Cựu Thủ tướng Moldova sẽ phải đối mặt với bao nhiêu năm tù?

Thứ Năm, 22/10/2015, 13:00
Người dân Moldova đang bàn luận về bản án mà cựu Thủ tướng Vlad Filat sẽ phải đối mặt sau khi ông bị còng tay ngay giữa trụ sở Quốc hội hôm 15/10. Việc này diễn ra ngay sau khi Công tố viên trưởng Corneliu Gurin yêu cầu Quốc hội hủy quyền miễn trừ dành cho nghị sĩ của ông Vlad Filat, hiện là thủ lĩnh đảng Tự do-Dân chủ Moldova (LDPM).

Trong văn bản gửi Quốc hội, ông Corneliu Gurin khẳng định, họ có đủ bằng chứng chứng minh, khi là Thủ tướng, ông Vlad Filat đã trực tiếp tham gia vào việc rút tiền từ hệ thống ngân hàng. Và có tới 79/99 nghị sĩ tham gia bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Công tố viên trưởng Corneliu Gurin. Những người lãnh đạo biểu tình đã coi vụ bắt giữ ông Vlad Filat là một thắng lợi trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Được biết, ông Vlad Filat bị giam trong 72 tiếng kể từ khi bị bắt bởi cựu Thủ tướng bị cáo buộc có liên quan tới vụ biển thủ 1 tỉ USD (tương đương khoảng 1/8 GDP của Moldova) từ hệ thống ngân hàng. Theo cáo buộc của ông Corneliu Gurin, cựu Thủ tướng Vlad Filat đã biển thủ 250 triệu USD từ hệ thống ngân hàng, bằng ¼ số tiền 1 tỉ USD bị "biến mất" hồi tháng 11/2014.

Cựu Thủ tướng Vlad Filat.

Theo giới truyền thông, từ tháng 11/2014, cơ quan chức năng đã đặt 3 ngân hàng lớn nhất Moldova (Ngân hàng Tiết kiệm, Ngân hàng Xã hội và Ngân hàng Kinh tế) vào diện kiểm soát đặc biệt sau khi mất khả năng thanh toán do bị "rút ruột" 1 tỉ USD. Đến tháng 4/2015, Ngân hàng Trung ương Moldova phát hiện 3 ngân hàng kể trên từng chấp nhận một khoảng vay lên đến 1 tỉ USD cho những người chưa được xác định danh tính. Giới truyền thông coi đây là vụ "gian dối thế kỷ", hay "vụ lừa đảo thế kỷ". Thống đốc Ngân hàng Trung ương Dorin Dragutanu tuy từ chức hồi tháng 9, nhưng phủ nhận mọi cáo buộc gian lận có liên quan tới sự biến mất của 1 tỉ USD.

Theo hãng CNN, 1 tỉ USD đã biến mất khỏi 3 ngân hàng hồi tháng 11/2014 và mọi dữ liệu liên quan đến vụ này đều bị xóa sạch khỏi hệ thống máy tính. Nhưng sau khi Ngân hàng Trung ương Moldova thuê hãng điều tra tài chính hàng đầu Kroll, họ đã tìm ra hung thủ. Và cơ quan chức năng Moldova đã bắt ông Ilan Shor (5/5), một trong những doanh nhân giàu nhất nước này với cáo buộc, đã bí mật giành quyền kiểm soát và lấy đi 1 tỉ USD từ 3 ngân hàng kể trên chỉ trong 3 ngày. Ông Vlad Filat nắm quyền trong giai đoạn 2009-2013 và mất ghế Thủ tướng sau khi liên minh cầm quyền đổ vỡ.

Chiều 13/2/2013, ông Vlad Filat xác nhận, đảng Tự do - Dân chủ Moldova (LDPM) do mình đứng đầu đã rút khỏi Liên minh vì liên kết châu Âu (AEI) cầm quyền gồm 3 chính đảng LDPM, đảng Tự Do (LPM) và đảng Dân chủ (DPM). Dư luận cho rằng, việc làm của cựu Thủ tướng Vlad Filat đã khiến đồng tiền Moldova suy yếu và mức sống người dân bị suy giảm. Nhưng cựu Thủ tướng Vlad Filat đã phủ nhận cáo buộc gian lận, đồng thời tuyên bố, đây là "buổi diễn rẻ tiền" và ông có thể chứng minh sự vô tội tại tòa án.

Theo phát ngôn viên Văn phòng chống tham nhũng Moldova, ông Vlad Filat đang bị thẩm vấn sau khi bị còng tay và áp giải ra khỏi tòa nhà Quốc hội hôm 15/10. Một chi tiết thú vị được dư luận đề cập - có hàng trăm người biểu tình đã chặn các lối ra vào tòa nhà Quốc hội để ngăn cựu Thủ tướng Vlad Filat bỏ trốn. Còn lãnh đạo người biểu tình Renato Usatii hứa, sẽ mua một chiếc Mercedes cho bất kỳ cảnh sát nào còng tay ông Vlad Filat tại Quốc hội.

Theo cựu Phó Thủ tướng Moldova Valentin Dolganiuk, một trong những nhà tổ chức biểu tình, gần 1.000 ôtô đã tham gia hoạt động do phong trào "Phẩm giá và Quyền lợi" phát động, nhằm phản đối chính phủ hiện nay. Và trước tình hình diễn biến phức tạp, Thủ tướng Valery Streles và Chủ tịch Quốc hội Andrian Candu đều phải tuyên bố, chính quyền sẵn sàng đối thoại để giải quyết các vướng mắc, cũng như bảo đảm quyền tự do của người biểu tình trong khuôn khổ hiến pháp, nhưng khẳng định sẽ không từ chức.

Theo giới truyền thông, sự biến mất của 1 tỉ USD đã khơi dậy làn sóng phẫn nộ tại quốc gia 3,5 triệu dân, và là một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Đã có hàng vạn người biểu tình với khẩu hiệu "Filat phải vào tù!".

Đêm 3/10, sau khi phong tỏa đại lộ ở trung tâm thủ đô Chisinau, những người biểu tình phản đối Tổng thống Nicolae Timofti dọa sẽ chuyển sang "kế hoạch B", theo đó sẽ phong tỏa tất cả các tuyến đường trên toàn quốc. Người biểu tình yêu cầu Tổng thống Nicolae Timofti và chính phủ từ chức, đồng thời tiến hành bầu cử quốc hội trước kỳ hạn, và trừng phạt những người có liên quan đến vụ "biến mất" 1 tỉ USD. Liên minh châu Âu (EU) và giới chức phương Tây tại Chisinau cho rằng, chính phủ của Tổng thống Nicolae Timofti đã không làm hết sức để cải thiện chất lượng quản lý kinh tế và dập tắt tham nhũng đang tràn lan tại nước này.

Thiện Lân
.
.
.