Đài Loan:

Tài xế say xỉn, gây tai nạn chết người có thể bị tử hình

Thứ Ba, 09/07/2019, 19:48
Theo luật mới của Đài Loan, tài xế uống rượu và say xỉn có thể đối mặt với án tử hình.


Và không chỉ riêng vùng lãnh thổ này, nhiều quốc gia khác ở châu Á cũng đang thực hiện hàng loạt biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn tình trạng lái xe sau khi sử dụng rượu, bia.

Hãng tin China Daily cho hay, từ đầu năm, Đài Loan đã đưa ra dự luật sửa đổi Bộ luật Hình sự. Theo đó, án tử hình có thể được áp dụng đối với những kẻ uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe, gây ra tai nạn chết người. 

Các nhà làm luật cho rằng, đối với một số trường hợp, hành động lái xe khi say xỉn là hành động cố ý gây mất an toàn giao thông và khi gây ra tai nạn thì là cố ý gây chết người. 

So với mức phạt tối đa 10 năm tù giam mà trước đó Đài Loan đã áp dụng, việc xử phạt bằng hình thức cao nhất – tử hình cho thấy vấn nạn lái xe khi say xỉn ở vùng đất này đang ngày càng gia tăng và trở nên đáng báo động. Hơn nữa, dự luật mới cũng tăng hình phạt đối với những người phạm tội lặp lại sẽ tạo nên một tâm lý e dè hơn đối với các tài xế say xỉn.

Theo quy định mới, mức phạt 90.000 Đài tệ (khoảng 68 triệu đồng) sẽ được áp dụng đối với những người vi phạm lần đầu và cho cả những hành khách đi trên xe do người say xỉn điều khiển. 

Mức phạt đối với người lái xe khi say rượu tăng từ 90.000 Đài tệ lên đến 120.000 Đài tệ (khoảng 90 triệu đồng) tuỳ từng trường hợp vi phạm. Tài xế từ chối kiểm tra nồng độ cồn lần đầu tiên cũng sẽ bị phạt 180.000 Đài tệ (khoảng 135 triệu đồng). 

Đáng chú ý, quy định mới cũng yêu cầu thu giấy phép lái xe từ 1 đến 2 năm đối với những lái xe uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, treo bằng từ 2 đến 4 năm với lái xe say xỉn gây tai nạn khi đi cùng trẻ em dưới 12 tuổi. 

Cũng theo thông tin từ Channel News Asia, hôm 3-7, Cảnh sát Đài Bắc đã xử phạt một người đi trên chiếc xe được điều khiển bởi một tài xế say rượu. Vụ việc diễn ra tại chốt kiểm tra thuộc quận Neihu vào lúc 1h26 phút chiều ngày 1-7 (giờ địa phương). 

Cơ quan Cảnh sát Đài Loan cho biết, vào thời điểm bị xử phạt, nồng độ cồn đo được trong máu của tài xế này là 0.26mg/l. Người đi cùng xe với tài xế này đã bị xử phạt. Còn tại quận Songshang, cảnh sát cũng đã bắt giữ một tài xế xe máy và bàn giao cho Văn phòng Công tố Đài Bắc, sau khi đối tượng này bị phát hiện có nồng độ cồn 0.42 mg/l, nhưng lại cố tình bỏ trốn khi cảnh sát yêu cầu dừng lại kiểm tra.

Những sửa đổi nói trên ở Đài Loan được thông qua sau khi các thống kê cho thấy, trong 4 năm kể từ 2014 đến 2018, số người chết do điều khiển xe khi say xỉn tại Đài Loan đã tăng lên hơn 3.000 người, với gần 430.000 lượt người lái xe khi đã uống rượu. 

Để tuyên truyền mạnh mẽ hơn về những sửa đổi này, từ đầu tháng 7, Sở Cảnh sát Đài Bắc đã điều động khoảng 400 sỹ quan cảnh sát tuần tra liên tục suốt 24h tại 99 trạm kiểm soát trên khắp thành phố. 

Tờ Taipei Times đưa tin, cho đến nay, rất ít quốc gia sử dụng án tử hình cho các trường hợp lái xe có sử dụng đồ uống có cồn. Một số tiểu bang ở Mỹ sử dụng hình phạt này trong khi Trung Quốc tuyên bố sẽ tử hình những người gây ra tai nạn chết người khi lái xe uống rượu.

Tuy nhiên, do vấn nạn này ngày càng gia tăng, đã có thêm nhiều quốc gia sử dụng các hình phạt nghiêm khắc nhằm vào đối tượng là các tài xế say xỉn. Như ở Singapore, trong một đề xuất thay đổi về Luật Giao thông đường bộ hồi tháng 5, những người lái xe nếu tái phạm việc điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia hoặc ma túy có thể phải đối mặt với lệnh cấm lái xe vĩnh viễn và tăng gấp đôi thời gian ngồi tù hiện tại. 

Hình phạt cứng rắn hơn cũng đã được đề xuất cho các tội lái xe nguy hiểm và bất cẩn, bao gồm các bản án tối thiểu bắt buộc đối với lái xe gây chết người hay gây tổn thương nghiêm trọng, cũng như các hình phạt bổ sung cho những người phạm tội tương tự trong khi chịu ảnh hưởng bởi các chất kích thích. 

Còn ở Hàn Quốc, Bộ trưởng Tư pháp Park Sang-ki mới đây đã khẳng định sẽ coi say rượu khi lái xe là hành vi sát nhân và sẽ nghiêm trị người vi phạm. Hàn Quốc hiện dự định nâng án phạt đối với tài xế say rượu gây tai nạn chết người lên mức cao nhất, thay vì mức án 1 - 3 năm tù giam như hiện nay. Ngoài ra, nếu tài xế say rượu gây tai nạn trên 3 lần bất kể trong khoảng thời gian bao lâu cũng sẽ bị tuyên án tù giam.

Tại châu Âu, các biện pháp xử phạt mạnh cũng đang được thực thi. Từ năm 2013, tài xế bị quy tội lái xe ở Nga trong tình trạng say rượu khi có nồng độ cồn trong hơi thở từ 0,16 mg/lít trở lên. Lần đầu vi phạm sẽ bị phạt 30.000 rúp (hơn 10 triệu đồng), đồng thời bị thu giữ bằng lái từ 1 năm rưỡi đến 2 năm. Tái phạm sẽ bị phạt 50.000 rúp (hơn 17 triệu đồng) và thu bằng lái 3 năm. 

Người giao xe cho người say xỉn điều khiển cũng bị phạt tương tự. Phần Lan và Thụy Điển đều quy định tài xế lái xe sau khi uống rượu sẽ phải lao động khổ sai trong vòng 1 năm. 

Riêng ở Pháp, rượu được cho là nguyên nhân của 58% các trường hợp tử vong trên đường vào dịp cuối tuần nên một dự luật mới được áp dụng đã yêu cầu các tài xế phải chọn giữa việc treo bằng lái hoặc lắp đặt máy thở hiện đại giá 1.000 Euro (hơn 25 triệu VNĐ) trong xe của mình. 

Thiết bị này, có tên EAD trong tiếng Pháp (Ethylotest Anti-Démarrage) được cho sẽ khiến chiếc xe không thể khởi động được trừ khi tài xế vượt qua bài kiểm tra nồng độ cồn ngay trong lần đầu tiên, thông qua việc thổi vào ống của nó. 

Chi Anh (tổng hợp)
.
.
.