Hy Lạp:

Cựu Bộ trưởng Tài chính chỉ bị 1 năm tù

Thứ Tư, 01/04/2015, 10:00
Bản án 1 năm tù được tòa án đặc biệt ở thủ đô Athens của Hy Lạp tuyên đối với cựu Bộ trưởng Tài chính George Papaconstantinou hôm 24/3 đang khiến dư luận nước này bàn tán.

Bởi ông George Papaconstantinou không những có liên quan tới bê bối "danh sách Lagarde", mà còn bị cáo buộc phạm tội giả mạo giấy tờ khi bỏ tên 3 người thân của mình ra khỏi danh sách 2.000 công dân Hy Lạp có tài khoản tiền gửi tại chi nhánh của ngân hàng HSBC tại Thụy Sĩ và bị điều tra trốn thuế.

Cựu Bộ trưởng Tài chính phải hầu tòa từ hôm 25/2 với cáo buộc giúp người thân giấu tiền ở Thụy Sĩ và ông George Papaconstantinou phải đối mặt với mức án tối đa (tù chung thân) nếu bị phát giác đã xóa tên người thân trong danh sách 2.000 người Hy Lạp có tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ tại ngân hàng HSBC năm 2010.

Trước đó (11/12/2014), Tòa án Tối cao Hy Lạp từng tuyên bố cựu Bộ trưởng Tài chính George Papaconstantinou, sẽ phải ra trước vành móng ngựa với cáo buộc giả mạo giấy tờ. Việc này diễn ra sau khi Quốc hội Hy Lạp quyết định đưa cựu Bộ trưởng Tài chính George Papaconstantinou vào danh sách điều tra (tháng 7-2014), đồng thời coi hành động của ông đã phá hoại hình ảnh đất nước, cũng như uy tín của người đứng đầu ngành tài chính quốc gia.

Cựu Bộ trưởng Tài chính George Papaconstantiou.

Theo giới chuyên môn, với tội giả mạo giấy tờ, ông George Papaconstantinou, người làm Bộ trưởng Tài chính từ tháng 10/2009 đến tháng 6/2011 dưới thời cựu Thủ tướng George Papandreou, có thể bị tuyên 5 năm tù, thậm chí phải nhận mức án chung thân nếu bị phát hiện phạm cả hai tội danh kể trên. Công tố viên Xeni Dimitriou đã đề nghị mức án cao hơn, nhưng tòa lại chấp nhận lời biện hộ của các luật sư khi nói rằng, bị cáo có tiền sử trong sạch.

Mặc dù đã rời chính trường, nhưng ông George Papaconstantinou vẫn được coi là kiến trúc sư của chương trình "thắt lưng buộc bụng" mà Chính phủ Hy Lạp từng thực hiện để đổi lấy các gói cứu trợ với tổng trị giá 240 tỷ euro của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu năm 2010. Bởi ông George Papaconstantinou từng là trưởng đoàn đàm phán với các chủ nợ quốc tế về gói hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp trị giá hàng trăm tỷ euro.

Hơn 1 năm trước (12/1/2014),  Hội đồng xét xử Hy Lạp đã quyết định mở cuộc điều tra về hành vi giả mạo giấy tờ đối với cựu Bộ trưởng Tài chính George Papaconstantinou. Và vụ xét xử ông George Papaconstantinou được dư luận, nhất là giới chuyên môn châu Âu đặc biệt quan tâm và theo dõi chặt chẽ bởi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang phải thực hiện các biện pháp cải cách để được gia hạn nợ. Và các biện pháp này phải đảm bảo ngăn chặn tình trạng trốn thuế, chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ.

Được biết, "danh sách Lagarde" là một trong những vụ bê bối nghiêm trọng nhất về hành vi sai trái của chính giới Hy Lạp trong những năm qua. 

Vụ bê bối này được đặt theo tên Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde bởi bà từng trao bản danh sách này cho Chính phủ Hy Lạp như một phần trong các nỗ lực chống trốn thuế, ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ và khôi phục tăng trưởng kinh tế ở Hy Lạp. 

Nhưng ông George Papaconstantinou đã giấu "danh sách Lagarde", trong khi tại một số quốc gia khác, bản danh sách tương tự đã được kiểm tra nhằm phát hiện những chủ tài khoản tại chi nhánh HSBC ở Thụy Sĩ liệu có trốn thuế hay không.

Theo giới truyền thông, Hy Lạp và Thụy Sĩ đã tái khởi động chương trình hợp tác đối phó trước việc công dân Hy Lạp trốn thuế. Giới chức Thụy Sĩ cho biết, sẽ rút kinh nghiệm từ những lần hợp tác chống trốn thuế với Đức, Pháp, Italia để đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất cho Hy Lạp. Trong khi đó, ngăn chặn tình trạng trốn thuế và thu hồi những khoản thuế chưa nộp đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Hy Lạp. Ước tính, số tiền công dân Hy Lạp gửi tại các ngân hàng Thụy sĩ để trốn thuế có thể dao động từ 30 đến 60 tỷ Euro.

Hơn 1 tháng trước (8/2), Hiệp hội Phóng viên Điều tra quốc tế (ICIJ) công bố kết quả điều tra cho thấy, HSBC đã sử dụng hệ thống ngân hàng bí mật của Thụy Sĩ để che giấu danh tính các chủ tài khoản, và trong nhiều trường hợp giúp người gửi tiền trốn thuế, và hoạt động này đã giúp họ thu được những khoản lời khổng lồ trong nhiều năm.

Ước tính, thông qua chi nhánh tại Thụy Sĩ, HSBC đã giúp nhiều khách hàng được cho là những kẻ buôn lậu vũ khí, trốn thuế, các nhà độc tài và người nổi tiếng... che giấu số tài khoản trị giá hơn 100 tỷ USD. Gửi tiền ở nước ngoài không phạm pháp, nhưng rất nhiều người đã dùng cách này để trốn thuế.

Mạnh Phong
.
.
.