Lực lượng cảnh sát cứu hỏa nổi tiếng nhất thế giới

Thứ Tư, 20/07/2016, 14:34
Hiện nay, khoảng 1.100.000 người tham gia lực lượng cảnh sát cứu hỏa Hoa Kỳ, làm việc tại 30.145 trạm cứu hỏa trên khắp quốc gia, trong đó có 344.000 là lính cứu hỏa chuyên nghiệp và khoảng 756.000 lính cứu hỏa tình nguyện. Đây là lực lượng cứu hỏa lớn nhất, chuyên nghiệp và nổi tiếng nhất thế giới với nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.

Hai triệu cuộc gọi mà cơ quan cứu hỏa Mỹ nhận được mỗi năm là con số lớn nhất thế giới. Mỗi năm có hàng ngàn người chết, 10.000 người bị thương và tài sản bị hủy hoại lên tới hàng tỷ USD.

Những chi phí phát sinh gián tiếp như chi phí thuê nhà tạm thời, mất thời gian vào công việc, chi phí y tế và những chấn động về tâm lý rất đáng lo ngại. Theo con số thống kê của Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ, những thiệt hại do mưa bão, lũ lụt, lốc xoáy, động đất và những thiên tai khác cộng lại cũng chỉ bằng một phần nhỏ thiệt hại do hỏa hoạn gây nên.

Nước Mỹ cũng là nước có dân số đông, diện tích rộng, nền công nghiệp phát triển, diện tích rừng rộng, có nhiều cơ quan quốc tế, cơ quan chính phủ, cơ sở quân sự, kinh tế đặc biệt quan trọng... do vậy, công tác phòng cháy chữa cháy được đặc biệt quan tâm và cần thiết phải có một lực lượng cứu hỏa đông đảo, chuyên nghiệp mới có thể đáp ứng yêu cầu.

Hệ thống cứu hỏa chuyên nghiệp đầu tiên được thiết lập ở Mỹ từ năm 1647. Cùng với sự phát triển của các giai đoạn lịch sử, nước Mỹ đã chứng kiến nhiều vụ cháy lớn và thảm họa cháy như vụ cháy thiêu rụi một phần lớn thành phố Boston năm 1872, vụ tấn công khủng bố nhằm vào Trung tâm thương mại thế giới tại New York năm 2001…

Lực lượng cứu hỏa ngày càng phát triển lớn mạnh theo yêu cầu thực tế. Hiện nay, cơ quan phòng cháy chữa cháy Hoa Kỳ là cơ quan chủ quản toàn bộ các hoạt động cứu hỏa trên cả nước, trong đó Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy là cơ quan thiết lập và duy trì tiêu chuẩn tối thiểu đối với nhiệm vụ và công cụ cứu hỏa.

Những vụ cháy do tự nhiên sẽ do Bộ Nông nghiệp, Cơ quan kiểm lâm và Cơ quan quản lý tài nguyên môi trường Hoa Kỳ đảm nhiệm chữa cháy, còn các vụ cháy do nguyên nhân con người và các vụ cháy tại khu dân cư, các cơ quan, trụ sở… sẽ do Cảnh sát cứu hỏa Mỹ tiến hành.

Ngoài nhiệm vụ thực thi hoạt động cứu hỏa trực tiếp, hiện nay Cảnh sát cứu hỏa Mỹ đang thực hiện một yêu cầu mới rất cần thiết đó là đào tạo cứu hỏa và cứu nạn theo phương châm “phòng hơn chống”.

Toàn bộ các sở cảnh sát cứu hỏa phải thực hiện việc đào tạo các kỹ năng chữa cháy, phòng cháy, cứu hộ phương tiện, cứu nạn người bị nạn trong các vụ cháy, phòng độc trong cháy… cho toàn bộ công dân Mỹ và những người đang sinh sống, làm việc lâu dài, thường xuyên tại cơ quan, công sở trên đất Mỹ.

Các công trình xây dựng đều phải có bản vẽ thiết kế được cơ quan phòng cháy chữa cháy công nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm và muốn đi vào hoạt động phải luôn có đủ phương tiện chữa cháy đủ tiêu chuẩn. Các đơn vị cứu hỏa sẽ thường xuyên kiểm tra, nếu nơi nào không đảm bảo tiêu chuẩn về phòng cháy sẽ bị ngừng hoạt động ngay lập tức.

Các bang của nước Mỹ đều có Sở Cảnh sát cứu hỏa. Quy mô lớn nhất và nổi tiếng nhất là Sở Cảnh sát cứu hỏa New York và Los Angeles (mỗi sở cảnh sát này có khoảng 11.400 cảnh sát cứu hỏa chuyên nghiệp và 4.600 nhân viên cứu hỏa tình nguyện được trả lương).

Giống như mô hình của sở cảnh sát, các sở cảnh sát cứu hỏa được tổ chức theo mô hình bán quân sự. Các lính cứu hỏa chuyên nghiệp mặc quân phục hoặc trang phục lính cứu hỏa, ở tập trung doanh trại trong thời gian trực làm nhiệm vụ.

Lính cứu hỏa có cấp bậc hàm tương đương cấp hàm của cảnh sát. Sở Cảnh sát cứu hỏa New York và Los Angeles đông quân số và địa bàn rộng, phức tạp nên còn được phiên chế thành các trung đoàn, tiểu đoàn lính cứu hỏa đặt trụ sở ở các khu vực khác nhau.

Các đơn vị cứu hỏa chuyên nghiệp của Mỹ được phiên chế thành các đội chuyên trách: Trung tâm chỉ huy và tiếp nhận thông tin, đội tuần tra phát hiện cháy, đội phun nước, đội xe thang, đội cứu nạn, đội y tế, đội hậu cần, đội trực thăng chữa cháy và cứu nạn đường không.

Ngoài nhiệm vụ cứu hỏa thông thường tại các khu dân cư, tùy từng đặc điểm địa lý và cơ sở hạ tầng, các sở cảnh sát còn có nhiệm vụ chữa cháy rừng, cứu hỏa khi cháy hóa chất, ứng cứu thảm họa hạt nhân…

Họ có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cứu hỏa tư nhân, đơn vị cứu hỏa của các cơ quan, doanh nghiệp, của quân đội trong các hoạt động phòng ngừa, xử lý tình huống cháy và cứu nạn xảy ra trên địa bàn.

Với đặc điểm có nhiều cơ sở kinh tế, quốc phòng hoạt động ngoài khơi hoặc vùng biển ven bờ, lực lượng cứu hỏa còn phải luyện tập các kỹ năng, phương án để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ cứu hỏa, cứu nạn và sơ tán khẩn cấp trên biển thông qua các phương tiện như tàu cứu hỏa và máy bay cứu hỏa chuyên dụng.

Các đơn vị cảnh sát cứu hỏa của Mỹ được trang bị hết sức chuyên nghiệp với các phương tiện chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn hiện đại nhất trên thế giới như vòi rồng, xe chữa cháy chuyên dụng, xe thang hàng trăm mét, máy bay chữa cháy công suất lớn, trực thăng cứu hỏa, máy xịt bọt…

Đây cũng là lực lượng cứu hỏa nghiên cứu và áp dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật trong công tác thực tế của mình, trong đó có cả việc sử dụng robot chữa cháy và cứu nạn.

Kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào công tác cứu hỏa rất lớn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp lực lượng cảnh sát cứu hỏa Mỹ luôn được sử dụng những thành tựu khoa học tiên tiến nhất.

Lính cứu hỏa Mỹ được tuyển chọn kỹ càng và yêu cầu quan trọng đặt ra là phải có sức khỏe và sự can trường. Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn, họ sẽ được đào tạo tại các cơ sở huấn luyện cứu hỏa trong 6 tháng về các kiến thức pháp luật, kỹ năng cứu hỏa, cứu nạn, sơ cứu, sử dụng phương tiện... sau đó phải thực tập tại các đơn vị cảnh sát cứu hỏa trước khi được phiên chế về các đơn vị.

Định kỳ các lính cứu hỏa phải được khám sức khỏe và trải qua các bài kiểm tra về thể lực, kiến thức, kỹ năng thực hành để xác định có đủ điều kiện tiếp tục phục vụ trong ngành hay không. Lính cứu hỏa được hưởng chế độ lương và phụ cấp khá tốt, đảm bảo đời sống cho mình và gia đình.

Nếu lính cứu hỏa nào bị thương trong khi làm nhiệm vụ sẽ được nhà nước chi trả 100% chi phí chữa trị. Người nào hy sinh thì sẽ có chế độ tiền tuất hằng tháng cho gia đình, con cái sẽ được nhà nước nuôi ăn học tới năm 18 tuổi.

Cứu hỏa là một nghề nguy hiểm. Số lính cứu hỏa Mỹ bị thương và hy sinh mỗi năm lên đến hàng trăm người, trong đó có nhiều vụ việc gây ra nhiều thương vong.

Đáng chú ý, 343 lính cứu hỏa của Sở Cứu hỏa New York đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn tại Trung tâm thương mại thế giới năm 2011, 9 lính cứu hỏa bang Nam Carolina hy sinh trong khi chữa cháy và cứu dân trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại siêu thị Sofa năm 2007…

Mỗi năm cũng có hàng chục lính cứu hỏa hy sinh ở khắp nơi trên nước Mỹ khi tham gia chữa cháy rừng và cứu hộ người dân trong các vụ cháy.

Tuy nhiên, với nhiều thanh niên Mỹ thì việc được tuyển chọn và phục vụ trong lực lượng cảnh sát cứu hỏa là một vinh dự và họ coi đó là sự cống hiến vì cộng đồng, làm việc có ý nghĩa cao cả cho đất nước. 

Nguyễn Hoàng Đoàn
.
.
.