Tổng thống vướng lùm xùm, có dễ đi tong?

Thứ Hai, 29/05/2017, 14:24
Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump đã đưa ra những cam kết đầy tranh cãi. Xây bức tường biên giới với Mexico, cấm người Hồi giáo nhập cư, "bỏ rơi" đồng minh NATO hay Nhật, Hàn, hay bỏ tù bà Clinton... Dù những tuyên bố "không giống ai", Trump vẫn được lòng cử tri Mỹ nhờ khẩu hiệu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".


Thế nhưng, sau khi nhậm chức hơn 100 ngày, Trump đang làm ngược lại khẩu hiệu tranh cử của mình. Giờ đây ông phải lo đối phó với những việc lùm xùm do chính ông gây ra, không còn tâm trí đâu mà làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Tiết lộ thông tin mật

Dư luận Mỹ đang chấn động sau khi tờ The Washington Post (Mỹ) ngày 15-5 cáo buộc Tổng thống Donald Trump làm lộ thông tin tuyệt mật về chiến dịch chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak, tại thủ đô Washington D.C.

Dù Nhà Trắng đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này nhưng nhiều người dân Mỹ vẫn ngờ vực, và số lượt tìm kiếm trên Google với từ khoá “ông Trump phản quốc” đã tăng vọt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10-5 có cuộc hội đàm kín với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak ở Phòng Bầu dục, Nhà Trắng. Theo Washington Post, Trump đã mô tả chi tiết với phía Nga cách IS muốn biến máy tính xách tay thành bom trên các chuyến bay.

Thông tin mà Tổng thống Trump đưa ra do một đối tác của Mỹ cung cấp theo thỏa thuận chia sẻ tình báo. Thông tin được coi là nhạy cảm và chỉ lưu hành trong các nước Đồng minh, hạn chế chia sẻ ngay cả trong chính quyền Mỹ, các quan chức nói. Tiết lộ từ Tổng thống Trump gây nguy hiểm đối với nguồn tin tình báo này.

Donald Trump đã tiết lộ thông tin mật cho Nga trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov mới đây.

Đài NBC (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia pháp lý cho biết, Tổng thống Trump là người duy nhất trong chính phủ có quyền “tùy ý” tiết lộ bất kỳ thông tin gì ông muốn. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ thường quyết định giải mật thông tin sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và hội ý với các luật sư nhằm đảm bảo thông tin được giải mật phục vụ lợi ích người dân. Hiến pháp nước Mỹ cũng nêu rõ những quyền hành của Tổng thống, bao gồm giải mật thông tin an ninh quốc gia và ra sắc lệnh hành pháp mà không cần Quốc hội thông qua.

Cản trở công lý?

Trước đó, ngày 9-5, Tổng thống Trump bất ngờ sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey, với lý do ông này thiếu năng lực và xử lý yếu kém vụ bê bối email cá nhân của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. 

Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ động cơ thật sự của vụ sa thải này, khi ông Comey trong vai trò Giám đốc FBI đang tập trung điều tra nghi án tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, cuộc bầu cử đã đưa ông Trump lên vị trí quyền lực nhất nước Mỹ.

Với sắc lệnh nhập cư, Trump đã gây nên nhiều phản ứng và cũng là một thất bại của ông.

Trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Newsweek, Giáo sư Lichtman nhận định: “Chúng ta đã có những thông tin đáng tin cậy về việc ông Trump có thể đang cản trở cuộc điều tra của FBI, đầu tiên là bằng cách đòi hỏi người lãnh đạo điều tra phải cam kết trung thành với cá nhân ông. Rõ ràng, đây là sự cản trở công lý trắng trợn. Tiếp theo, ông ấy đã sa thải Giám đốc FBI Comey và nói dối vòng vo về lý do của vụ sa thải này”.

Một số nhà phê bình khác, trong đó có Nghị sĩ Dân chủ nhiều ảnh hưởng Richard Durbin, cho rằng việc ông Trump sa thải một người đang điều tra nghi án có liên quan đến ông chính là hành vi cản trở công lý - một hành vi đủ cơ sở để đưa ra luận tội. Thượng nghị sĩ Durbin nhấn mạnh: “Tổng thống Trump là người nguy hiểm, bởi ông ấy có thể đang ngăn cản công lý bằng cách cản trở cuộc điều tra đi vào cốt lõi nền dân chủ của chúng ta, đó là mức độ đáng tín nhiệm của Tổng thống”.

Quyết định đột ngột đã làm dấy lên nghi ngờ liệu có phải Tổng thống Trump đang muốn gây sức ép cho FBI về cuộc điều tra Nga. Một loạt nghị sĩ đã lên tiếng cho rằng đây là hành động can thiệp vào sự độc lập của lực lượng tư pháp.

Watergate mới, Donald Trump sẽ bị truất phế?

Ngày 16-5, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Thượng viện cho rằng những diễn tiến liên quan tới Tổng thống Trump đã đạt tới "cấp độ và quy mô tương đương với vụ Watergate". Hãng tin AP dẫn lời ông John McCain: "Tôi nghĩ là chúng ta đã xem bộ phim này trước đây rồi. Những chiếc giày vẫn tiếp tục rơi và cứ vài ngày lại có một thông tin mới".

Trump hiện tại đang không được lòng người dân Mỹ.

Với những lý do trên, cho thấy Donald Trump sẽ là vụ Watergate mới trên chính trường Mỹ. Và sẽ đúng như lời "giáo sư tiên tri" Lichtman đã dự đoán, ông Trump có thể bị luận tội vì làm điều gì đó "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia hay trục lợi cá nhân".

Để trở thành tổng thống Mỹ đã khó, làm tổng thống Mỹ còn khó hơn. Và hình như ông Trump vẫn đang học để điều hành nước Mỹ. Cái giá để trả cho việc học có thể là sinh mạng chính trị của ông. Vị Tổng thống thứ 45 nước Mỹ có thể từ chức khi chưa hết nhiệm kỳ.

Tổng thống Mỹ đứng trên nhiều luật. Tất cả những gì ông Trump làm cho đến nay vẫn chưa phạm luật, nhưng có một luật đứng trên tất cả, đó là lòng dân. Liệu Donald Trump có tiếp tục được sự ủng hộ của dân chúng để có thể tiếp tục học làm Tổng thống?

Việt Hồng
.
.
.