Cựu Phó đại sứ Triều Tiên đã đào tẩu như thế nào?

Thứ Hai, 06/02/2017, 14:07
Vì được coi là quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên đào tẩu tới Hàn Quốc, nên những phát ngôn của cựu Phó đại sứ Triều Tiên tại London (Anh), ông Thae Yong-ho luôn được dư luận quan tâm.


Trong tuyên bố hôm 25-1, ông Thae Yong-ho cho biết lý do đào tẩu là bởi bất mãn với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đồng thời tiết lộ, có nhiều nhà ngoại giao Triều Tiên đang chờ cơ hội để tới Hàn Quốc.

Trước đó (27-12-2016), hãng Yonhap dẫn lời ông Thae Yong-ho (nói trong cuộc họp báo hôm 27-12-2016) cho biết, Bình Nhưỡng sẽ phát triển vũ khí hạt nhân bằng mọi giá vào cuối năm 2017 và Mỹ-Hàn đều không thể ngăn cản Triều Tiên thực hiện chiến lược này.
Ông Thae Yong ho - quan chức đào tẩu của Triều Tiên.

Gần 2 tháng trước (19-12-2016), tại cuộc gặp một số thành viên của Ủy ban tình báo thuộc Quốc hội Hàn Quốc, ông Thae Yong-ho đã phủ nhận cáo buộc cho rằng, việc đào tẩu của ông diễn ra nhằm trốn tránh sự trừng phạt của Bình Nhưỡng sau khi phạm tội. Đồng thời cho biết, không còn được cơ quan Tình báo Hàn Quốc bảo vệ từ ngày 23-12-2016, nhưng sự an toàn của ông và gia đình vẫn được cơ quan ninh an nước này giám sát.

Cựu Phó đại sứ Triều Tiên cũng thông báo, đã giữ lại tất cả tài liệu, chứng từ trong suốt thời gian làm việc ở Đại sứ quán tại Anh để làm bằng chứng phủ nhận những cáo buộc của Bình Nhưỡng - đã phạm hàng loạt tội danh, trong đó có biển thủ công quỹ, rò rỉ bí mật nhà nước và ấu dâm. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hàn Quốc Lee Cheol-woo thừa nhận có cuộc nói chuyện với ông Thae Yong-ho hôm 19-12-2016.

Theo giới truyền thông, sau khi tới Hàn Quốc (tháng 8-2016), ông Thae Yong-ho xuất hiện trong một số chương trình truyền hình và từ tháng 12-2016 đến nay, cựu Phó đại sứ Triều Tiên tại London đã đề cập tới nguyên nhân của vụ đào tẩu và cuộc sống hiện nay của mình.

Được biết, ông Thae Yong-ho đã trở thành nhà nghiên cứu trong cơ quan an ninh quốc gia Hàn Quốc. Ông Thae Yong-ho sinh ra trong một gia đình danh giá, có công với đất nước - bố là Tướng Thae Pyong-ryol, người đã cùng chiến đấu với lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Vợ cựu Phó đại sứ Triều Tiên, bà Oh Hae-son là con gái ông Oh Baek-ryong, một trong những lãnh đạo cấp cao của phong trào du kích chống Nhật.

Theo giới truyền thông, ông Thae Yong-ho tới Hàn Quốc cùng vợ và 2 con trai hồi tháng 8-2016. Trước đó, cựu Phó đại sứ Triều Tiên từng được giới truyền thông cho rằng, đã nhận được sự giúp đỡ của nhân viên tình báo Anh và Mỹ trong vụ đào tẩu.

Ngày 21-8-2016, tờ Express dẫn các nguồn tin độc quyền cho biết, ông Thae Yong-ho đã liên lạc với nhân viên tình báo Anh tại một câu lạc bộ golf ở thị trấn Watford. Và việc này đã được tình báo Anh thông báo với tình báo Mỹ. Và sáng sớm một ngày trung tuần tháng 7-2016, một phi cơ RAF BAe 146 thuộc Phi đội Hoàng gia Anh đã đón cả gia đình ông Thae Yong-ho đi "lánh nạn".

Trước vụ đào tẩu của ông Thae Yong-ho, một nhân viên ngoại giao Triều Tiên làm việc ở Tổng lãnh sự quán của Triều Tiên tại Vladivostok, Nga cũng "biến mất" cùng gia đình và mang theo một lượng ngoại tệ lớn. Được biết, người này từng làm việc trong lĩnh vực thương mại thuộc Bộ Thương mại Triều Tiên và đã tới Hàn Quốc sinh sống.

Theo tờ JoongAng Ilbo, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cách chức Thứ trưởng ngoại giao Kung Sok-ung, buộc ra khỏi Bình Nhưỡng về khu vực nông thôn cùng gia đình, vì phải chịu trách nhiệm trong vụ đào tẩu của ông Thae Yong-ho hồi cuối tháng 7-2016.

Sau sự cố kể trên, Bình Nhưỡng đã cấm công dân ra nước ngoài mang theo cả gia đình và Triều Tiên cũng hạn chế cử người ra nước ngoài làm việc để tránh tạo cơ hội cho họ đào tẩu. Ngày 23-10-2016, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đã phê phán Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye xúi giục người Triều Tiên đào tẩu.

Theo thống kê của đài RFA, trong năm 2016 đã có 19 người tị nạn Triều Tiên nhập cảnh vào Mỹ. Và kể từ khi Quốc hội Mỹ sửa đổi Luật nhân quyền Triều Tiên năm 2004, số người nhập cảnh vào Mỹ đã vượt ngưỡng 210, trong đó có 128 phụ nữ. Những người này được nhận từ 200-300 USD/tháng, tùy theo khu vực mà họ sinh sống. 

Còn theo hãng Yonhap (dẫn số liệu từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc), đã có 1.414 người Triều Tiên tới Hàn Quốc trong năm 2016, tăng 11% so với 1.275 người của năm 2015. Và tổng số người Triều Tiên đã trốn sang Hàn Quốc (tới cuối tháng 12-2016) là 30.208 người. Ngày 27-11-2016, Bộ Thống nhất Hàn Quốc công bố kế hoạch gồm 7 điểm nhằm hỗ trợ cho những người đào tẩu Triều Tiên. 

Trước đó (tháng 10-2016), Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se tuyên bố, số lượng thành phần ưu tú của Triều Tiên trốn sang nước này đã tăng trong năm 2016.

Quốc Dũng
.
.
.