Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak lại được tuyên trắng án

Thứ Bảy, 11/03/2017, 14:09
Hôm 2-3, Thẩm phán Ahmed Abdel Qawi không những cho biết, Tòa phúc thẩm tối cao Ai Cập đã tuyên cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak vô tội, mà còn bác bỏ yêu cầu mở lại các vụ kiện dân sự chống lại ông này.


Sở dĩ nói như vậy bởi gần 3,5 năm trước (29-11-2014), lực lượng cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán khoảng 1.000 người biểu tình ở trung tâm Thủ đô Cairo, sau khi tòa xóa tội danh giết người đối với cựu Tổng thống Hosni Mubarak (sinh ngày 4-5-1928). 

Trong thông báo đưa ra hôm 2-3, Thẩm phán Ahmed Abdel Qawi không những cho biết, Tòa phúc thẩm tối cao Ai Cập đã tuyên bị cáo vô tội, mà còn bác bỏ yêu cầu mở lại các vụ kiện dân sự của luật sư đại diện cho các nạn nhân. Và điều này đồng nghĩa với việc, cựu Tổng thống Hosni Mubarak trong sạch trước các cáo buộc liên quan tới việc giết người biểu tình 6 năm trước. 

Phán quyết của Tòa phúc thẩm tối cao được coi là cuối cùng với ông Hosni Mubarak (sẽ không bị kháng án), người phải tới tòa bằng xe cứu thương và nằm trên cáng vì lý do sức khỏe. Tờ The New York Times dẫn lời luật sư của ông Hosni Mubarak cho biết, sau khi hoàn toàn tự do, cựu Tổng thống sẽ quay về biệt thự ở thành phố Sharm al Sheikh để sống.

Kể từ khi bị bắt năm 2012, ông Hosni Mubarak chủ yếu sống trong bệnh viện. Gần 2 năm trước (14-5-2015), tờ Al-Masry Al-Youm từng dẫn nguồn tin từ cơ quan quản lý các nhà tù Ai Cập cho biết, cựu Tổng thống Hosni Mubarak đã chấp hành bản án 3 năm tù vì tội biển thủ 16 triệu USD từ các quỹ bảo trì Phủ Tổng thống và sẽ hoàn toàn tự do sau khi nộp số tiền phạt trị giá 16 triệu USD. 

Do sức khỏe không đảm bảo, ông Hosni Mubarak phải nằm trên cáng khi được đưa tới Cairo dự phiên tòa.

Tuy nhiên, ông Hosni Mubarak vẫn phải đối mặt với cáo buộc chỉ đạo các vụ giết hại người biểu tình đầu năm 2011. Tại phiên tòa diễn ra hồi tháng 6-2012, ông Hosni Mubarak từng bị tuyên phải chấp hành bản án chung thân vì tội đồng lõa trong vụ sát hại người biểu tình. 

Theo hãng CNN, có ít nhất 840 người chết và hơn 6.000 người bị thương trong cuộc biểu tình kéo dài 18 ngày, và ông Hosni Mubarak đã phải ra đi hôm 25-1-2011. 

Ngày 20-5-2014, một tòa án hành chính ở Ai Cập đã quyết định xóa tên cựu Tổng thống Hosni Mubarak và cựu Đệ nhất phu nhân khỏi tất cả quảng trường và công trình công cộng trên toàn quốc. Ngày 13-8-2014, ông Hosni Mubarak phủ nhận ra lệnh giết hại người biểu tình và khẳng định, đã quyết định rời bỏ quyền lực để bảo vệ người dân Ai Cập. 

Tại phiên phúc thẩm diễn ra hồi tháng 11-2014, một tòa án hình sự đã xóa bỏ các tội danh sát hại người biểu tình đối với ông Hosni Mubarak vì "thiếu căn cứ buộc tội". Nhưng nhiều người đã phản đối quyết định của tòa, buộc Tòa án tối cao Ai Cập phải ra quyết định. 

Và hơn 1 năm trước (tháng 1-2016), cựu Tổng thống Hosni Mubarak phải hầu tòa vì bị cáo buộc có liên quan tới việc sát hại hàng trăm người trong làn sóng biểu tình phản đối Chính phủ hồi đầu năm 2011. Và đó là lần thứ ba ông Hosni Mubarak bị xét xử với tội danh này.

Theo giới truyền thông, sau khi bị lật đổ, ông Hosni Mubarak và gia đình bị cáo buộc tham nhũng hàng chục tỷ USD trong thời gian nắm quyền. Ông Hosni Mubarak lên nắm quyền sau vụ ám sát Tổng thống Anwar Al-Sadad ngày 6-10-1981. 

Giới truyền thông từng đưa tin, trị giá tài sản của gia đình ông Hosni Mubarak lên tới 70 tỷ USD, với phần lớn tài sản được cất giấu trong các ngân hàng của Anh, Thụy Sĩ, cùng bất động sản tại Anh và Mỹ. Theo tờ Aftenposten, Mỹ trực tiếp giúp tạo dựng các lực lượng đối đầu với cựu Tổng thống Hosni Mubarak.

Ngày 25-2, hãng thông tấn nhà nước MENA dẫn quyết định của Tòa án hình sự thủ đô Cairo đối với ông Zakaria Azmi, cựu Chánh văn phòng của Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak.

Theo đó xóa bản án 7 năm tù giam (bị tuyên năm 2012 cùng khoản phạt trị giá khoảng 6 triệu USD) vì bị buộc tội tham nhũng. Trước đó, một tòa án ở Thủ đô Cairo cũng dỡ bỏ lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với ông Ahmed Nazif, cựu Thủ tướng dưới thời ông Hosni Mubarak.

Ông Ahmed Nazif từng bị kết án 5 năm tù giam vì tội trục lợi bất hợp pháp. Trang mạng Morocco World News từng dẫn tài liệu do WikiLeaks tiết lộ, theo đó các nước Arab sẵn sàng chấp nhận chi 10 tỉ USD để giải cứu Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak.

Thông tin này xuất hiện sau khi hơn 500.000 bức điện tín và các báo cáo tối mật của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và Cơ quan Tình báo Saudi Arabia bị WikiLeaks tiết lộ. Gần 2 năm trước (12-10-2015), tòa đã quyết định trả tự do cho 2 con trai của cựu Tổng thống Hosni Mubarak là ông Alaa Mubarak và ông Gamal Mubarak, sau khi họ kết thúc thời gian thụ án 3 năm tù giam về tội biển thủ quỹ bảo trì Phủ Tổng thống.
Thiện Lân
.
.
.