Cựu Tổng thống Armenia Robert Kocharyan bị cáo buộc "tiếm quyền"

Thứ Tư, 01/08/2018, 16:12
Cựu Tổng thống Robert Kocharyan sẽ phải đối mặt với mức án lên đến 15 năm tù sau khi ông bị bắt hôm 27-7.


"Nếu bị kết án bỏ phiếu ủng hộ đồng minh là ông Serge Sarkissian trong năm 2008, cựu Tổng thống Robert Kocharyan sẽ phải đối mặt với mức án lên đến 15 năm tù", những người ủng hộ ứng cử viên đảng đối lập Levon Ter-Petrossian nhận định sau khi ông Robert Kocharyan bị bắt hôm 27-7. 

Chiều 27-7, luật sư Aram Orbelyan của cựu Tổng thống tuyên bố, tòa án Yerevan đã yêu cầu các cơ quan điều tra bắt giữ ông Robert Kocharyan. Trước đó (sáng 27-7), giới chức Armenia đã bắt cựu Tổng thống Robert Kocharyan (nắm quyền trong 10 năm, từ 1998 đến 2008) vì bị cáo buộc "lật đổ trật tự Hiến pháp" - làm sai lệch kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 để ủng hộ đồng minh là ông Serge Sarkissian, người buộc phải từ chức do các cuộc biểu tình lớn hồi tháng 4-2017. 

Về phần mình, cựu Tổng thống Robert Kocharyan coi vụ bắt giữ và những cáo buộc kể trên được dựng lên với động cơ chính trị, nhưng không trốn ra nước ngoài - ở lại chấp nhận bị giam và sẽ đấu tranh để chứng minh sự vô tội. 

Động thái kể trên diễn ra sau khi cơ quan điều tra Armenia buộc tội cựu Tổng thống Robert Kocharyan tiếm quyền và kiến nghị tòa án phát lệnh bắt giữ chính trị gia 63 tuổi này hôm 26-7. Theo cáo buộc của cơ quan điều tra đặc biệt Armenia, ông Robert Kocharyan (là tổng thống thứ 2 của Armenia) đã gian lận bầu cử, cố tình làm xáo trộn trật tự hiến pháp quốc gia trong các sự kiện hậu bầu cử hồi tháng 3-2008 khi đồng minh là ông Serzh Sarksyan được tuyên bố giành chiến thắng. 

Tòa án Hiến pháp Armenia sau đó ra phán quyết ủng hộ kết quả bầu cử, với chiến thắng thuộc về ông Serzh Sarksyan. Nhưng tại thời điểm kể trên, phe đối lập đã nhiều lần tổ chức tuần hành phản đối kết quả bầu cử và tuyên bố ứng viên Levon Ter-Petrosyan mới là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước đó.

Cựu Tổng thống Robert Kocharyan.

Theo giới truyền thông, Armenia rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, sau khi Quốc hội Armenia bầu cựu Tổng thống Serzh Sargsyan làm Thủ tướng hôm 17-4, với 77 phiếu thuận và 17 phiếu chống. 

Nhưng trước áp lực từ các cuộc biểu tình phản đối của phe đối lập, ngày 23-4, ông Serzh Sargsyan đã phải rời ghế Thủ tướng. Cách đây không lâu, Tổng thống Armen Sarkissian (được bầu với 90 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 1 phiếu trắng) đã kêu gọi đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang nhấn chìm quốc gia Nam Kavkaz kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình buộc Thủ tướng Serzh Sargsyan phải từ chức. 

Trước đó (25-4), Tổng thống Armen Sarkissian tuyên bố, sẽ bắt đầu tham vấn với các lực lượng chính trị để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này. Ngày 27-4, ông Nikol Pashinyan cho biết, đã gặp Tổng thống Armen Sarkissian để thảo luận về lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này. 

Việc này diễn ra sau khi những người ủng hộ phe đối lập tổ chức các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối cựu Tổng thống Serzh Sargsyan được bầu làm Thủ tướng, mặc dù Hiến pháp sửa đổi năm 2015 đã mở đường cho việc chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước từ Tổng thống sang Thủ tướng.

Gần 3 tháng trước (8-5), Quốc hội Armenia đã bầu lãnh đạo đối lập Nikol Pashinyan làm Thủ tướng, sau khi ông nhận được 59 phiếu ủng hộ trong khi chỉ cần 53 phiếu là đủ. 

Ông Nikol Pashinyan trở thành Thủ tướng, sau khi người tiền nhiệm Serz Sargsyan phải từ chức trước áp lực của các cuộc biểu tình do phe đối lập tiến hành. Trước đó (1-5), ông Nikol Pashinyan thất bại trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội vì chỉ nhận được 45 phiếu ủng hộ và 56 phiếu chống. 

Chủ tịch Quốc hội Ara Babloyan khi đó tuyên bố, ông Nikol Pashinyan chỉ nhận được 45 phiếu ủng hộ và để trở thành Thủ tướng, ứng cử viên phải nhận được ít nhất 53 phiếu ủng hộ. Còn đảng Cộng hòa Armenia cầm quyền coi việc phe đối lập bầu ông Nikol Pashinyan làm Thủ tướng là vi hiến. 

Phản ứng trước việc này, ông Nikol Pashinyan tuyên bố: Có thông tin nói rằng, các cựu Tổng thống Serzh Sarkisian và Robert Kocharyan có kế hoạch giành lại quyền lực. Và tôi muốn cảnh báo mọi người về việc hiểu sai sự khoan dung của người dân là một điểm yếu có thể dẫn tới một cơn sóng thần chính trị thực sự. 

Nhưng ông Nikol Pashinyan vẫn kêu gọi chấm dứt làn sóng biểu tình ở nước này để tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng tại Quốc hội vào ngày 8-5. 

"Vấn đề cơ bản đã được giải quyết khi 3 phái trong Quốc hội nhất trí ủng hộ ông làm Thủ tướng và sẽ bỏ phiếu trong cuộc bỏ phiếu sắp tới", ông Nikol Pashinyan tuyên bố trước hàng chục nghìn người biểu tình tại thủ đô Yerevan. 

Thủ đô Yerevan gần như bị tê liệt khi tất cả các đường phố bị phong tỏa và nhiều cửa hàng bị đóng cửa. Các dịch vụ đường sắt khu vực ngoại ô bị gián đoạn, trong khi con đường chính nối sân bay với thủ đô Yerevan bị phong tỏa. Người biểu tình tuyên bố, họ sẽ ở lại đường phố cho tới khi ông Nikol Pashinyan được bầu làm Thủ tướng.

Thiện Lân
.
.
.