Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva đối mặt với 13 năm tù

Thứ Tư, 16/03/2016, 08:32
Dư luận đã có những phản ứng khác nhau xung quanh cuộc tuần hành do phe đối lập tổ chức trên toàn quốc hôm 13-3 để phản đối chính phủ và hối thúc Tổng thống Brazil Dilma Rousseff từ chức. 


Bởi trước đó (11-3), khi phát biểu tại cuộc họp báo ở Brasilia, bà Dilma Rousseff tuyên bố, sẽ không từ chức bất chấp những áp lực đang gia tăng. Đồng thời khẳng định, không có cơ sở để từ chức, cho dù phe đối lập đang gây sức ép hòng lật đổ Tổng thống. Và từ chối bình luận về tin đồn cho rằng, sẽ bổ nhiệm ông Lula da Silva làm bộ trưởng trong chính phủ, nhưng khẳng định sẽ rất vinh dự nếu cựu Tổng thống tham gia trong nội các.

Ngoài ra, bà Dilma Rousseff cũng cho rằng, việc yêu cầu tạm giam cựu Tổng thống Lula da Silva để phục vụ điều tra xung quanh cáo buộc có liên quan tới vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, là không công bằng và không bình thường.

Tuyên bố của bà Dilma Rousseff được đưa ra ngay sau khi Tòa án Sao Paulo ra lệnh (tối 10-3) tạm giam cựu Tổng thống Lula da Silva, người sáng lập Công đảng cầm quyền và là người ủng hộ đương kim Tổng thống. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Kinh tế Luiz Carlos Pereira cảnh báo, Brazil đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tư pháp trầm trọng khi Tòa án Sao Paulo không có bằng chứng về việc cựu Tổng thống liên quan tới vụ bê bối tại Petrobras, nhưng vẫn ra lệnh tạm giam ông Lula da Silva.

Cựu Tổng thống Lula da Silva.

Bởi theo quyết định tạm giam cựu Tổng thống, Tòa án Sao Paulo cho rằng, ông Lula da Silva có liên quan tới hoạt động rửa tiền, che giấu tài sản và làm giả giấy tờ. Và các công tố viên cũng coi việc tạm giam ông Lula da Silva là cần thiết bởi cho rằng, cựu Tổng thống có thể huy động người cản trở quá trình điều tra của họ. Ngoài ra, các công tố viên còn cáo buộc ông Lula da Silva đã "vi phạm trật tự công cộng" khi kêu gọi người ủng hộ tổ chức biểu tình hôm 4-3, sau khi cảnh sát áp tải cựu Tổng thống đến trụ sở để thẩm vấn xung quanh cáo buộc có liên quan đến vụ bê bối tham nhũng ở Petrobras.

Theo tờ New York Times, Tòa án Sao Paolo đề nghị tạm giam ông Lula da Silva sau khi dẫn một đoạn video clip được một nghị sĩ của Công đảng đưa lên mạng xã hội, trong đó quay cảnh cựu Tổng thống điện đàm với bà Dilma Rousseff, yêu cầu tìm cách tháo gỡ cuộc điều tra nhắm vào mình.

Ông Lula da Silva bị tố cáo đã nhận hàng triệu USD tiền hoa hồng từ những hợp đồng giữa các công ty xây dựng với Petrobras, nhưng cựu Tổng thống đã bác bỏ các cáo buộc này, đồng thời cho rằng, việc cảnh sát cưỡng chế là "vở kịch của giới truyền thông" nhằm hạ thấp uy tín của ông. Luật sư Cristiano Zanin Martins cho rằng, công tố viên Cassio Roberto Conserino đang tìm cách bôi nhọ thân chủ của mình, khi có tin đồn cựu Tổng thống sẽ ra tranh cử vào năm 2018.

Các công tố viên cũng đang điều tra về khoản tiền trị giá hàng triệu USD được OAS và các công ty khác tặng cho Viện Lula của cựu Tổng thống - nghi Viện Lula là "kênh nhận tiền trái phép từ Petrobras". Các công tố viên còn cho rằng, có 5 nhà thầu xây dựng liên quan tới bê bối ở Petrobras đã trả cho cựu Tổng thống 2,7 triệu USD, gọi là tiền thù lao các cuộc diễn thuyết kể từ năm 2010, sau khi ông mãn nhiệm. Và 5 công ty này còn chi cho Viện Lula 5,5 triệu USD, và một phần khoản tiền kể trên đã được chuyển cho một trong các con trai của ông Lula da Silva.

Nếu bị tuyên có tội, ông Lula da Silva có thể phải đối mặt với mức án tối đa 13 năm tù. Ngoài cựu Tổng thống, vợ và con trai Fabio của ông Lula da Silva là 2 trong số 16 người bị buộc tội rửa tiền. Theo tờ The Wall Street Journal, ông Lula da Silva và cựu Đệ nhất phu nhân Marisa Leticia bị nghi không khai báo với cơ quan thuế về một căn hộ sang trọng thuộc sở hữu của họ.

Trên giấy tờ, căn hộ thuộc về công ty xây dựng OAS, nhưng theo công tố viên Jose Carlos Blat, họ có bằng chứng về căn hộ gần bờ biển tại khu nghỉ dưỡng Guaruja nổi tiếng ở Sao Paolo đã thuộc về cựu Tổng thống. Nhưng luật sư Cristiano Zanin Martins đã bác bỏ thông tin này.

Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros, thủ lĩnh đảng Phong trào dân chủ (PMDB), đảng đang liên minh với chính phủ của bà Dilma Rousseff, vừa có các cuộc nói chuyện với những Thượng nghị sĩ của các đảng đối lập, để chia sẻ quyền lực với Tổng thống. Nhưng ngày 12-3, nghị sỹ Omar Terra, một trong những lãnh đạo của PMDB tuyên bố, Tổng thống không còn kiểm soát được tình hình, nên họ không muốn "chết chìm" cùng bà Dilma Rousseff và Công đảng.

PMDB thông báo, trong 30 ngày tới sẽ quyết định có liên minh với Công đảng hay không. Phó Chủ tịch đảng Xã hội dân chủ đối lập Carlos Sampaio cũng tuyên bố, sẽ không có chuyện nhượng bộ một chính phủ bị hoen ố bởi tham nhũng.

Tuệ Sỹ
.
.
.