Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn mờ mịt

Thứ Ba, 06/08/2019, 15:53
Mỹ và Trung Quốc hầu như không có gì để "báo cáo thành tích" về vòng đàm phán thương mại cấp cao ngắn ngủi đã kết thúc vào ngày 31-7, không thông báo chi tiết về việc mua hàng hóa nông sản Mỹ hoặc giảm nhẹ lệnh trừng phạt cho Tập đoàn Huawei Technologies của Trung Quốc.


Hai nước dự kiến sẽ tổ chức một vòng đàm phán khác ở Mỹ vào tháng 9, trong bối cảnh những rạn nứt cơ bản về thương mại vẫn còn, bao gồm cả trợ cấp của Nhà nước Trung Quốc cho các công ty trong nước.

"Hai bên đã tiến hành trao đổi thẳng thắn, hiệu quả, mang tính xây dựng và chuyên sâu" về kinh tế và thương mại, tờ Tân Hoa xã cho biết sau cuộc họp hôm 31-7. Họ đã thảo luận về sự gia tăng khả năng mua hàng nông sản Mỹ của Trung Quốc và "điều kiện thuận lợi" được Washington đưa ra để thực hiện điều đó, theo Tân Hoa xã. Tuy nhiên, báo cáo không đề cập đến tiến độ như các cuộc đàm phán trước đây.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, ngoài cùng bên phải, và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, ngoài cùng bên trái, gặp nhau tại một trung tâm hội nghị ở Thượng Hải vào ngày 31-7.

Tương tự, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham gọi cuộc họp là "mang tính xây dựng" và rằng Trung Quốc sẽ tăng mua hàng xuất khẩu nông sản của Mỹ, nhưng cũng  không cung cấp thêm chi tiết. "Chúng tôi hy vọng các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại có thể thực thi sẽ tiếp tục ở Washington, D.C, vào đầu tháng 9", bà Stephanie nói.

Câu hỏi đặt ra cho cuộc họp lần này liên quan đến việc liệu Washington và Bắc Kinh đàm phán lại từ những đổ vỡ hồi tháng 5, hay cần phải bắt đầu lại từ đầu. "Chúng tôi đã đi được khoảng 90%" trước khi các cuộc đàm phán thương mại đi vào bế tắc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói vào tháng 6.Nhưng các cuộc đàm phán tổng cộng chỉ 5 giờ và gặp khó khăn. 

Ông Mnuchin, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc gặp nhau lần đầu tiên tại khách sạn Peace Hotel danh giá trên bờ sông Bund vào tối 30-7. Sau đó, ngay sau khi các quan chức ngồi dự tiệc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tấn công Trung Quốc trên Twitter, nói rằng nước này đã không mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đã hứa. "Họ luôn thay đổi thỏa thuận cuối cùng vì lợi ích của họ", ông Trump viết.

Một bài xã luận trên báo Nhân dân của Trung Quốc đã phản ứng gay gắt các tweet của ông Trump, gọi chúng là "hoàn toàn phi lý". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng kêu gọi Mỹ thể hiện sự chân thành hơn trong các cuộc đàm phán.Rất hiếm khi Bắc Kinh chỉ trích Washington ngay sau cuộc họp.Nó còn nghiêm trọng hơn vì đây là lần đầu tiên các cuộc đàm phán thương mại được tổ chức tại Thượng Hải. Trung Quốc đã rất có thâm ý khi chọn nối lại các cuộc đàm phán tại thành phố nơi mà 2 nước đã ký một thông cáo vào năm 1972 để hướng tới bình thường hóa quan hệ.

Mỹ và Trung Quốc vẫn chia rẽ sâu sắc về các vấn đề cơ bản, như trợ cấp công nghiệp của Bắc Kinh.Trung Quốc đã cắt giảm khoảng 50 trang từ bản dự thảo dài 160 trang của thỏa thuận thương mại vào đầu tháng 5, chủ yếu là về các chủ đề đó, một nguồn tin Chính phủ Trung Quốc cho biết.

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang bị tổn thương khi cuộc chiến thương mại kéo dài. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) chính thức chỉ đạt 49,7 điểm trong tháng 7, Cục Thống kê Trung Quốc cho biết hôm 31-7, tăng 0,3 điểm so với tháng 6 nhưng ở dưới mức 50 điểm trong tháng thứ ba liên tiếp. Đơn đặt hàng mới cũng giảm xuống dưới 50 điểm trong tháng thứ ba, ở mức 49,8. Các đơn đặt hàng xuất khẩu mới, ở mức 46,9, đặc biệt kém trong bối cảnh thuế quan bổ sung của Mỹ (dưới 50 điểm nghĩa là không có tăng trưởng). Sản xuất tăng 0,8 điểm lên 52,1, nhờ sự gia tăng giữa các công ty lớn của nhà nước và số ngày làm việc lớn hơn so với tháng 6. Việc làm tăng 0,2 điểm lên 47,1.

Ngày 1-8 (rạng sáng 2-8 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc. 

Báo The Hill đưa tin việc Tổng thống Trump quyết định áp đặt thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa 300 tỷ USD còn lại nhập từ Trung Quốc chứng tỏ nhà lãnh đạo Mỹ không hài lòng với kết quả vòng đàm phán thương mại cấp cao thứ 12 vừa kết thúc. Trước đó, Mỹ đã áp thuế trừng phạt 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD nhập từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kim Thu
.
.
.