Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị tước hàm Trung tá cảnh sát?

Thứ Hai, 28/09/2015, 14:24
Tối 19/9, bất chấp lệnh cấm, hàng trăm người đã biểu tình ở tượng đài Dân chủ tại Bangkok, để kỷ niệm 9 năm ngày cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ. Trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết, đã nhận được đề nghị tước hàm Trung tá cảnh sát của ông Thaksin Shinawatra và yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Paiboon Koomchaya xem xét vấn đề này. Cho dù Thủ tướng Prayuth Chan-ocha ký quyết định, việc này vẫn phải trình lên Quốc vương Bhumibol Adulyadej phê duyệt trước khi chính thức có hiệu lực.
Trung tá cảnh sát trẻ tuổi

Theo lý lịch lưu tại Học viện Cảnh sát, ông Thaksin Shinawatra sinh ngày 26/7/1949 tại Chiềng Mai, Thái Lan; là người Thái gốc Hoa - đời thứ 4 sống tại Thái Lan. Tổ tiên ông Thaksin Shinawatra là người Phúc Kiến, Trung Quốc, vốn mang họ Khâu di cư tới Thái Lan từ cuối triều nhà Thanh. Bố ông Thaksin Shinawatra là người buôn hàng tơ lụa, khá thành công trên thương trường bởi biết mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đã nhanh chóng nổi tiếng trong giới kinh doanh.

Không những thành công trên thương trường, bố ông Thaksin Shinawatra còn khá thành công trên chính trường - là người sáng lập ra đảng Độc lập tại Chiềng Mai và đảng này đã đóng góp khá nhiều nghị sỹ cho Hạ viện Thái Lan. Những thành công trên thương trường và chính trường của người cha đã có ảnh hưởng sâu đậm và thôi thúc ông Thaksin Shinawatra vươn lên.

Ông Thaksin Shinawatra.

Năm 1969, ông Thaksin Shinawatra thi vào trường cảnh sát Bangkok và tốt nghiệp với tấm bằng thủ khoa. Ra trường với quân hàm Thiếu uý, ông Thaksin Shinawatra làm việc tại Cục cảnh sát Thái Lan. Năm 1973, khi mới 24 tuổi nhưng ông Thaksin Shinawatra đã giành được suất học bổng của Chính phủ sang Mỹ học chuyên ngành tội phạm học và chỉ sau 1 năm 4 tháng tu nghiệp, ông Thaksin Shinawatra đã trở về Thái Lan với tấm bằng Thạc sỹ trong tay.

Theo giới truyền thông, bà Pojamarn nhận lời kết hôn với ông Thaksin Shinawatra ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Sau đó tình nguyện sang Mỹ, làm đủ mọi nghề để chồng yên tâm làm luận án Tiến sỹ về chuyên ngành tội phạm học. Năm 1979, khi mới 30 tuổi nhưng ông Thaksin Shinawatra ngoài việc có tấm bằng Tiến sỹ trong tay, còn mang về Thái Lan con trai cả Panthongtae, chiếc Mercedez và 200.000 baht (số tiền dành dụm của vợ).

Trước khi trở thành vợ ông Thaksin Shinawatra, bà Pojamarn được nhiều chàng trai ve vãn bởi là con gái rượu của Trung tướng cảnh sát Samer Damapong, một nhân vật đang lên trong giới cảnh sát Thái Lan thời kỳ đó. Khi gặp ông Thaksin Shinawatra lần đầu tiên, bà Pojamarn còn là nữ sinh trung học, nhưng rồi duyên phận đã gắn kết 2 người với nhau. Tuy được sinh ra và lớn lên trong một gia đình quan chức cấp cao, nhưng bà Pojamarn không ham đua đòi như bao cô gái khác, ngược lại có chí tiến thủ, sắc sảo hơn người. Ví dụ điển hình nhất cho điều này là việc sang Mỹ phục vụ chồng làm luận án Tiến sỹ.

Ông Thaksin Shinawatra và bà Pojamarn Shinawatra.

Sau khi thấy mọi việc khá ổn định, bà Pojamarn đã quyết định dùng số vốn 200.000 baht để môi giới bất động sản, kinh doanh vải vóc, sau đó khuyên chồng thành lập Công ty Dịch vụ đầu tư tin học Shinawatra vào năm 1983. Bởi khi đó ông Thaksin Shinawatra khá nổi tiếng về kỹ thuật thông tin trong giới cảnh sát. Ngay sau khi Công ty Dịch vụ đầu tư tin học Shinawatra được thành lập đã trở thành một trong những hãng đi tiên phong trong lĩnh vực này tại Thái Lan, bởi khi đó máy tính chỉ mới được bầy bán tại những cửa hàng ven đường. Vàâ con đường thăng quan tiến chức khi đó của ông Thaksin Shinawatra có nhiều triển vọng bởi Trung tá là con rể của Trung tướng cảnh sát Samer Damapong.

Thời kỳ huy hoàng

Năm 1986, Chính phủ Thái Lan chính thức cho phép tư nhân kinh doanh lĩnh vực tin học và Công ty Dịch vụ đầu tư tin học Shinawatra của ông Thaksin Shinawatra là một trong những hãng đầu tiên tại Thái Lan được cấp giấy phép hành nghề. Tới lúc này, ông Thaksin Shinawatra phải đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt. Một là tiếp tục ở lại ngành cảnh sát để bước vào con đường quan trường bởi khi đó ông Thaksin Shinawatra đã là Trung tá.

Hai là ra khỏi ngành cảnh sát để hoạt động kinh doanh bởi năm 1987 (chỉ 1 năm sau khi Chính phủ cho phép tư nhân kinh doanh tin học) thị trường tin học Thái Lan đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Hơn nữa số vốn của gia đình ông Thaksin Shinawatra đã tăng lên 200 triệu baht, gấp 1.000 lần so với khoản đầu tư ban đầu. Và cùng với những thành công trên chính trường, thương trường là sự ra đời của cô con gái thứ Paethanthong và cô con gái út Pinthongtae.

Có người nói rằng, chính bà Pojamarn là người quyết định để chồng trực tiếp quản lý công việc kinh doanh. Và những tham mưu của bà Pojamarn cho chồng đã khiến giới kinh doanh Thái Lan phải kinh hồn bạt vía - những công ty do ông Thaksin Shinawatra thành lập hoặc hỗ trợ đều chiếm lĩnh thị phần và lũng đoạn. Lĩnh vực đầu tiên bị ông Thaksin Shinawatra lũng đoạn là điện thoại di động và vô tuyến truyền hình. Tới giữa thập niên 1990, trong tay ông Thaksin Shinawatra đã có 4 cơ sở truyền thông và tên tuổi của cựu Trung tá cảnh sát cũng bắt đầu lan toả tới giới truyền thông trong khu vực Đông Nam Á. Người trong giới gọi ông Thaksin Shinawatra là "Vua truyền thông", "Vua tin học".

Người biểu tình ủng hộ ông Thaksin và bà Yingluck.

Khi đạt tới đỉnh cao trong kinh doanh và trở thành người giàu nhất Thái Lan, ông Thaksin Shinawatra muốn thử sức trên chính trường và một lần nữa vai trò của bà Pojamarn lại được thể hiện. Ngày 25/10/1994 được coi là thời khắc thành công đầu tiên trên chính trường của ông Thaksin Shinawatra bởi cựu Trung tá cảnh sát được bổ nhiệm là thành viên trong nội các của Thủ tướng Chuan LekPai. Đến tháng 7/1995, ông Thaksin Shinawatra được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng, chuyên trách vấn đề giao thông. Tháng 8/1997, ông Thaksin Shinawatra lại được cử làm Phó thủ tướng trong nội các của Thủ tướng ChaoVaLit.

Ngày 14/7/1998, đảng "Người Thái yêu người Thái" chính thức được thành lập do ông Thaksin Shinawatra làm Chủ tịch. Và việc 14 thành viên của đảng Seritham chính thức trở thành người của đảng "Người Thái yêu người Thái" đã đánh dấu một bước tiến mới trên chính trường. Bởi đó là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Thái Lan, có một đảng giành được 262/500 ghế trong Quốc hội, giúp ông Thaksin Shinawatra trở thành Thủ tướng thứ 31 của Thái Lan.

Những quan điểm khác nhau

Theo giới truyền thông, Cảnh sát Hoàng gia và Hội đồng Nhà nước Thái Lan đã đồng ý với quan điểm của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và ông Thaksin Shinawatra sẽ mất hàm Trung tá cảnh sát bởi cựu Thủ tướng là tội phạm lưu vong. Được biết, ông Thaksin Shinawatra đã rời lực lượng cảnh sát trước khi bị Tòa án Tối cao kết tội vắng mặt 2 năm tù giam do lạm quyền khi làm thủ tướng.

Theo Đại tá Banjob Sudjai, người đứng đầu một hiệp hội cảnh sát về hưu, trường hợp của ông Thaksin Shinawatra có thể tạo ra một tiền lệ nếu cựu Thủ tướng thực sự bị tước hàm Trung tá. Đồng thời nhấn mạnh, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan không được ủy quyền để đưa ra quy tắc tước quân hàm sĩ quan về hưu hoặc những người đã rời khỏi lực lượng cảnh sát. Theo giới truyền thông, ông Thaksin Shinawatra từng làm cảnh sát 13 năm trước khi tham chính.

Hơn 2 tháng trước (22/7), tờ Bangkok Post cho biết, Hội đồng Duy trì Trật tự và Hòa bình Quốc gia (NCPO) không cho phép các chính trị gia đi du lịch nước ngoài để thăm cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Cựu Phó thủ tướng Surapong Tovichakchaikul coi lệnh cấm này xâm phạm quyền cơ bản của con người là tự do đi lại.

Trước đó (27/5), Bộ Ngoại giao Thái Lan thông báo, đã hủy hộ chiếu của ông Thaksin Shinawatra sau khi cựu Thủ tướng có những bình luận "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia". Trong buổi phỏng vấn với hãng CNN của Mỹ, ông Thaksin Shinawatra khẳng định, sẽ chờ thời điểm thích hợp để trở lại chính trường Thái Lan. Năm 2009, ông Thaksin Shinawatra từng bị tước hộ chiếu, nhưng tới năm 2011, chính phủ do em gái là bà Yingluck Shinawatra nắm quyền đã cấp lại hộ chiếu cho cựu Thủ tướng.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cũng từng yêu cầu giới truyền thông dừng đăng tin về cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhất là khi ông xuất hiện cùng em gái Yingluck Shinawatra. Ngày 24/7/2014, bà Yingluck Shinawatra đã ôm chầm lấy anh trai Thaksin Shinawatra sau khi xuống sân bay ở thủ đô Paris, Pháp.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho rằng, truyền thông nên tránh đưa những thông tin về người đang bị chính phủ Thái Lan truy nã và việc phát tán rộng rãi những tin tức này có thể gây chia rẽ trong xã hội. Hãng Reuters còn đưa tin, quân đội Thái Lan đang tiến hành một cuộc cải tổ có hệ thống nhằm làm suy yếu quyền lực của các quan chức được coi là trung thành với ông Thaksin Shinawatra, để đảm bảo cựu Thủ tướng không bao giờ có thể quay lại nắm quyền.

Hội đồng Duy trì Trật tự và Hòa bình Quốc gia (NCPO) cho biết, 13 tỉnh trưởng (phần lớn ở miền Bắc và Đông Bắc ủng hộ ông Thaksin Shinawatra) đều đã bị thuyên chuyển. Ngoài ra, NCPO cũng đang tái cơ cấu lực lượng cảnh sát, vốn được coi là thành trì ủng hộ ông Thaksin Shinawatra và bà Yingluck Shinawatra. Đã có ít nhất 17 lãnh đạo trong lực lượng cảnh sát, trong đó có người đứng đầu Cơ quan điều tra đặc biệt (DSI) Tarit Pengdith, đã bị thuyên chuyển.

Bên cạnh đó, NCPO đã đóng cửa đài phát thanh và đóng băng các tài khoản ngân hàng của những người ủng hộ ông Thaksin Shinawatra. Khi đương nhiệm, bà Yingluck Shinawatra và đảng Puea Thai cầm quyền đã tìm mọi cách để thông qua dự luật ân xá, cho phép ông Thaksin Shinawatra hồi hương, nhưng đều bị phe đối lập ngăn cản.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pracha Promnok từng phải tuyên bố, có quá nhiều ý kiến phản đối từ dân chúng và các tổ chức trước đề nghị ân xá cho cựu Thủ tướng, do đó tên của ông Thaksin Shinawatra đã bị rút khỏi danh sách nhằm tránh gây thêm căng thẳng. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pracha Promnok là người đã đưa tên cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vào danh sách những tù nhân sẽ được ân xá nhân dịp sinh nhật lần thứ 84 của Quốc vương Bhumibol Adulyadej vào ngày 5/12/2011, nhưng bất thành.

Tuệ Sỹ - Trọng Hậu
.
.
.