Cựu Tổng thống Fujimori muốn con gái trở thành nữ Tổng thống đầu tiên tại Peru

Thứ Ba, 24/11/2015, 08:56
Tuyên bố của Giám đốc Cơ quan trại giam quốc gia Julio Magan đang khiến dư luận Peru xôn xao bởi chỉ trong 3 tháng qua, cựu Tổng thống Alberto Fujimori, người đang phải chấp hành bản án 25 năm tù, đã tiếp hơn 650 khách tới thăm.

Trong tuyên bố hôm 15/11, Giám đốc Julio Magan cho biết, trong số hơn 650 người tới nhà tù, đa số là người của đảng Lực lượng Nhân dân, do ông Alberto Fujimori thành lập và hiện do con gái Keiko Fujimori lãnh đạo.Và những người này tới để trao đổi với cựu Tổng thống những vấn đề chính trị có liên quan tới cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 10/4/2016. 

Giới bình luận cho biết, nữ nghị sỹ Keiko Fujimori đang là ứng cử viên sáng giá cho ghế Tổng thống Peru nhiệm kỳ tới. Bởi theo kết quả các cuộc thăm dò mới đây, Keiko Fujimori đang dẫn đầu cuộc đua và giành được tỷ lệ ủng hộ từ 33,5% đến 35%.

Hơn 2 năm trước (7/6/2013), Tổng thống Ollanta Humala từng bác bỏ yêu cầu tha bổng cho ông Alberto Fujimori. Khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Daniel Figallo là người thông báo quyết định của Tổng thống Ollanta Humala. Theo ông Julio Magan, sự quá giới hạn thăm hỏi, thậm chí biến nhà tù thành nơi "sinh hoạt chính trị" sẽ bị cấm. Nhưng nếu việc này xảy ra, luật sư và những người ủng hộ cùng thành viên đảng Lực lượng Nhân dân sẽ phản đối.

Cựu Tổng thống Alberto Fujimori.

Trong khi đó, ông Alberto Fujimori cũng nhiều lần tuyên bố, chỉ bị bắt giam nên hoàn toàn có quyền nhóm họp với những người ủng hộ trong tù, đồng thời nhấn mạnh, sẽ tham gia vào chiến dịch tranh cử tổng thống của con gái. Dư luận từng cho rằng, nếu bà Keiko Fujimori tiếp tục ra tranh cử và giành thắng lợi thì số phận của ông Alberto Fujimori sẽ được cải thiện đáng kể.

Bởi tại cuộc bầu cử năm 2011, mặc dù đang phải ngồi tù và liên tiếp hầu tòa, nhưng ông Alberto Fujimori vẫn chuẩn bị ra tranh cử Tổng thống cùng con gái. Và bà Keiko Fujimori cũng từng nhiều lần tuyên bố, mục đích của việc thành lập đảng mới và tranh cử Tổng thống năm 2011 là để minh oan cho bố đẻ vì luôn tin ông vô tội. Nếu đắc cử trong cuộc bầu cử năm 2016, nữ nghị sĩ cánh hữu Keiko Fujimori sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên và trẻ nhất của Peru.

Bà Keiko Fujimori.

Trong thời kỳ ông Alberto Fujimori tại nhiệm (từ tháng 6/1990 đến tháng 9/2000), bà Keiko Fujimori luôn xuất hiện bên cạnh cha với tư cách thay thế Đệ nhất phu nhân bởi cuộc hôn nhân của cựu Tổng thống bị tan vỡ vì ly hôn bà Susana Higuchi.

Ông Alberto Fujimori trở thành Tổng thống đầu tiên trên thế giới bị bắt dẫn độ về nơi từng là người đứng đầu quốc gia vì bị cáo buộc tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Và đó là lần đầu tiên trong 80 năm qua, Peru mới có một nguyên thủ quốc gia phải đứng trước vành móng ngựa (Tổng thống Augusto Leguia từng bị xét xử về tội tham nhũng hồi thập niên 1930).

Trước khi bị giam tại nhà tù ở quận Ate, ông Alberto Fujimori (giữ ghế Tổng thống trong giai đoạn 1990-2000) từng bị giam tại một đơn vị cảnh sát ở phía Đông thủ đô Lima (năm 2007) và là tù nhân duy nhất ở đồn cảnh sát này. Hơn 5 tháng trước (5-6), tòa án Peru từng yêu cầu lắp điện thoại công cộng trong buồng giam của ông Alberto Fujimori, vì cho rằng cựu Tổng thống cần giữ liên lạc với người thân và luật sư. Ông Alberto Fujimori bị cấm sử dụng điện thoại từ năm 2013 và sau khi luật sư tranh đấu, quyền này của cựu Tổng thống mới được khôi phục. Trước đó (8/1/2015), một tòa án đã tuyên thêm 8 năm tù giam đối với ông Alberto Fujimori vì tội biển thủ công quỹ.

Theo giới truyền thông, ông Alberto Fujimori đã tuyên bố từ chức (tháng 9/2000) bằng cách fax văn bản quan trọng này từ Tokyo (Nhật Bản) về Peru, sau khi vụ mua chuộc nghị sĩ đảng đối lập bị bại lộ, dẫn đến nguy cơ mất ổn định chính trị toàn quốc. Mặc dù Tòa án tối cao Peru ra lệnh truy nã (tháng 3/2002), và yêu cầu Nhật Bản bắt dẫn độ ông Alberto Fujimori về Peru xét xử nhiều lần, nhưng đều bất thành.

Ngày 6/112005, khi ông Alberto Fujimori đang thăm Chile thì bị bắt. Gần 10 năm trước (6/4/2006), mặc dù đang ngồi trong nhà giam tại Chile, nhưng ông Alberto Fujimori vẫn ủy nhiệm một người thay mặt mình làm thủ tục kết hôn với bà Satomi  Kataoka, chủ khách sạn tại Tokyo, Nhật Bản. Được biết, ông Alberto Fujimori và bà Satomi  Kataoka quen nhau thông qua một người bạn và ngay từ lần gặp đầu tiên tại khách sạn Nữ hoàng ở Tokyo, cựu Tổng thống đã phải lòng cô gái Nhật Bản này.

Sau đó ít lâu, hai người bắt đầu sống với nhau, bất chấp việc họ chênh lệch gần 30 tuổi. Hai người cưới theo luật pháp Nhật Bản (vì ông Alberto Fujimori có 2 quốc tịch Peru và Nhật Bản) sau khi hoàn tất những giấy tờ cần thiết ở Tokyo. Sau đám cưới, bà Satomi Kataoka đã sang Peru để chứng kiến cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống diễn ra vào ngày 9/4/2006. Và khi đó, "công chúa" Keiko Fujimori tranh cử ghế nghị sĩ.

Mạnh Phong
.
.
.