Dân tị nạn miền Bắc làm Tổng thống miền Nam

Chủ Nhật, 28/05/2017, 15:29
Ông Moon Jae-in, là dân tị nạn gốc miền Bắc bán đảo Triều Tiên, vừa chính thức trở thành Tổng thống thứ 19 của miền Nam, tức Hàn Quốc kể từ ngày 10-5-2017.


Sinh ra trong trại tị nạn

Hiển nhiên, hành trình từ một dân tị nạn trở thành Tổng thống là một con đường đầy biến động. Cách đây 67 năm, có 2 vợ chồng ở Bắc bán đảo chạy nạn chiến tranh sang miền Nam. Ba năm sau (1953), họ sinh con trai đầu lòng trong trại tị nạn, đó chính là ông Moon Jae-in ngày nay.

Sau đó, cặp vợ chồng này còn sinh thêm 4 người con nữa. Vì là dân tị nạn nên gia đình họ rất nghèo. Moon  Jae-in từng phải bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí và gia đình đôi khi phải ăn cháo ngô thay cơm. “Nghèo đói ám ảnh tuổi thơ tôi. Nhưng cũng có những lợi ích: tôi độc lập, trưởng thành hơn so với bạn đồng trang lứa, tội nhận ra tiền không phải là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời” - ông Moon kể.

Moon tốt nghiệp trung học tại Busan, rồi theo học ngành luật tại Đại học Kyeong Hee (Seoul). Chính trong thời gian này, ông đã bộc lộ tài năng chính trị của mình khi lãnh đạo các cuộc biểu tình chống chế độ độc tài Park Chung-hee. Lúc này, Tổng thống Park sửa đổi Hiến pháp để tăng nhiệm kỳ của mình và đàn áp dữ dội phong trào sinh viên. Năm 1975, Moon bị bắt và phải rời trường đại học. Sau đó, Moon bị buộc đi nghĩa vụ quân sự. Năm 1980, ông hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở lại trường, và thi đậu kỳ thi sát hạch vào luật sư đoàn.

Nhà đấu tranh nhân quyền

Ước mơ của chành thanh niên Moon khi ấy là được trở thành một thẩm phán sau khi tốt nghiệp Học viện Nghiên cứu và Đào tạo Tư pháp. Tuy nhiên, điều này không được chấp thuận do ông từng có “tì vết” tham gia lãnh đạo phong trào sinh viên.

Và rồi Moon gặp luật sư Roh Moo-hyun, người sau này trở thành Tổng thống Hàn Quốc giai đoạn 2003-2008. Hai người cùng nhau mở văn phòng luật trợ giúp pháp lý liên quan đến người lao động và nhân quyền ở Busan.

Năm 1987, Phong trào Dân chủ tháng Sáu (June Democracy Movement) bùng nổ. Đây là cuộc nổi dậy đòi bầu cử tổng thống trực tiếp và thúc đẩy cải cách chuyển đổi dân chủ ở Hàn Quốc. Roh là người lãnh đạo, còn Moon là thành viên cấp cao của phong trào đầu tiên ở Busan.

Moon Jae-in năm 1988. 

Từ đó, Roh dấn thân vào con đường chính trị, từ nghị sĩ Quốc hội rồi đến Tổng thống. Roh luôn động viên bạn mình vào chính trường, nhưng Moon từ chối. Mãi đến khi ông Roh tự tử do dính líu đến tham nhũng vào ngày 23-5-2009, Moon mới quyết định tham gia chính trường.

“Anh có thể thoát khỏi định mệnh của mình, nhưng công việc anh để lại làm cho tôi không có sự lựa chọn nào” - ông Moon viết trong hồi ký.

Tương lai bán đảo Triều Tiên?

Trong lễ nhậm chức Tổng thống, ông Moon nhắc lại cam kết trong suốt mùa tranh cử: Sẵn sàng đối thoại với chính quyền Triều Tiên Kim Jong-un nếu hội đủ các điều kiện. Như vậy, tân Tổng thống đi theo một đường lối ôn hòa với CHDCND Triều Tiên, khác với chính sách cứng rắn của nữ Tổng thống bị truất phế Park Geun-hye.

Một trong những quyết định đầu tiên của tân Tổng thống Moon Jae-in ngay sau khi nhậm chức là bổ nhiệm ông Suh Hoon làm Giám đốc Cơ quan Tình báo. Sĩ quan tình báo gạo cội này, từng tham gia kế hoạch tổ chức 2 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, tuyên bố với báo chí rằng còn quá sớm để nói đến thượng đỉnh lần 3 nhưng đó là chuyện cần thiết.

Có một diễn biến khá thú vị: Vào lúc mọi kết quả thăm dò ý kiến cho thấy ứng cử viên Moon Jae-in chiến thắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đột nhiên tuyên bố sẵn sàng tiếp ông Kim Jong-un. 

Chuyên gia Hàn Quốc Cheong Seong-chang của Viện Sejong lý giải: Washington và Seoul phối hợp đòn cương - nhu đối phó với Bình Nhưỡng. Ông Trump là cây gậy, ông Moon là củ cà rốt, để đòi Bình Nhưỡng tuân thủ nghị quyết Liên Hiệp Quốc, bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Vấn đề là liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thích củ cà rốt Hàn Quốc đưa ra hay không?

Anh Huỳnh
.
.
.