Đàm phán Mỹ-Iran: Có cũng như không

Thứ Sáu, 30/08/2019, 18:34
Giội gáo nước lạnh vào sáng kiến của Pháp bằng việc từ chối lời đề nghị đưa tên lửa đạn đạo vào chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán mới, giới chức Iran hôm 28-8 tuyên bố Mỹ phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt trước và quên đi mọi khả năng Iran sẽ từ bỏ tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đối thoại không có nghĩa là thay đổi lập trường.


Những tuyên bố đầu môi

Hãng tin AP của Mỹ cho hay, bên cạnh việc phản hồi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng chương trình tên lửa không phải để đàm phán, Iran cũng từ chối lời đề nghị của Pháp nhằm thảo luận về sự hiện diện của Iran trong khu vực.

Điều này có nghĩa, ý tưởng của ông Emmanuel Macron về thiết lập nguồn tín dụng trị giá 15 tỷ USD trong khuôn khổ một cơ chế nhằm giúp Tehran thực hiện các giao dịch thương mại chưa đủ mạnh để thúc đẩy Iran cân nhắc đảo ngược quyết định rút lại một số cam kết trong thoả thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) năm 2015.

Căng thẳng giữa Mỹ-Iran ngày càng gia tăng. Ảnh: Getty

Nhượng bộ duy nhất của Iran được ghi nhận trong vấn đề này là chuyến thăm Biarritz (Pháp) - nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (Iran) của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif. Chính sau chuyến đi này, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã phát đi thông điệp rằng Iran sẽ sử dụng bất kỳ công cụ nào trong tay để đảm bảo lợi ích quốc gia nhưng sẵn sàng gặp gỡ "một ai đó" để giải quyết các vấn đề với Mỹ…

Phát biểu trên truyền hình hôm 27-8, ông Hassan Rouhani cũng nói: "Trong mối quan hệ giữa Iran và Mỹ, chúng tôi sẽ không chứng kiến bất kỳ sự phát triển tích cực nào trừ khi Washington từ bỏ các biện pháp trừng phạt và sửa chữa con đường sai lầm mà họ đã chọn.

Theo nhà lãnh đạo Iran, chìa khóa cho một sự thay đổi tích cực nằm trong tay nước Mỹ. Iran đã từ bỏ chương trình chế tạo bom hạt nhân, mối lo ngại lớn nhất đối với nước Mỹ. Vì thế, nếu không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, chìa khóa sẽ không được mở.

Trong khi đó, kết thúc Hội nghị G7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẵn sàng gặp Tổng thống Iran và giảm sức ép trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này. Nhưng, ông chủ Nhà Trắng lại không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước mà chỉ đề cập đến khả năng đàm phán hạn mức tín dụng ngắn hạn, được bảo đảm bằng dầu, nếu Iran cần.

Ông Donald Trump còn nói rõ, bất kỳ thỏa thuận hạt nhân mới nào cũng sẽ phải bao gồm các hạn chế đối với việc phát triển tên lửa đạn đạo của Iran. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài REF, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng đã nhắc lại việc Tổng thống Donald Trump sẵn sàng gặp bất cứ ai để đối thoại nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ thay đổi lập trường.

Tình báo Mỹ đang lo ngại về kho vũ khí tên lửa ngày càng mạnh của Iran.

Trên thực tế, việc không có giới hạn về tên lửa trong thoả thuận JCPOA được ký kết bởi Tổng thống Barack Obama là một trong những lý do được ông Trump nêu ra trong quyết định rút khỏi thoả thuận. Iran đã khẳng định, tên lửa không bao giờ là vấn đề được nằm trên bàn đàm phán.

"Chúng tôi sẽ không đàm phán các vấn đề khu vực và tên lửa với Mỹ", phát ngôn viên của Iran Ali Rabiee nói trong một cuộc họp báo. Ông cũng nhắc lại lập trường của Tổng thống Hassan Rouhani rằng, trước tiên, Mỹ  phải gỡ bỏ các lệnh trừng phạt và sau đó Iran sẽ đưa ra quyết định của mình về việc có nên tổ chức các cuộc đàm phán hay không…

Và sức mạnh tên lửa Iran

Rõ ràng, trong tuyên bố, cả Mỹ và Iran đều khẳng định muốn đàm phán, nhưng con đường để dẫn đến bàn tròn đó lại chỉ được vạch ra chứ khó có khả năng thực thi. Chuyên gia Sadeq Zibakalam thuộc Đại học Tehran phân tích, nỗ lực của các bên là có nhưng chưa đủ để biến những lời nói thành hành động cụ thể.

Hơn nữa, việc Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh bác bỏ ý kiến cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của nước này đã "chọc giận" Washington.

Thêm vào đó, tuyên bố của Tư lệnh lục quân Iran, Thiếu tướng Abdolrahim Mousavi về thành tựu quốc phòng gần đây của Tehran cũng như sự tiến bộ về chế tạo hệ thống tên lửa phòng không Bavar 373 khiến không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia khác cũng phải dè chừng.

Theo hãng thông tấn Tasmin, trong những năm gần đây, các chuyên gia quân sự Iran đã có những bước tiến lớn trong việc tự nghiên cứu và chế tạo hàng loạt thiết bị quân sự hiện đại. "Trước sự thất vọng của kẻ thù, Iran tiếp tục các hoạt động phòng thủ và tên lửa với tốc độ nhanh hơn trước đây", Tasmin dẫn lời một giới chức Iran.

Trong giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán tạo ra JCPOA, chính quyền của Tổng thống Barack Obama và các đối tác Anh, Pháp và Đức đã tham gia vào các yêu cầu của Tehran, được Nga và Trung Quốc ủng hộ - rằng chương trình tên lửa của họ không nằm trong các cuộc đàm phán.

Tình báo Mỹ đang lo ngại về kho vũ khí tên lửa ngày càng mạnh của Iran.

Sự nhượng bộ này được biện minh bằng cách nói ưu tiên là mối đe dọa vũ khí hạt nhân và để giải quyết vấn đề này, tên lửa hoặc hỗ trợ cho khủng bố nên được đưa ra khỏi chương trình đàm phán. Không chỉ các tên lửa tránh xa thỏa thuận hạt nhân, mà một loạt các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được Mỹ đề xuất rằng Iran sẽ không thực hiện các hoạt động liên quan đến tên lửa đạn đạo, bao gồm cả các vụ phóng, cũng bị "rớt".

Chúng được thay thế bằng một phụ lục nhỏ đại ý rằng Iran chỉ đơn thuần là quốc gia được yêu cầu không được thực hiện các hoạt động tên lửa như vậy. Việc hạ thấp vấn đề tên lửa Iran đã gây tranh cãi ở Mỹ, nhất là sau khi Iran bảo đảm thực thi thỏa thuận hạt nhân nhưng vẫn đẩy mạnh các vụ thử tên lửa đạn đạo vào năm 2016.

Iran khăng khăng rằng tên lửa của họ hoàn toàn vì mục đích phòng thủ và cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia. Thậm chí, trong chuyến thăm New York hồi tháng 7, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã nói với hãng NBC News, nếu Mỹ muốn nói về tên lửa, họ nên ngừng bán vũ khí, bao gồm cả tên lửa, cho các quốc gia trong khu vực.

Theo các nhà phân tích, sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran cùng những nghi ngờ về chương trình tên lửa của Iran đã bị "đổ thêm dầu vào lửa" bởi các vụ tấn công bí ẩn nhằm vào tàu chở dầu tại vùng Vịnh hồi tháng 5 và tháng 6; vụ máy bay không người lại bị bắn hạ trên không phận Yemen và những vụ thử tên lửa của Iran trong đó vụ thử mới nhất diễn ra hôm 23-8…

Trong số các tên lửa của Iran, Mỹ và các nước đồng minh "ngán" nhất là các tên lửa đất đối không gồm SA-5, SA-13 và SA-22 do Nga sản xuất và Hawk cải tiến do Mỹ sản xuất được bán cho Iran trước Cách mạng Iran. Ngoài ra, còn có các tên lửa phòng không cầm tay như SA-7 và SA-24, và pháo phòng không tự hành 35mm Oerlikon GDF do Thụy Sĩ sản xuất.

Nếu xảy ra chiến tranh Mỹ-Iran, máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng tấn công của Mỹ sẽ là chìa khóa và là yếu tố quyết định. Vì thế, với Mỹ, để ngăn chặn nguy cơ này, loại bỏ hệ thống phòng thủ phòng không của Iran phải là ưu tiên hàng đầu.

Tình báo Mỹ khẳng định, hiện Iran có gần 7.000 khẩu pháo, từ pháo tự hành và nhiều bệ phóng tên lửa cho đến súng cối trung bình. Các vũ khí cao hơn gồm pháo hạm D-20 152 mm của Nga, M114A1 của Mỹ kéo theo pháo hạm 155mm và súng phóng lựu Fadijr-5 của Iran. Iran cũng có một đội xe bọc thép đáng kể gồm khoảng 1.600 xe tăng và khoảng 1.200 xe chiến đấu giống như xe tăng và xe bọc thép chở quân…

Để đối phó với Iran trong tình huống xấu nhất, Mỹ đang tăng cường triển khai quân sự ở khu vực xung quanh Iran, hỗ trợ Israel chống lại quốc gia này.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy, dù đều tuyên bố không muốn có chiến tranh, nhưng từng bước một, Mỹ và Iran lại đang tiến dần vào quỹ đạo xung đột. Tuy nhiên, như GS Amin Saikal-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Arab và Hồi giáo tại Đại học Quốc gia Australia bình luận, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Iran có thể sẽ không có khả năng quân sự để đứng vững trước hỏa lực của Mỹ.

Mỹ có thể nhanh chóng tiêu diệt các cơ sở quân sự của Iran, các địa điểm hạt nhân và các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Ngoài ra, Mỹ có thể ngăn Iran chặn eo biển Hormuz, nơi khoảng 30% lượng dầu thế giới đi qua. Tuy nhiên, Iran cũng có khả năng khiến bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ - có hoặc không có sự hỗ trợ của Israel và Arab Saudi trở nên rất tốn kém cho Mỹ và khu vực.

Bởi lẽ, dù Iran thiếu một lực lượng không quân tiền tuyến hiện đại, nhưng nước này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển và sản xuất các tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa như Israel. Ngay cả khi độ chính xác của tên lửa Iran không thể được đảm bảo, nhưng nhiều quả trong số đó vẫn có thể thoát được các hệ thống phòng thủ.

"Do đó, trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ, Iran sẽ không dễ dàng bị tiêu diệt. Ngược lại, bất kỳ cuộc tấn công quân sự lớn nào cũng có thể dẫn đến một thảm họa không thể kiểm soát được. Vì thế, cả hai bên đều có lý do chính đáng để tránh châm ngòi cho một cuộc chiến", GS Amin Saikal viết.

Khánh Chi (tổng hợp)
.
.
.