như Hồng Kông, Singapore, thậm chí là Rotterdam, Hà Lan.

Hầu hết hàng hóa bị cướp trên biển Đông Nam Á vào năm 2015 là xăng, dầu cọ, nhiên liệu sinh học hoặc khí lỏng. Việc vận chuyển các sản phẩm trên đòi hỏi sự hiểu biết về chuyên môn và cướp biển cũng có những chuyên gia tư vấn về lĩnh vực này. Một số người giúp chúng tạo ra chứng chỉ giả cho hàng hóa cướp được để “làm tăng xác suất thành công, giảm thiểu rủi ro”. Việc làm giả giấy tờ pháp lý cho các sản phẩm như dầu cọ, gas hay xăng được cho là rất đơn giản.

Mô hình về “mạng lưới cướp biển” ở Đông Nam Á.

Lợi nhuận kếch xù

Hiện chưa có thống kê chính xác về số tiền mà cướp biển thu được ở vùng biển Đông Nam Á nhưng chắc chắn, đó phải là con số lên đến vài trăm triệu USD mỗi năm. 

Theo ước tính, sau cuộc tấn công, mỗi tên cướp biển có thể “bỏ túi” hơn 32.000 USD, lãnh đạo nhóm kiếm được 109.000 USD. Các cuộc tấn công trên biển ở khu vực Đông Nam Á ít xảy ra thương vong. 

Theo báo cáo của IMB, trong năm 2015, khoảng 200 người đã bị bắt làm con tin ở khu vực Đông Nam Á, bốn trong số họ bị thương và không ai bị cướp biển giết hại.

Chuyên gia von Hoesslin nhận định rằng, bạo lực không phải là mục đích của cướp biển trong khu vực Đông Nam Á. “Các nhóm cướp biển cho rằng, giết người là phương sách cuối cùng. Bạo lực sẽ chỉ làm cho mọi việc khó khăn hơn với chúng. Những tên cướp biển thường sử dụng "Shabu" - một loại thuốc được sử dụng rộng rãi ở châu Á giúp tỉnh táo đến ba ngày, đồng thời làm chúng trở nên mạnh mẽ hơn”, ông von Hoesslin nói.

Cướp biển từ lâu đã là vấn đề đáng lo ngại trong khu vực. Mặc dù Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã quyết định phối hợp tuần tra chung trong chiến dịch mang tên "Eyes in the Sky Initative". 

Tuy nhiên, ông von Hoesslin tin rằng, hoạt động trên chưa mang lại hiệu quả thiết thực vì các cuộc tuần tra thường diễn ra vào ban ngày trong khi cướp biển lại chủ yếu hoạt động vào ban đêm. 

Theo ông von Hoesslin, các quốc gia trong khu vực cần tăng cường niềm tin, phối hợp với nhau một cách mạnh mẽ và có chiều sâu. Bên cạnh đó, các lực lượng hoạt động trên biển phải được đào tạo và trang bị vũ khí hiện đại hơn nữa.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.